Xã Giao Xuân (Giao Thủy), có đường bờ biển dài 2,6km với nghề nghiệp chủ yếu là trồng lúa, nuôi và khai thác thủy sản. Những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, xã đã vận dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Giao Xuân kiểm tra việc sử dụng vốn tín dụng chính sách của gia đình anh Trần Văn Hân, xóm Xuân Minh. |
Tính đến ngày 18-9-2022, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 27 tỷ 562 triệu đồng với 921 món vay; trong đó, dư nợ cho vay qua Hội Phụ nữ xã là 9 tỷ 302 triệu đồng; Hội Nông dân là 11 tỷ 781 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh là 6 tỷ 480 triệu đồng. Toàn xã không có nợ quá hạn, nợ xấu. Các hội, đoàn thể chính trị - xã hội hiện nhận uỷ thác cho vay qua Ngân hàng CSXH huyện với 9 chương trình tín dụng gồm: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay hộ nghèo về nhà ở; cho vay nhà ở xã hội và cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng chí Đào Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Hội Phụ nữ hiện có 2.095 thành viên, trong đó có 280 thành viên còn dư nợ tại Ngân hàng CSXH. Hội quản lý 6 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV), mỗi tổ có từ 30-60 thành viên. 100% thành viên trong tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng”. Hội đã tích cực tham mưu cho Ban giảm nghèo xã tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ TK và VV tổ chức họp và bình xét cho vay theo đúng quy định, dân chủ công khai; duy trì sinh hoạt tổ hàng tháng và lồng ghép triển khai nội dung hoạt động của hội; hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn, tuyên truyền vận động các tổ viên thực hành gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ. Tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban với Ngân hàng CSXH huyện tại điểm giao dịch xã vào ngày 18 hàng tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đôn đốc các tổ trưởng tổ TK và VV tham gia các buổi giao dịch tại xã đầy đủ, hướng dẫn, giám sát tổ viên thực hiện giao dịch với ngân hàng. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phụ trách thực hiện giám sát toàn diện các hoạt động của tổ, phối hợp Ban quản lý tổ giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, việc trả nợ gốc, trả lãi, thực hành tiết kiệm... của hộ vay vốn. Các chương trình vay vốn tín dụng CSXH đều được thông báo dân chủ, công khai bình xét tại các buổi sinh hoạt tổ có sự giám sát của trưởng xóm, đảm bảo đồng vốn thực sự đến tay người cần vốn, đúng đối tượng, vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Thường xuyên quan tâm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của 100% các hộ vay vốn trong vòng 30 ngày kể từ ngày giải ngân, để nắm bắt kịp thời việc sử dụng vốn vay cũng như các rủi ro, các khó khăn phát sinh, chủ động có biện pháp giúp đỡ, động viên các hộ gia đình cố gắng vươn lên thực hành trả gốc, lãi, gửi tiết kiệm đầy đủ, đúng quy định. Chất lượng hoạt động của 100% tổ TK và VV luôn xếp loại tốt, không có nợ quá hạn, 100% tổ đã thực hiện gửi tiền tiết kiệm với số dư tiền gửi tiết kiệm hiện nay là 632 triệu đồng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo đã tạo được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và vươn lên có cuộc sống ổn định, đóng góp hiệu quả vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Băng, xóm Xuân Minh cho biết: “Dịch COVID-19 cùng với “bão giá” thức ăn chăn nuôi khiến hoạt động chăn nuôi lợn của gia đình tôi thiệt hại không nhỏ. Được Ngân hàng CSXH huyện “tiếp sức” 90 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi đã đầu tư cải tạo chuồng trại đảm bảo vệ sinh, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cung ứng đủ thức ăn cho đàn lợn nên suốt thời gian qua, đàn lợn không bị dính bệnh, kinh tế gia đình vượt qua khó khăn”. Hiện tại, tổng đàn lợn của gia đình chị gồm 6 con lợn nái và 32 con lợn giống. Mỗi năm, gia đình chị nuôi được 3 lứa lợn thịt, bình quân xuất được hơn 3 tấn thịt lợn hơi, thu nhập gần 100 triệu đồng. Cũng như chị Băng, con đường thoát nghèo của gia đình anh Nguyễn Văn Hân, hộ cận nghèo của xóm Xuân Minh vững chãi hơn với động lực từ vốn Ngân hàng CSXH. Năm 2018, dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn của gia đình anh chết gần hết; anh thì bị tai nạn thương tổn 73% sức khỏe, mất khả năng lao động. Với 90 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo, anh cùng vợ quyết tâm tái đàn. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay, thu nhập kinh tế gia đình anh đã ổn định với hơn 100 con lợn thịt.
Với trợ lực từ vốn tín dụng chính sách giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Giao Xuân đã giảm xuống chỉ còn 1,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 66,45 triệu đồng. Số hộ dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 98,3% tổng số hộ toàn xã. Năm 2021, xã đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao, các xóm Xuân Hùng, Xuân Phong, Xuân Tiên, Xuân Tiến, Xuân Thọ đang trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xóm NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Thời gian tới, xã Giao Xuân tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ tạo điều kiện tốt đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã được tiếp cận với vốn vay ưu đãi; tham mưu đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do nhu cầu vốn của người dân còn rất lớn. Đồng thời, nâng mức cho vay tối đa đối với một công trình nước sạch, vệ sinh môi trường từ 10 triệu đồng lên 25 triệu đồng/công trình đảm bảo cân đối so với giá nguyên vật liệu, nhân công hiện nay./.
Bài và ảnh: Đức Toàn