Nhằm chủ động ngăn chặn sự phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ sản xuất, sức khỏe cộng đồng và môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng vụ thu năm 2022.
Cán bộ thú y xã Tân Thành (Vụ Bản) thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ thu năm 2022 cho đàn lợn. |
Theo chia sẻ của cán bộ Phòng NN và PTNT huyện Ý Yên, địa phương có xã giáp ranh với 2 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nên huyện đang tích cực thực hiện công tác tiêm phòng vụ thu cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Theo kế hoạch, vụ thu năm nay, huyện Ý Yên phấn đấu tiêm vắc-xin phòng bệnh cho 35 nghìn con gia súc, gia cầm. Để thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng dịch tả cho đàn lợn, lở mồm long móng cho trâu, bò, dê và phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn các kỹ năng tiêm phòng cho đội ngũ trưởng thú y các xã, thị trấn; tiến hành nhập đủ lượng vắc-xin phòng bệnh sẵn sàng cấp phát kịp thời, đảm bảo số lượng và chất lượng cho các địa phương tổ chức tiêm phòng theo kế hoạch. Trung tâm phối hợp với Đài Phát thanh huyện, hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền thường xuyên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với sự an toàn của đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm nói riêng và môi trường nói chung nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người chăn nuôi chấp hành chủ trương của tỉnh, thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Phân công cán bộ chủ động bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêm phòng và tiêu độc, khử trùng đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, động vật trong quá trình triển khai;... Đồng chí Trần Trung Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, xã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phát động nhân dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh phát quang cây xanh, khơi thông cống rãnh trên toàn địa bàn xã, nhất là ở các khu vực cơ sở chăn nuôi, ấp nở, giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối buôn bán gia cầm sống và sản phẩm gia súc, gia cầm. Nhắc nhở, đôn đốc các hộ chăn nuôi tổ chức quét dọn sạch sẽ khu vực chăn nuôi, xung quanh chuồng trại và thu gom phân, rác thải, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn lấp; xác động vật chết phải đào hố chôn sâu, khử trùng, tuyệt đối không vứt bừa bãi bỏ ra môi trường làm phát tán, lây lan dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hàng tuần tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chợ.
Trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ thu nhằm bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, tạo nguồn cung cấp thực phẩm trong dịp cuối năm. Theo kế hoạch, toàn tỉnh tập trung tiêm vắc-xin đa giá tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả cho 191.400 con lợn; vắc-xin phòng lở mồm, long móng cho: 29.190 con trâu, bò, dê; 30.075 con lợn nái, đực giống; vắc-xin phòng dại cho 26 nghìn con chó, mèo; vắc-xin phòng viêm da nổi cục cho 8.925 con trâu, bò. Thời gian tiêm phòng vụ thu năm 2022 từ ngày 10-9 đến 10-10. Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng và hoàn thành chỉ tiêu tiêm vụ thu, Sở NN và PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát lại số lượng gia súc, gia cầm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chuẩn bị đầy đủ lượng vắc-xin; huy động lực lượng cán bộ thú y tổ chức ra quân tiêm phòng theo kế hoạch...
Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó đoán biết thì công tác tiêm phòng vắc-xin đóng vai trò quan trọng để phòng, chống các loại dịch bệnh đối với đàn vật nuôi. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phải được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm và thực hiện đồng thời ở các hộ gia đình, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh để tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay đã có một số sản phẩm thuốc thú y, bao gồm cả thuốc thú y thủy sản, vắc-xin thú y không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam như vắc-xin phòng cúm gia cầm, vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi đang được lén lút buôn bán, sử dụng trong chăn nuôi, nuôi thủy sản; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y bao gồm vi phạm trong hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, buôn bán và sử dụng thuốc thú y chưa hiệu quả… Vì vậy cần tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã đối với kinh doanh, buôn bán thuốc thú y. Trong đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (theo kế hoạch, đột xuất), kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp buôn bán thuốc thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời các địa phương cần bố trí nguồn lực để triển khai hiệu quả các nội dung kế hoạch về phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật đã được phê duyệt.
Việc tích cực thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ thu năm 2022 góp phần quan trọng trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh, phát triển và lây lan trên đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm, đảm bảo cho hoạt động chăn nuôi phát triển an toàn, hiệu quả, ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường các dịp cao điểm cuối năm./.
Bài và ảnh: Văn Đại