Tập trung phát triển dịch vụ tài chính cá nhân

08:09, 05/09/2022

Thời gian qua, ngày càng nhiều ngân hàng phát triển sản phẩm bán lẻ theo hướng cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân (TCCN) theo gói được tối ưu hóa trên nền tảng công nghệ giúp khách hàng trải nghiệm sử dụng các dịch vụ tài chính của ngân hàng theo hướng số hóa trọn vẹn từ đầu đến cuối. Nhiều ngân hàng đã bắt kịp sự thay đổi về nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ TCCN ngày càng đa dạng, từ tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng… đến thanh toán.

Nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Định tư vấn khách hàng quản lý tài chính cá nhân trên ứng dụng BIDV Smart Banking.
Nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Định tư vấn khách hàng quản lý tài chính cá nhân trên ứng dụng BIDV Smart Banking.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Chi nhánh Nam Định vừa ra mắt sản phẩm tài chính Techcombank Aspire dành cho nhóm khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu trong độ tuổi 20-40. Ở sản phẩm này, Techcombank đã tạo điểm nhấn ở việc tối ưu hóa trải nghiệm và tối đa hóa giá trị cho khách hàng. Cụ thể, khách hàng tham gia chương trình sẽ được lực lượng tư vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp đồng hành và hỗ trợ giải quyết bài toán tài chính đối với các nhu cầu như tiết kiệm mua nhà, mua xe, chi tiêu dùng... Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định cũng cho ra mắt sản phẩm tài chính dành riêng cho thế hệ sống bứt phá-Gen Z (thế hệ sinh sau năm 1997) với tên gọi VPBank Prime. Theo đó, sản phẩm được cung cấp là sự kết hợp giữa nhiều dịch vụ khác nhau tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, như mở tài khoản số đẹp, gửi tiết kiệm, vay mua nhà, mua ô tô… Để cung cấp các dịch vụ TCCN đa dạng, nhiều ngân hàng đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn tài chính cho khách hàng bằng các ứng dụng ngân hàng cài đặt trên điện thoại thông minh như các Ngân hàng Thương mại Cổ phần: Quân đội (MB Bank) với trợ thủ tài chính cá nhân Bee Rich; trợ lý ảo Sari của Sài Gòn Thương tín (Sacombank); Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tích hợp trợ lý ảo VCB Digibot trên website…

Có thể nói, các ngân hàng đã từng bước tiếp cận gần gũi hơn với cuộc sống của chính người dùng, phân tích hành vi, nhu cầu của khách hàng để đưa ra dòng sản phẩm phù hợp nhất. Để thu hút khách hàng, từng ngân hàng đã phát triển ứng dụng ngân hàng số có bản sắc riêng với những tiện ích thiết thực, nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Đồng thời, xây dựng quy trình đào tạo kỹ năng sử dụng khách hàng, thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ đơn giản để thay đổi thói quen người dùng. Sinh viên Lê Anh Đức, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp cơ sở Nam Định cho biết: “Em đã được tư vấn mở khoản vay tín dụng ngân hàng để mua xe máy thông qua ứng dụng “trợ lý ảo” của Vietcombank với quy trình rất đơn giản. Hàng tháng em đều nhận được cuộc gọi tự động nhắc thời hạn, hướng dẫn chi tiết cách thanh toán và số tiền cần trả. Nhận cuộc gọi từ “nhân viên ảo” nhắc lịch thanh toán giúp em bớt ngại hơn nhân viên thật, đỡ quên lịch, tránh việc bị phạt lãi trả chậm”.

Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng, việc phát triển các dịch vụ TCCN tại các ngân hàng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới các dịch vụ TCCN chưa đầy đủ; cần có các quy định cụ thể để điều chỉnh nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, đặc biệt là lợi ích của khách hàng. Trong khi đó, kiến thức của một bộ phận người dân về TCCN và dịch vụ TCCN còn hạn chế; các đối tượng được đào tạo bài bản về TCCN còn khá khiêm tốn. Tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng hiện đại vẫn còn ở mức khiêm tốn, do mức thu nhập của phần lớn dân cư còn thấp. Ngoài ra, các dịch vụ TCCN tại các ngân hàng bán lẻ còn nhiều bất cập. Thông tin dữ liệu về khách hàng cá nhân còn thiếu, cơ chế phối hợp, hợp tác, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan, doanh nghiệp… chưa có quy định rõ ràng, nên các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thông tin khách hàng để phát triển các sản phẩm dịch vụ TCCN. Hơn nữa, những rủi ro trong quản lý TCCN, các hành vi lừa đảo, những vấn đề liên quan đến xâm phạm bí mật thông tin riêng tư,… có nguy cơ đe dọa TCCN ngày càng tinh vi và phức tạp. Trong cuộc chạy đua này, ngân hàng có lợi thế công nghệ sẽ dễ dàng đi trước và sớm thu hút được các nhóm khách hàng tiềm năng, có điều kiện, có nhu cầu thực sự.

Theo các chuyên gia ngành Ngân hàng, hiện tại, dư địa của thị trường này còn rất lớn, với nhu cầu tiếp cận sản phẩm quản lý TCCN ngày càng gia tăng. Chỉ trong khoảng 2-3 năm nữa, hầu hết ngân hàng ở mọi quy mô sẽ bước vào giai đoạn tập trung phân tích dữ liệu lớn, xây dựng các sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng cụ thể. Khách hàng sẽ dễ dàng lựa chọn sản phẩm và dịch vụ vào bất cứ khi nào họ có nhu cầu. Vì thế, để nâng cao chất lượng dịch vụ TCCN, thời gian tới, các ngân hàng sẽ phối hợp với các cấp, ngành nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của TCCN trong việc quản lý tài sản cũng như đạt được các mục tiêu chi tiêu của bản thân và gia đình. Tăng cường tuyên truyền, tạo lập các diễn đàn về TCCN để mọi đối tượng có thể tiếp cận tìm hiểu thông tin. Đồng thời, mở rộng dịch vụ tư vấn tài chính liên kết với các lĩnh vực khác như thuế, luật, quản trị rủi ro đầu tư... để có thể tư vấn một cách toàn diện nhất cho khách hàng mọi lĩnh vực liên quan. Các tổ chức tài chính tăng cường nghiệp vụ tư vấn cho các khách hàng một giải pháp tổng thể về TCCN giúp họ nhận biết được khả năng tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro của mình, từ đó đưa ra các lựa chọn phù hợp nhất./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com