Nam Định có bờ biển dài 72km với 13 nghìn ha rừng đặc dụng ngập mặn, hàng nghìn ha bãi bồi, nối với 4 cửa sông lớn; khu vực biên giới biển của tỉnh gồm 19 xã, thị trấn. Khu vực biên giới tuyến biển của tỉnh không chỉ là địa bàn có tiềm năng phát triển kinh tế mà còn có vị trí chiến lược trong hướng phòng thủ quan trọng của tỉnh và Quân khu 3. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về phát triển vùng kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh tuyến biển của tỉnh.
Bộ đội Biên phòng tỉnh và Cảnh sát biển Vùng 1 phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về biển, đảo cho ngư dân trên tàu thuyền đang neo đậu tại khu vực cống Quần Vinh, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). |
Nội dung truyền thông và thông tin đối ngoại trên khu vực biên giới biển tập trung khơi dậy niềm tin, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố và nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ TT và TT (Bộ TT và TT) thường xuyên tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng Nam Định. Bên cạnh việc trưng bày tư liệu, hiện vật do Bộ TT và TT cung cấp, tỉnh còn chủ động sưu tầm tư liệu, trưng bày với chủ đề “Nam Định chung sức, chung lòng bảo vệ biển, đảo”. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thực hiện chương trình tọa đàm “Nam Định chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ biển, đảo” góp phần tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ quyền biển, đảo quê hương. Từ năm 2015 đến nay, Sở TT và TT đã tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên tổ chức Triển lãm bản đồ trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 3 huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và tại thành phố Nam Định nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30-4, Quốc tế Lao động 1-5 và tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định... đã được sự hưởng ứng cao của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Bên cạnh việc trưng bày bản đồ, các tư liệu, hiện vật, Sở TT và TT kết hợp trình chiếu triển lãm số 3D về chủ đề biển, đảo; tổ chức nhiều hoạt động khác như tọa đàm trao đổi về bảo vệ chủ quyền biển, đảo giữa các nhân chứng lịch sử, cán bộ, văn nghệ sĩ với học sinh, sinh viên; Chương trình giao lưu văn nghệ biển, đảo quê hương của sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền biển, đảo. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 24 hộp thư hỏi đáp pháp luật; tham gia viết 743 tin, bài, 40 chuyên mục tạp chí; 25 phóng sự “Vì chủ quyền, an ninh biên giới biển"; cấp phát trên 35 nghìn tờ rơi, 3.600 đĩa DVD và nhiều tài liệu tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam, về Hoàng Sa và Trường Sa... phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới biển. Tuyên truyền trực tiếp tại hội nghị với 37 buổi cho 2.200 lượt người; tuyên truyền trực tiếp qua công tác tuần tra kiểm soát cho 1.370 chủ phương tiện; tuyên truyền đặc biệt cho 35 đoàn với 218 lượt người nước ngoài đến tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tích cực triển khai các hoạt động quản lý và bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ vững an ninh cho phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực biên giới biển Nam Định. Nhiều chương trình, mô hình vận động quần chúng được xây dựng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; mô hình “Tổ an ninh tự quản khu vực đầm bãi”, “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn”, “Khu dân cư vùng giáo tiên tiến và an toàn về an ninh trật tự”; “Nông dân tự quản về an ninh trật tự và tham gia giữ gìn bình yên tuyến biển”... Thành lập và duy trì hoạt động 63 tổ tự quản an ninh trật tự với 335 thành viên, 36 tổ tàu thuyền đoàn kết an toàn với 557 tàu thuyền có 1.364 thành viên, 27 tổ tự quản khu vực neo đậu với 695 thành viên. Vận động 385 tập thể, 1.212 hộ gia đình, 1.666 cá nhân và gia đình tự nguyện đăng ký phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ven biển tuyên truyền, vận động được 474/534 tàu cá có chiều dài từ chiều dài 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuyên truyền, vận động 322 chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác hải sản trên biển. Phân công 139 cán bộ, đảng viên phụ trách 696 hộ gia đình ở khu vực biên giới biển, góp phần xây dựng mối đoàn kết quân dân ngày càng sâu sắc.
Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các huyện, xã ven biển tổ chức 113 lớp tập huấn cho 19.100 lượt ngư dân về: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; quản lý rác thải nhựa đại dương; Luật Biên giới quốc gia, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18-12-2003 của Chính phủ về khu vực biên giới biển, Thông tư số 89/2004/TT-BQP ngày 19-6-2004 của Bộ Quốc phòng về quy chế khu vực biên giới; Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc; Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ; các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về chiến lược phát triển kinh tế biển... Thường xuyên trao đổi thông tin với BĐBP tỉnh, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình vi phạm chủ quyền vùng biển của tỉnh, tình hình sản xuất trên biển của ngư dân, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tình hình tai nạn tàu cá trên biển... để tăng cường công tác phối hợp quản lý.
Thời gian tới, bám sát chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, các cấp, ngành, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch, dự án kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền vùng biển của tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới biển. Phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông để đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống cho các cấp chính quyền, BĐBP và tạo điều kiện cho nhân dân sinh sống tại khu vực biên giới biển được khai thác, sử dụng các dịch vụ thông tin và truyền thông thuận lợi. Lồng ghép thông tin đối ngoại với các hoạt động quảng bá hình ảnh quê hương, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, nét văn hoá đặc sắc của tỉnh đến bạn bè và du khách./.
Bài và ảnh: Đức Toàn