(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ 2: Những kết quả tích cực
Từ định hướng, chủ trương đúng đắn, sự tích cực, khẩn trương thiết lập “bộ khung”; tinh thần tiên phong, quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền đã giúp các cơ quan Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong tỉnh có căn cứ, lực đẩy thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số (CĐS) và đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Công ty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (thành phố Nam Định) ứng dụng giải pháp internet vạn vật (IoT) trong tự động hóa lò nhiệt luyện liên tục giúp cắt giảm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Theo đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Giai đoạn vừa qua, thực hiện định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương, các cơ quan truyền thông Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh... đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức về CĐS trong cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp của tỉnh ngày càng được cải thiện. Từ thay đổi nhận thức, các sở, ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc đẩy mạnh CĐS trên cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đến nay tỉnh đã bước đầu hình thành được kiến trúc nền tảng của chính quyền điện tử. Trong đó, hạ tầng số (gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng trung tâm dữ liệu) đều được tăng cường đầu tư. Nhóm cơ sở hạ tầng vật lý dùng chung (hệ thống máy tính, máy chủ, máy chuyên dùng cảm biến, hệ thống phân tích số liệu...) được đầu tư nâng cấp từng bước. Hiện 100% cơ quan, địa phương đầu tư trang thiết bị CNTT, lắp đặt hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao; 100% cơ quan kết nối mạng diện rộng, mạng truyền số liệu chuyên dùng từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối internet phục vụ công tác chuyên môn. Từ cuối năm 2021, tỉnh đã tập trung triển khai và hiện đã hoàn tất, đưa vào sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đến tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước trên toàn tỉnh và kết nối đến mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I của các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương. Đây là mạng truyền dẫn dùng riêng căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu được phân cấp cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính an toàn, bảo mật, tốc độ cao với dung lượng lớn không bị ngắt quãng. Về hạ tầng dữ liệu, đã xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, đảm bảo kết nối an toàn các ứng dụng dùng chung của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, vận hành đô thị thông minh và CĐS của tỉnh (bao gồm: hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo, phần mềm quản lý văn bản điều hành) đến 371 điểm là các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. Riêng về nền tảng tích hợp cơ sở dữ liệu, tỉnh đã đảm bảo hạ tầng luôn ở chế độ sẵn sàng; ngay khi Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương yêu cầu tích hợp là tỉnh đã tiên phong triển khai. Đến nay, tỉnh đã tích hợp được 11 bộ cơ sở dữ liệu của các bộ, ban, ngành. Hệ thống thông tin (HTTT) trọng yếu của tỉnh đang được gấp rút xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung theo hướng kết nối đồng bộ, liên thông 4 cấp. Đặc biệt, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đảm bảo phục vụ trên 200 nghìn người truy cập cùng một thời điểm; đã kết nối với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia, kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến của Chính phủ và kết nối đến HTTT của một số bộ, ngành, như: phần mềm cấp lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, phần mềm đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đã tích hợp HTTT một cửa điện tử của tỉnh và kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, 226 xã, phường, thị trấn. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh niêm yết công khai 100% thủ tục hành chính (TTHC) của 3 cấp chính quyền là tỉnh, huyện, xã; đã cung cấp gần 600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp. 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đã có 5,3 triệu lượt người truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; trên 40% số thủ tục hành chính của tỉnh thường xuyên phát sinh hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt trên 20% tổng số hồ sơ đăng ký giải quyết TTHC. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 243.383 hồ sơ TTHC, trong đó có 24.655 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,98%. Từ năm 2021, Nam Định là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang thực hiện đúng lộ trình Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu hướng tới là 5 nhóm tiện ích cụ thể gồm: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân); ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đến nay, các sở, ngành, địa phương đang thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đúng lộ trình Đề án; nổi bật là vai trò đi đầu của ngành Công an với 6/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, đã tiếp nhận và giải quyết 12.797 hồ sơ TTHC trong 6 tháng đầu năm 2022. Trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đã bước đầu thực hiện cung cấp một số dịch vụ công liên quan đến cư trú. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai theo lộ trình. Điển hình, đã tiến hành xây dựng dữ liệu thông tin bảo hiểm xã hội để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh...
Đối với nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và vận hành thí điểm một số dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh (cung cấp thông tin chung từ chính quyền; thông tin về: y tế, giao thông; du lịch; GD và ĐT; dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương; hỗ trợ du khách; tổng hợp thông tin; phản ánh hiện trường...).
Các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số đã đạt nhiều chuyển biến tích cực do nhiều ngành đã chủ động vào cuộc, “bứt tốc” trong đầu tư hạ tầng, nhân lực, đa dạng các ứng dụng cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử. Tiêu biểu như ngành Ngân hàng có không ít đơn vị đã lọt vào “top” đầu trong CĐS của ngành, với mức 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đạt 70% vào năm 2025 đặt ra tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch CĐS ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực CĐS, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang CĐS nỗ lực hướng tới; các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ. Ngành Thuế tỉnh đã tích cực chuẩn hóa, điện tử hóa các quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ công việc điện tử của các đơn vị trong ngành giúp hạn chế thấp nhất sai sót và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu, TTHC của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; đã sớm hoàn tất áp dụng hóa đơn điện tử đối với 100% người nộp thuế là các doanh nghiệp, tổ chức và các hộ, cá nhân kinh doanh. Ngành Công Thương đã thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh dựa trên nền tảng sàn thương mại điện tử với mục tiêu đạt tỷ trọng doanh thu trong tổng mức bán lẻ chiếm tối thiểu 7%.
Trong phát triển trụ cột xã hội số, từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã đẩy mạnh đầu tư phủ sóng các vùng lõm sóng 3G, 4G, vùng chưa có đường truyền internet cáp quang đến 100% địa bàn dân cư. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trên tổng số thuê bao điện thoại di động liên tục tăng. Trong tổng số 1,9 triệu dân thì khoảng 1,3 triệu người có smartphone, một tỷ lệ cao trên toàn quốc. Từ đầu năm 2022, hoạt động thanh toán trên môi trường điện tử của tỉnh tăng nhanh, bình quân mỗi tháng các hồ sơ lẻ của người dân đã thanh toán điện tử ở mức 50 triệu đồng, còn lại hơn 1 tỷ đồng thanh toán trên môi trường liên thông với các hồ sơ thuế, môi trường.
Với những kết quả đạt được như trên, Nam Định đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng đánh giá chỉ số CĐS (DTI) cấp tỉnh, tương đương kết quả năm 2020, với tổng giá trị đạt 0,4885 điểm. Trong đó, cả 3 chỉ số thuộc nhóm chỉ số về hoạt động đều vươn lên vị trí cao gồm: chính quyền số xếp thứ 5/63, kinh tế số xếp 8/63, xã hội số xếp thứ 4/63. Kết quả này minh chứng rõ nét sự quyết liệt vào cuộc, sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ CĐS của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh thời gian qua là đúng hướng, phù hợp, sát thực tế.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy