Giải pháp phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản bền vững

07:09, 23/09/2022

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị các loại nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững.

Sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh trưng bày tại Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn 2022.
Sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh trưng bày tại Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn 2022.

Toàn tỉnh có gần 112 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 90 nghìn ha đất canh tác và trên 17 nghìn ha đất có mặt nước để nuôi thủy sản. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình liên kết và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị để phát triển vững chắc. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp liên tục có mức tăng trưởng tốt; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng ổn định từ 2,5-3,2%/năm. Chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất hàng hoá. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng nhanh, đạt hơn 186 nghìn tấn/năm. Kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7-8%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Sản lượng thủy sản đạt trên 180 nghìn tấn/năm. Ngành muối chuyển dịch theo hướng sản xuất sạch với sản lượng sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên 100 nghìn tấn/năm. Kinh tế hợp tác xã (HTX) ngày càng đi vào ổn định và có bước phát triển mới. Nhiều HTX chuyên ngành được thành lập, trong đó có HTX kiểu mới tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa với các doanh nghiệp. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời có nhiều tiềm năng phục vụ xuất khẩu. 

Những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã củng cố, xây dựng và phát triển được 36 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; lựa chọn có trọng tâm đối với các ngành hàng chủ lực như: lúa, khoai tây, thủy sản nước lợ, thịt lợn… là những lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Từ thực tiễn xây dựng và phát triển hoạt động của các chuỗi điển hình có khả năng phát triển và nhân rộng cho thấy sự tham gia tích cực của “4 nhà”, trong đó doanh nghiệp, HTX có vai trò rất lớn để kết nối, hợp tác với nông dân xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Có nhiều chuỗi được đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, áp dụng công nghệ 4.0 gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Kết quả xây dựng các chuỗi đã góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, trong 36 chuỗi liên kết có 6 chuỗi do các HTX, chủ trang trại làm chủ chuỗi; 26 chuỗi do doanh nghiệp làm chủ chuỗi. Các doanh nghiệp, HTX làm chủ chuỗi có vai trò lựa chọn cung cấp vật tư đầu vào, giám sát kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo các đối tác tham gia trong chuỗi thực hiện đúng hợp đồng liên kết; tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp, HTX. Các cơ quan Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi, đào tạo, tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đối tác. 

Tuy nhiên, tốc độ xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trong nông nghiệp của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Các chuỗi đã xây dựng đều ở quy mô trung bình và nhỏ, chưa có nhiều chuỗi lớn hoặc chuỗi liên kết nhánh trong liên kết. Hiện nay, tỉnh vẫn chưa có chính sách đồng bộ, cơ chế riêng khuyến khích phát triển chuỗi giá trị mà chủ yếu là vận dụng các cơ chế, chính sách chung hiện có để khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết. Chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ở các tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài về tham gia liên kết đầu tư xây dựng chuỗi tại tỉnh còn rất hạn chế. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, tuy đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung nhưng tính tổ chức, liên kết còn cầm chừng, chưa có nhiều dự án đầu tư tổ chức sản xuất liên kết giữa các vùng. Nhận thức của một bộ phận nông dân chưa thay đổi theo xu hướng hiện đại, không tuân thủ nghiêm những điều khoản đã ký về trách nhiệm khi tham gia liên kết với doanh nghiệp, vẫn có tình trạng bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường tăng hơn giá hợp đồng đã ký. Mặc dù có nhiều chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh về xây dựng phát triển chuỗi liên kết, song nguồn lực dành cho nhiệm vụ này còn rất hạn chế, chưa có tính khuyến khích mạnh việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Để giải quyết những hạn chế, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thời gian tới Sở NN và PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, tiêu thụ nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững. Thực hiện tốt công tác quy hoạch; công khai quy hoạch sử dụng đất, khuyến khích dồn điền, đổi thửa, thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến với phân phối và tiêu thụ sản phẩm. 

Hỗ trợ doanh nghiệp trong các liên kết chuỗi khai thác tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Chú trọng phát triển thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu như ngao, muối, thủy sản, nông sản chế biến. Cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Triển khai thực hiện tốt pháp luật về nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Khuyến khích hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại hợp tác thành lập HTX kiểu mới để cộng đồng sức mạnh, khắc phục điểm yếu của kinh tế hộ cá thể, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia thị trường có tính hội nhập cao. Tăng cường hỗ trợ các HTX xây dựng cơ sở hạ tầng, phối hợp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ HTX, đặc biệt là các kỹ năng về thị trường, hội nhập; tập huấn, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm và chia sẻ rủi ro. 

Nhân rộng các mô hình liên kết hình thành các vùng sản xuất tập trung: cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết; các trang trại, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Triển khai đồng bộ xây dựng chuỗi liên kết gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Coi trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm kết hợp phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh ở trong nước và xuất khẩu. Gia tăng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi, mã số định danh, mã QR Code để đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối và minh bạch thông tin các vùng sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com