Một buổi chiều mùa thu mát mẻ, chúng tôi đến thăm nhà vườn của cựu chiến binh (CCB) Vũ Duy Chinh, xóm 3, làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực). Cảm giác đầu tiên khi bước vào nhà vườn của ông là bị “choáng ngợp” bởi độ rộng lớn, số cây cảnh nhiều không đếm xuể, trong đó không hiếm những cây có giá trị kinh tế cao từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ông Chinh chia sẻ: “Đây là kết quả sau 24 năm làm cây cảnh không mệt mỏi của tôi. Đối với tôi, nghề làm cây vừa mang đến niềm vui, đam mê và cũng giúp cải thiện cuộc sống gia đình”. Từ nghề làm cây cảnh, ông Chinh trở thành “tỷ phú”, là một trong những gương CCB sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Nam Trực và của tỉnh.
Mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình từ nghề truyền thống, cựu chiến binh Vũ Duy Chinh (thứ hai từ trái qua), xóm 3, làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đã trở thành tỷ phú cây cảnh. |
Mặc dù thời gian chính thức làm cây cảnh chưa dài, nhưng cũng như nhiều người dân làng nghề khác, ông Chinh “ngấm máu nghề” từ những ngày còn thơ bé. “Gia đình tôi có nhiều đời làm cây cảnh. Từ khoảng 10 tuổi tôi đã theo ông rồi bố ra vườn. Đến năm 14 tuổi, bản thân tôi có thể tự cầm kéo tỉa, uốn, tạo thế cho những cây đơn giản”, ông Chinh kể. Năm 1968, khi chiến trường ở miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gác lại những ước mơ còn dang dở, ông Chinh nhập ngũ tại Trung đoàn 36, Quân đoàn 1. Trong 11 năm chiến đấu ở chiến trường, ông đã từng tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia... Ông cũng từng bị thương, hưởng chế độ bệnh binh. Năm 1979, ông Chinh phục viên, chuyển ngành nhận công tác tại Công ty Thương nghiệp Hà Nam Ninh (nay là Sở Công Thương) cho đến khi về hưu vào năm 1998.
Thời điểm ông Chinh về hưu cũng là lúc phong trào làm cây cảnh ở Điền Xá phát triển rầm rộ, nhất là việc trồng quất cảnh. “Tôi nghĩ đây là thời cơ cho dân làng nghề làm kinh tế, cải thiện cuộc sống; cũng là động lực giúp tôi khởi nghiệp, quay lại với nghề làm cây cảnh”, ông Chinh chia sẻ thêm. Nghĩ là làm, ông bắt tay ngay vào việc cải tạo nhà vườn, chọn mua giống cây cảnh. Không giống như đại đa số các hộ gia đình trong làng tập trung trồng quất cảnh, ông Chinh chọn cây bonsai, cây công trình, cây bóng mát để trồng và kinh doanh. Để có thể phát triển hướng đi mới, ông mạnh dạn đầu tư vốn, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây cảnh công trình, cây bonsai, nắm bắt xu hướng, nhu cầu thị trường để kinh doanh. Làm các loại cây công trình, cây bonsai, theo ông có rất nhiều lợi thế: tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư ít hơn trồng cây cảnh lâu năm, phù hợp với nhiều không gian trưng bày, đối tượng khách hàng nên thị trường rộng mở. Để làm cây cảnh công trình, ông chọn mua các cây thô như long não, cây xanh, cây ăn quả, xa la… từ các tỉnh miền Trung, miền Nam về tiếp tục trồng, lên tán, tạo thế. Đối với cây bonsai, ông chọn mua các giống như sanh, si, lộc vừng, sung, ổi, khế, duối, mít, đa, chanh, cần thăng, mai chiếu thủy, linh san, hồng ngọc mai, ngũ gia bì… làm giống. Có loại cây ông chiết cành từ những cây cũ, có loại gieo bằng hạt, có loại lại nhập cây thô về rồi xử lý. Quy trình từ khi chiết, gieo hạt thành cây hoàn thiện tốn khá nhiều thời gian, tâm sức. Bên cạnh đó, trong vườn nhà ông vẫn duy trì trồng, chăm sóc hàng trăm gốc sanh, si, tùng la hán… để dành khi được giá.
Duy trì việc kinh doanh cây cảnh nhà vườn theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay, với hơn 1ha đất, chia thành nhiều khu vườn, ông Chinh có khoảng trên 10 nghìn cây cảnh các loại. Trong đó, có vài trăm cây sanh, si hàng tán; hàng nghìn cây cảnh loại vừa và nhỏ cùng số lượng lớn cây bon sai, cây công trình… Tùy từng loại, ông chào bán với mức giá khác nhau. Các cây sanh trong vườn có giá trị đang được khách trả từ 50-400 triệu đồng/cây. Các loại cây cảnh vừa và nhỏ có giá dao động từ 10-20 triệu đồng/cây. Với các loại bonsai như khế, ổi, chanh, duối, mai chiếu thủy, linh san, ngũ gia bì…, giá dao động từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn đồng/cây. Đa phần cây trong vườn nhà đều được dùng cho các công trình xây dựng. Ông Chinh từng nhận làm cây công trình cây xanh cho các dự án lớn như: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội); Nghĩa trang Hà Khẩu (Quảng Ninh)… Hàng năm, trừ chi phí, ông thu nhập từ 500-700 triệu đồng. Khách hàng của ông đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí ra nước ngoài. Nhà vườn của ông hiện cũng đang tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho gần 20 người với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, không phải công việc làm cây cảnh của ông Chinh lúc nào cũng thuận lợi. Năm 2012-2013, khi thị trường cây cảnh trong nước bị chững lại do những ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế, nhà vườn của ông Chinh cũng “chao đảo” theo. Để giải quyết khó khăn, một mặt ông tìm cách đẩy mạnh việc quảng bá, xuất bán các cây cảnh bonsai, cây công trình, mặt khác vẫn giữ lại những cây cảnh lâu năm chờ thời điểm thích hợp bán. Từ đó, hạn chế được những thiệt hại kinh tế, đưa nhà vườn phát triển. Hiện nhà vườn của CCB Vũ Duy Chinh được đánh giá là một trong những nhà vườn lớn, có nhiều cây cảnh giá trị nhất nhì ở Vị Khê.
Không chỉ là người trồng cây cảnh năng động, ông Chinh còn nhiệt huyết với công tác Hội, đóng góp nhiều tâm sức, vật chất để quảng bá, giới thiệu về phong trào sinh vật cảnh của quê hương. Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB, cựu quân nhân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Nam Trực, ông đã có nhiều hoạt động kết nối, tạo điều kiện để các hội viên trong câu lạc bộ được giao lưu, học tập, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực sinh vật cảnh đang được xác định là một trong những thế mạnh kinh tế mũi nhọn của huyện.
Tiếp nối nghề truyền thống của cha ông xưa, CCB Vũ Duy Chinh đã biến đất, biến cây thành “vàng”, xây dựng cuộc sống ấm no, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông là tấm gương sáng tiêu biểu cho nhiều CCB khác học tập, noi theo, khẳng định phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phát triển kinh tế./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên