Gần đến Tết Trung thu, thị trường đồ chơi cho trẻ em lại sôi động với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng. Bên cạnh những sản phẩm đồ chơi truyền thống có xuất xứ Việt Nam, các mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, gây hậu quả khó lường.
Phụ huynh chọn mua đồ chơi cho trẻ em tại một cửa hàng trên đường Trần Phú (thành phố Nam Định). |
Tại thành phố Nam Định, các mặt hàng đồ chơi trẻ em được phân phối bán buôn chủ yếu tại chợ Rồng và bán lẻ ở một số siêu thị, cửa hàng, tuyến phố. Thị trường này càng trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn vào mỗi dịp Tết Trung thu, các ngày có lễ hội lớn của địa phương. Dạo quanh các phố có nhiều cửa hàng bán đồ chơi như Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong… không khó để nhận thấy không khí Tết Trung thu ngập tràn trên các tuyến phố với nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em phong phú. Các cửa hàng đều bày biện, bố trí sản phẩm ở những nơi bắt mắt, dễ quan sát để thu hút phụ huynh và các em nhỏ đi đường. Tuy nhiên, bên cạnh một số cửa hàng, siêu thị kinh doanh hàng hóa có tiêu chuẩn, trên thị trường đồ chơi xuất hiện nhiều sản phẩm không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi. Màu sắc các loại đồ chơi thường bắt mắt, giá rẻ, mẫu mã đa dạng, nhiều chủng loại nhằm thu hút sự chú ý của trẻ em. Chủ một cửa hàng đồ chơi tại chợ Rồng cho biết, các cửa hàng chỉ bán theo thị hiếu của khách hàng; đồ chơi hiện đại nhập từ nước khác về dù giá cao hơn nhưng vẫn bán được nhiều hơn.
Thực tế cũng cho thấy các khách hàng “nhí” chỉ quan tâm tới các loại đồ chơi bắt mắt. Một số đồ chơi Trung thu đang “hot” hiện nay đều sử dụng pin, như: lồng đèn cầm tay, mặt nạ, bờm nhựa có gắn đèn nhấp nháy; các loại đồ chơi dành cho trẻ em nam như súng, kiếm phát ra âm thanh với ánh sáng rất bắt tai, bắt mắt, đánh trúng vào sở thích và phù hợp thị hiếu trẻ em ở mọi lứa tuổi. Qua quan sát có thể thấy, đa số đồ chơi được bày bán ở đây đều nhập từ Trung Quốc hoặc hàng “không rõ nguồn gốc xuất xứ”, trong đó có nhiều mặt hàng đồ chơi mang tính bạo lực như dao kiếm, súng đạn... được bày bán công khai. Thậm chí người bán hàng còn cung cấp đủ loại súng bắn đạn nhựa, bắn tên, bắn laze theo yêu cầu của khách. Anh Hưng, nhà ở đường Lương Thế Vinh (thành phố Nam Định) tranh thủ dẫn con trai 5 tuổi tìm mua đồ chơi súng nhựa có đèn laze tại một cửa hàng trên đường Trần Phú chia sẻ: “Khu phố tôi ở có mấy cháu nhỏ chơi loại đồ chơi này nên con tôi rất thích. Tôi cũng biết đây là đồ chơi không rõ nguồn gốc nhưng giá cả phải chăng, màu sắc bắt mắt, trẻ con cũng chỉ chơi một thời gian là chán nên tôi mua cho con”. Có con gái nên chị Nga, ở đường Phù Nghĩa (thành phố Nam Định) mua cho con chủ yếu búp bê và những đồ chơi làm bếp; một đến hai tuần chị lại mua cho bé một món. Chị cho biết, với người thu nhập thấp như chị, những món đồ chơi “đồng giá 39k” (39 nghìn đồng) là sự lựa chọn hợp lý. Với màu sắc và chủng loại đa dạng, những năm gần đây, loại đồ chơi “đồng giá 39k” được bày bán nhiều trên các vỉa hè thu hút nhiều khách hàng “nhí”. Đồ chơi được “cập nhật” thường xuyên, với đủ các chủng loại phong phú, đặc biệt có những loại đồ chơi là những nhân vật vừa xuất hiện trên phim hoạt hình đã kịp thời được bày bán, thu hút rất nhiều trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng, một bộ đồ chơi Trung Quốc có giá chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/10 so với các sản phẩm cùng loại đã được kiểm định nên phần lớn người mua sẽ chọn sản phẩm rẻ hơn cho con mình. Còn đồ chơi của doanh nghiệp trong nước sản xuất có chất lượng cũng khá ổn định nhưng rất ít mẫu mã, không được “cập nhật” thường xuyên nên chỉ dừng lại ở vài mẫu xe đẩy, ô tô, hình thú, bộ xếp hình, búp bê... rất đơn giản nên người tiêu dùng cũng không ưa chuộng. Ông Nghĩa, chủ một cửa hàng trên đường Trần Phú cho biết: “Hiện nay, mặt hàng đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ, có dán tem nhãn cũng có nhiều. Nhưng những đồ chơi này thường không bắt mắt, không nhiều mẫu mã chủng loại bằng hàng Trung Quốc, giá lại khá đắt nên rất khó bán”.
Có một thực tế, phần lớn người tiêu dùng mua các loại đồ chơi kém chất lượng cho con nhưng không quan tâm hoặc chưa rõ tính độc hại của chúng, hoặc biết rõ đồ chơi rẻ tiền độc hại vẫn mua cho con em sử dụng. Ngoài những đồ chơi độc hại, những sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, bạo lực vẫn được bày bán tràn lan. Các loại rô-bốt, máy bay, ô tô tí hon dạng lắp ghép... được phủ lớp sơn pha chì, nhất là sơn ánh nhũ rất độc. Không chỉ vậy, loại đồ chơi phát ra ánh sáng mạnh cũng rất nguy hại cho trẻ. Khi thấy những ánh sáng nhấp nháy phát ra, các bé thường có tâm lý thích thú và nhìn chằm chằm vào đó gây phản xạ chớp mắt liên tục, dễ làm mắt trẻ bị tổn thương, trở nên mỏi và yếu hơn. Bên cạnh đó, các loại xe ô tô, máy bay đồ chơi chạy pin cũng tiềm ẩn những nguy cơ phát nổ từ những loại pin kém chất lượng. Mới đây, vụ nổ pin đồ chơi khiến bé trai mười tuổi tại Quảng Ninh phải nhập viện trong tình trạng bị thương khắp người khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại về chất lượng của các sản phẩm cho thiếu nhi, đặc biệt trong dịp Tết Trung thu đang cận kề.
Trước thực trạng trên, một số chuyên gia đưa ra cảnh báo, các phụ huynh không nên chọn mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bởi khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của trẻ rất cao. Ngoài ra, nhiều loại đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc ngoài làm bằng chất liệu tái chế còn trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, cho thêm phụ gia, màu công nghiệp, các loại nguyên liệu trên có nhiều chất hóa học, kim loại nặng, rất độc hại với con người. Nếu sử dụng trong thời gian dài, chất này xâm nhập vào cơ thể trẻ bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng hoặc thông qua đường hô hấp, gây nguy hại cho sức khỏe. Trẻ em rất dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư. Vì vậy, khi đưa trẻ đi mua đồ chơi, các bậc cha mẹ cần xem rõ nguồn gốc, sản phẩm đó đã được kiểm định về an toàn chất lượng, đừng vì tâm lý “trẻ chơi được vài ngày sẽ chán, vứt bỏ” mà ham rẻ hoặc chủ quan với các loại mặt hàng đồ chơi giá rẻ trôi nổi trên thị trường. Các bậc phụ huynh cũng nên lựa chọn cho trẻ những loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo an toàn, những sản phẩm đồ chơi ngoài mang tính giải trí còn có khả năng giáo dục. Thông qua các sản phẩm đồ chơi và trò chơi góp phần giáo dục nhân cách, giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em. Vì vậy chọn đồ chơi an toàn cho trẻ là điều cần lưu tâm, mỗi gia đình cần chăm lo cho trẻ em, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra./.
Bài và ảnh: Hồng Minh