Sau hơn 4 năm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác này vẫn còn một số bất cập cần khắc phục.
Lực lượng chức năng của tỉnh, huyện Hải Hậu trao tặng phao cứu sinh, cờ Tổ quốc động viên ngư dân không vi phạm các quy định về khai thác IUU. |
Ngày 23-10-2017, EC áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu do khai thác hải sản không có giấy phép hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác; không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác hải sản; khai thác trong vùng cấm khai thác... gây khó khăn rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản. Thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền các quy định chống khai thác IUU, Luật Thủy sản cho cộng đồng và ngư dân đã được các cấp, ngành vào cuộc triển khai với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từ đó nhận thức của người dân đã nâng lên rõ rệt. Tỉnh đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá Nam Định đặt tại cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu). Căn cứ Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS ngày 2-5-2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở NN và PTNT đã cấp 587 giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá của tỉnh và theo cơ cấu nghề đã được công bố. Đối với hạn ngạch giấy phép vùng lộng và ven bờ, căn cứ hiện trạng tàu cá tại địa phương và định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản tỉnh Nam Định, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2095/QĐ-UBND ngày 30-9-2019 về việc công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên biển, trong đó vùng ven bờ là 1.167 giấy phép, vùng lộng là 383 giấy phép. Toàn tỉnh đã có 341/373 tàu cá được kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận đủ khả năng hoạt động khai thác hải sản; 563/737 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Các sở, ngành, đơn vị chức năng đã tiến hành thanh tra, xử lý hành chính 178 trường hợp tàu cá vi phạm, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 99 vụ/131 đối tượng, phạt tiền 543 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 15 bộ te, kích điện. Đã đăng ký cho 1.588 tàu cá (100%) thuộc diện phải đăng ký; thực hiện đánh dấu 1.534/1.588 tàu cá, đạt 96,6%; đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 468/528 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt 88,64%. Thực hiện quy định về cập nhật dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase, đến ngày 31-3-2022 đã cập nhật thông tin 1.508/1.588 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên trên phần mềm Vn-Fishbase. Số tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 486/528 tàu, đạt tỷ lệ 92,05 %.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay tỉnh vẫn còn 80 tàu chưa cập nhật dữ liệu lên hệ thống VN-Fishbase do đây là các tàu nhận bàn giao hồ sơ từ UBND các huyện, qua kiểm tra thực tế hiện trạng một số tàu cá không đúng với hồ sơ nhận bàn giao. Căn cứ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi do Bộ NN và PTNT công bố và hạn ngạch giấy phép khai thác vùng lộng, vùng ven bờ do UBND tỉnh công bố, Chi cục Thủy sản thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Đến ngày 15-4-2022 mới cấp được 865 giấy phép, đạt tỷ lệ 54,53%. Còn lại 42 tàu chưa lắp VMS gồm trường hợp tàu ngừng hoạt động nằm bờ, tàu bán sang tỉnh khác nhưng chủ tàu chưa khai báo để xóa đăng ký tại địa phương, tàu mới đăng ký và đang liên hệ để mua, lắp đặt thiết bị VMS. Công tác quản lý tàu cá còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra tàu cá xuất bến, cập cảng chưa bảo đảm theo quy định; việc giám sát sản lượng thủy sản tại cảng cá và truy xuất nguồn gốc chưa chặt chẽ. Chủ tàu chưa tuân thủ quy định trong quá trình cập cảng cá, chưa thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác. Một số tàu cá vi phạm khai thác IUU (không kiểm soát được sản lượng hải sản qua cảng, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, báo cáo thu mua, chưa kích hoạt máy giám sát hành trình, tắt máy giám sát hành trình khi hoạt động trên biển...) vẫn được xuất bến và hoạt động khai thác trên biển. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, từ đầu năm 2022 đến nay Chi cục đã phát hành 1 thông báo về việc 1 tàu cá vượt qua ranh giới cho phép trên biển, gửi các đơn vị có liên quan phối hợp để kiểm tra, xác minh nguyên nhân. Trong 3 tháng đầu năm 2022 đã phát hành 4 thông báo tàu mất tín hiệu từ 10 ngày trở lên, trong đó số tàu mất tín hiệu trên 10 ngày là 206 tàu. Đồng chí Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Hiện tại, giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ không đi khai thác dẫn đến số lượng tàu cá mất kết nối tăng cao... Huyện đã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại Cảng cá Ninh Cơ để kiểm soát tàu cá xuất nhập cảng; phối hợp với Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền về Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU tới ngư dân, đội ngũ chủ tàu cá, thuyền trưởng neo đậu tại Cảng cá Ninh Cơ. Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện khắc phục những bất cập trong hoạt động chống khai thác IUU. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, cam kết không khai thác IUU tới ngư dân, chủ tàu, đồng thời bố trí ngân sách sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình, cải tạo cơ sở vật chất tại Cảng cá Ninh Cơ nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, để chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian tới, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, giám sát tàu cá; tăng cường tuyên truyền, tập huấn Luật Thủy sản, 14 hành vi được coi là khai thác hải sản bất hợp pháp đến ngư dân, chủ tàu; hàng tháng tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là công tác tổ chức, quản lý nghề cá tại các cảng cá. Sở NN và PTNT đã ban hành quy chế phối hợp quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá, ký kết giữa Sở NN và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản đã tích cực thực hiện hiệu quả Quyết định số 33/QĐ-CCTS ngày 20-9-2021 về bảo đảm quy trình xử lý dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá, hàng tháng lập bảng phân công lịch thường trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24h, phân làm 4 ca/ngày với số người tham gia trực là 21 người, trang bị 4 màn hình lớn và 4 máy tính để phục vụ trực giám sát tàu cá. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và thanh tra tại cảng cá để nâng cao hoạt động thực thi pháp luật, đảm bảo năng lực quản lý hoạt động nghề cá tại địa phương. Đề cao trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền, sở, ngành và lực lượng chức năng liên quan nếu để tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hướng dẫn ngư dân không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp trước khi rời cảng./.
Bài và ảnh: Văn Đại