Nhiều lợi ích trong sử dụng thiết bị bay để phun thuốc trừ sâu

07:09, 05/09/2022

Cho đến hôm nay, những chàng trai đang lái máy cày, và bao cô gái sẽ ngồi máy cấy”. Không chỉ như lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân năm xưa, ngày nay, ngoài máy cấy, còn rất nhiều loại máy móc, thiết bị đã được đưa vào đồng ruộng để giải phóng đôi vai, đôi tay người nông dân. Thiết bị bay không người lái (drone) được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã hiện diện ngày một nhiều hơn trên đồng ruộng Nam Định. Qua đó đã mang lại nhiều lợi ích, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân như giảm sức lao động, tăng năng suất…

Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng xã Việt Hùng (Trực Ninh).
Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng xã Việt Hùng (Trực Ninh).

Trong đợt phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy lứa 2, bệnh khô vằn cho lúa vụ xuân năm 2022, HTX sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Quyết Thắng, xã Giao Tiến (Giao Thủy) đã ký hợp đồng với HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc (Giao Thủy) phun thuốc trừ sâu cho hơn 200 mẫu lúa bằng drone, sử dụng các loại thuốc đặc trị như Clever 150SC, Cless, Moren 25WP, Anvinl 5SC… Đây là loại máy xịt thuốc XAG P80 với công nghệ mới nhất, hoạt động công suất lớn, tải trọng tối đa lên đến 40kg, tích hợp cả hệ thống xả lúa, điều khiển tự động. Ngoài ra, máy còn được trang bị nhiều tính năng thông minh, người sử dụng chỉ cần ở vị trí thuận lợi, điều khiển máy bay qua thiết bị điều khiển từ xa là drone sẽ cất cánh và phun thuốc cho toàn cánh đồng. Nhờ công nghệ phun sương, các hạt thuốc được phun ra dưới dạng sương mù giúp thẩm thấu tốt, tăng hiệu quả diệt trừ sâu bệnh mà lại tiết kiệm thuốc, hiệu suất phun vượt trội. Nếu phun thủ công cho 1ha lúa phải mất hàng giờ đồng hồ thì giờ đây dùng “máy bay” chỉ mất 15 phút là xong, lại bảo vệ được sức khỏe cho người nông dân. Máy XAG P80 còn có tính năng thông minh, xác định tình trạng cây trồng, tính toán chính xác lượng thuốc cần phun để tránh lãng phí thuốc và giảm tình trạng tồn dư thuốc BVTV khi thu hoạch. Ông Đinh Xuân Mộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc cho biết: Với việc ứng dụng công nghệ drone XAG P80, việc phun thuốc trừ sâu cho cây lúa sẽ thực hiện tự động hóa hoàn toàn, bình quân mỗi ngày có thể phun được khoảng 30-50ha, rút ngắn thời gian phun, tăng khả năng phòng trừ sâu bệnh, giảm thiểu độc hại cho con người, bảo vệ môi trường bởi toàn bộ vỏ bao bì thuốc BVTV được người chuẩn bị thuốc thu gom, xử lý tập trung đúng kỹ thuật. Máy bay theo sơ đồ chấm điểm trên hệ thống tự vẽ đường bay trước nên trong quá trình phun không bị lỏi, sót lúa. Khi đang phun nếu hết thuốc, máy bay tự cắm cờ đánh dấu vị trí đang thực hiện, bay về tiếp thuốc và tiếp tục phun. Theo các hộ nông dân HTX Quyết Thắng, thực tế chỉ phải trả tiền dịch vụ cho HTX Đình Mộc 18 nghìn đồng/sào khi sử dụng XAG P80, giảm chi phí 12 nghìn đồng/sào so với phun thủ công (30 nghìn đồng/sào). Ngoài ra, thuốc BVTV được HTX Đình Mộc nhập số lượng lớn về cung ứng nên giá cũng rẻ hơn so với người nông dân phải mua lẻ.

