Trong những năm vừa qua, thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về vận tải trên địa bàn tỉnh luôn được Sở GTVT triển khai thực hiện theo đúng quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân một cách thuận tiện, an toàn và nhanh chóng. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh vận tải của tỉnh duy trì đà phục hồi, đặc biệt là vận tải hành khách khi các tuyến xe đường dài được mở lại và số chuyến tăng lên; vận tải hàng hóa tăng trưởng theo sự hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Phục vụ hành khách tuyến cố định Nam Định - Hà Nội tại Bến xe Nam Định. |
Đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Để thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ vận tải đóng góp nhiều hơn nữa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe, phụ xe; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa thu hút nguồn lực cho phát triển hạ tầng vận tải, nhất là vận tải hành khách công cộng; khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường đầu tư mua sắm phương tiện xe mới, xe giường nằm chất lượng cao; đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh vận tải, trong đó nhiều ứng dụng quản lý được triển khai trong các cơ quan Nhà nước (lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, camera giám sát, phần mềm quản lý bến xe khách, hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ) đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt. Hiện nay, tất cả các phương tiện thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Sở GTVT đã trang bị hệ thống máy tính cấu hình cao chuyên theo dõi và xử lý dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình xe ô tô. Qua trích xuất dữ liệu hệ thống giám sát hành trình đã kịp thời phát hiện và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự vận tải, nâng cao chất lượng vận tải hành khách trên địa bàn. Các bến xe khách trên địa bàn tỉnh cũng được trang bị phần mềm quản lý xe ra vào bến và cung cấp thông tin trên lệnh vận chuyển của bến xe theo quy định đảm bảo phục vụ công tác quản lý hoạt động của các phương tiện tại bến xe và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) để theo dõi và quản lý hoạt động của bến xe trên toàn quốc.
Cùng với đó, để phát triển hoạt động vận tải, những năm qua, được sự đầu tư của Trung ương và nỗ lực huy động các nguồn lực, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay hệ thống giao thông đường bộ trên toàn tỉnh phát triển cả về số tuyến, số km và các cấp đường. Hầu hết các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đường đạt tiêu chuẩn cấp cao A1, thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt. Nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không ngừng được cải tạo, nâng cấp nên số lượng đơn vị vận tải hành khách, kết cấu đoàn phương tiện liên tục tăng qua các năm. Đến tháng 8-2022, toàn tỉnh hiện có 221 đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải hành khách với 1.833 xe, hoạt động khai thác 280 tuyến vận tải hành khách cố định đi đến 36 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Vận tải hàng hóa bằng đường bộ đã cơ bản thực hiện mục tiêu là hoạt động trong phạm vi đường ngắn, gom hàng tạo chân hàng/nguồn hàng cho các phương thức vận tải khác, vận chuyển trên các tuyến mà các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa không thể đáp ứng được. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có tổng cộng 226 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô với tổng số xe là 721 chiếc và 6.704 tấn tải trọng. Hệ thống đường sắt đoạn qua địa bàn tỉnh dài 41,2km có tiêu chuẩn kỹ thuật là đường đơn, khổ rộng 1m với 6 ga hành khách và hàng hoá, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá thông thương giữa Nam Định và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hệ thống đường thủy nội địa có 257km sông Trung ương quản lý và 268km sông địa phương với 3 cảng biển, 6 cảng sông, 130 bến thuỷ nội địa, 83 bến khách ngang sông đang hoạt động trên 4 tuyến sông chính gồm sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy. Có các tuyến vận tải thủy chính của đồng bằng Bắc Bộ đi qua địa bàn như: Ba Lạt - Hà Nội (qua hệ thống sông Hồng); Lạch Giang - Hà Nội (sông Hồng, sông Ninh Cơ); Quảng Ninh - Ninh Bình (sông Đào, sông Hồng, sông Đáy); Cửa Đáy - Ninh Bình (sông Đáy).
Những tháng đầu năm 2022, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3.017 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó vận tải hành khách đạt 610 tỷ đồng, tăng 11,7% với 10.052 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 756 triệu lượt người.km, giảm 15,6%; vận tải hàng hoá đạt 2.285 tỷ đồng, tăng 10,9% với 17.293 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,4% và luân chuyển 3.608 triệu tấn.km, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 111 tỷ đồng, tăng 49,6% và bưu chính, chuyển phát đạt 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành kinh doanh dịch vụ vận tải của tỉnh ta vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: về hạ tầng giao thông đường bộ, mặc dù đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng phần lớn các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch mới đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV đồng bằng với 2 làn xe hỗn hợp đã không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, khi tỉnh hoàn thành đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy hoạch thì nhu cầu vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu… bằng các loại xe siêu trường, siêu trọng sẽ rất lớn; mật độ lưu thông cao thì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ hiện tại sẽ bị quá tải, gây ùn tắc giao thông cục bộ vào dịp cao điểm, lễ, tết. Các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, tỷ lệ xe có hàng 2 chiều thấp, tỷ lệ xe chạy rỗng còn ở mức cao, từ 30-50% số chuyến xe. Các đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh mới phát triển ở quy mô nhỏ, năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế nên sức cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển vận tải đa phương thức, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các loại hình vận tải đường thủy, đường sắt chưa phát triển mạnh nên áp lực vận tải đường bộ chưa giảm nhiều…
Trước thực trạng đó, trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy hoạt động vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới, ngành GTVT tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về GTVT. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch GTVT phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch, trong đó cần tranh thủ tối đa sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Bộ GTVT trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2022-2030 tập trung hoàn thành các dự án giao thông huyết mạch có tầm ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như: Dự án xây dựng cầu Bến Mới trên Quốc lộ 38B qua sông Đáy; cầu Ninh Cường trên Quốc lộ 37B qua sông Ninh Cơ; giai đoạn II dự án xây dựng đường tỉnh 490 (đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình); tuyến đường bộ ven biển; triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định… Tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thành các dự án cải tạo nâng cấp các tuyến đường tỉnh theo cấp quy hoạch. Khuyến khích, thu hút đầu tư nâng cao năng lực, quy mô các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để nâng cao sức cạnh tranh; tập trung phát triển vận tải đa phương thức (đường bộ, đường sắt, đường thủy) để góp phần thúc đẩy, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh theo yêu cầu trong thời kỳ mới./.
Bài và ảnh: Thành Trung