Phun thuốc BVTV bằng drone là công nghệ tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp được phát triển nhiều tại các tỉnh phía Nam như: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang từ nhiều năm nay do cánh đồng lớn, sản xuất đồng giống đồng trà nên sâu bệnh phát sinh đồng lứa, việc phun trừ trên diện rộng. Đối với Nam Định, đây là loại hình khá mới mẻ nhưng những năm gần đây việc đưa drone vào đồng ruộng ngày càng nhiều hơn do đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, sản xuất cánh đồng lớn yêu cầu phun trừ cùng lúc, cùng loại thuốc trên diện tích lớn. Từ năm 2021 đến nay, một số doanh nghiệp đã thực hiện liên kết sản xuất lúa theo chuỗi với các HTX, nông dân và đưa drone vào đồng ruộng như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Nicotex liên kết với nông dân các xã của huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng. HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc và Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) đầu tư mua drone để phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có một số hộ dân tự đầu tư mua drone để phun thuốc BVTV cho gia đình và tổ chức làm dịch vụ cho bà con nông dân có nhu cầu. Điển hình là Công ty Cổ phần Kỹ thuật vật tư Trực Ninh (Trực Ninh) hiện đang liên kết với 7 HTX, 15 hộ dân trong huyện sản xuất lúa ST25, Lộc Trời 183, Bắc thơm số 7, tổng diện tích liên kết khoảng 300ha thực hiện theo cánh đồng lớn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài máy cấy, máy sấy, Công ty còn đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua 2 thiết bị bay phun thuốc lúa AGRIDRONE T10 và DJI Agras MG-1P để làm dịch vụ phun thuốc BVTV cho nông dân; đồng thời cung ứng vật tư thuốc BVTV, thóc giống, phân bón chậm trả, hỗ trợ nông dân. Sau khi thu hoạch, Công ty thu mua lại thóc tươi với giá cao hơn ngoài thị trường 10-15% và trừ tiền bà con mua vật tư nông nghiệp chậm trả trước đó, phần còn lại thanh toán luôn cho bà con. “Việc đầu tư cơ giới hóa như máy cấy, thiết bị bay phun thuốc BVTV, máy sấy, vừa giảm công lao động, tăng năng suất bảo đảm kịp thời vụ nên hiệu quả sản xuất cũng cao hơn, giúp người nông dân, ở đây chủ yếu là những lao động lớn tuổi, có công ăn việc làm, bám đồng ruộng hơn và giải quyết được tình trạng bỏ hoang hóa đồng ruộng” - Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật vật tư Trực Ninh cho biết.

Thực tế cho thấy, việc tăng nhanh sử dụng drone vào khâu phun thuốc BVTV là một trong những thành công mở ra từ việc thực hiện kế hoạch của tỉnh về dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn - cánh đồng liên kết nhằm thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ưu điểm của việc đưa drone vào phun thuốc BVTV là tùy thuộc vào công suất máy, địa hình, đối tượng cần phòng trừ, kinh nghiệm của người điều khiển… mà vừa đảm bảo hiệu quả phun trừ, vừa tiết kiệm chi phí. Mặt khác ứng dụng drone làm thay con người khâu công việc này đặc biệt bảo vệ sức khỏe cho người lao động, giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về da, thần kinh, ngộ độc… do tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu gây ra trong quá trình phun theo cách thủ công, nhất là về mùa hè thời điểm phun thuốc thường nắng nóng rất nguy hiểm. Khi phun bằng drone trên cánh đồng lớn còn khắc phục được hạn chế của phun thủ công như phun trừ không đồng bộ (cùng loại thuốc, liều lượng và thời điểm phun trừ), có hộ phun, hộ không phun dẫn đến kết quả diệt trừ sâu bệnh không triệt để. Không những vậy, khi sử dụng công nghệ này, thuốc pha và phun được lập trình trên máy nên chất lượng, liều lượng thuốc cũng được đảm bảo chính xác. Ngoài ra, 100% vỏ bao bì đựng thuốc BVTV sẽ được thu gom tập trung, không bị xả thải bừa bãi bao bì còn tồn dư thuốc ra đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, nhờ đó mang lại hiệu quả rất cao cả về mặt kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa, trung bình mỗi vụ phải phun trừ sâu bệnh từ 2-4 lần, do vậy nếu mở rộng diện tích sản xuất cánh đồng lớn “3 cùng” thì có thể phát triển dịch vụ thuê drone phun thuốc BVTV như các dịch vụ cơ giới hóa khác để vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng máy, vừa bảo vệ sức khỏe con người và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. 

Sử dụng drone trong một số khâu sản xuất thay cho lao động thủ công của con người là xu hướng tất yếu khi tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng drone phun thuốc BVTV cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn như thiết bị rơi do cài đặt định vị sai; thiết bị có thể vướng vào cành cây, nhất là đường dây điện có thể gây hậu quả nặng nề (chập cháy, mất điện diện rộng...) nếu không được lập trình chính xác. Thực tế này đặt ra đòi hỏi người sử dụng phải có kỹ năng thuần thục. Ngoài ra do là thiết bị bay điều khiển từ xa nên đòi hỏi kiểm soát chặt về tần số vô tuyến để không gây ra các vấn đề về an ninh trật tự. Do vậy cần có những chương trình tập huấn kỹ thuật kỹ lưỡng trong lĩnh vực này để tránh những hậu quả đáng tiếc.  

Công nghệ 4.0 đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng; người nông dân có thể ngồi một chỗ sử dụng thiết bị thông minh để điều khiển việc sản xuất trên phạm vi rộng. Những cánh đồng được cơ giới hoá từ mặt đất, đến phun thuốc, quản lý dịch hại từ trên bầu trời đã mang đến sắc thái mới cho sản xuất nông nghiệp tỉnh ta./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com