Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) đã động viên, hướng dẫn hội viên nông dân trong tỉnh đẩy mạnh khai thác, chế biến những mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị hàng hóa cao của địa phương, phát triển và hoàn thiện các sản phẩm từ các chuỗi liên kết để trở thành sản phẩm OCOP.
Sản phẩm ruốc cá trắm đen của hội viên nông dân Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. |
Các cấp HND đã phối hợp tổ chức, triển khai sâu rộng chương trình OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân hoặc hội nghị, hội thảo, tập huấn và các kênh thông tin truyền thông khác. 100% cơ sở Hội tuyên truyền cho hội viên về sản xuất nông sản an toàn gắn với sản vật đặc trưng, sản phẩm OCOP, hướng dẫn cho hộ nông dân sản xuất nông sản ký cam kết đảm bảo sản xuất an toàn. Hầu hết ở các địa phương trong tỉnh, nông dân đã chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng an toàn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, giá trị trên diện tích canh tác. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất theo quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào bảo quản, chế biến sản phẩm. HND các cấp còn hỗ trợ hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên cho các hộ sản xuất sản phẩm OCOP và các mô hình liên kết sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành trên 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, HND các cấp còn chú trọng quảng bá, hỗ trợ nông dân tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh tại các hội chợ của Trung ương Hội và các tỉnh… Tiêu biểu như HND huyện Trực Ninh phối hợp với cơ sở Hiền Thục, xã Trực Thái ra mắt “Cửa hàng nông sản an toàn” chuyên cung cấp các nông sản hữu cơ từ trang trại chăn nuôi Hiền Thục, được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP trong và ngoài huyện. HND Hải Hậu thành lập cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa, cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn do chính thành viên HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản xã Hải Thanh sản xuất như: trứng vịt OCOP 3 sao, các loại thịt gà, vịt thương phẩm, các loại tôm, cá, ốc nuôi truyền thống, rau củ quả không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời giới thiệu các sản phẩm đạt OCOP của huyện và sản phẩm truyền thống của các xã như: giò gân của cơ sở sản xuất giò Phúc Thuận, xã Hải Hưng; dây thìa canh sấy khô của HTX trồng cây dược liệu, xã Hải Lộc; nước mắm Hải Dương, mắm tôm Hải Dương của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dương, xã Hải Triều; nước mắm Thoa Định, mắm tôm Thoa Định của hộ kinh doanh Phạm Thị Thoa, xã Hải Lý; miến dong Huệ Đồng, xã Hải Minh; bánh nhãn tết vua của hộ kinh doanh Lưu Liên Phương, xã Hải Bắc; trà nhân trần, trà gừng đen, trà hoạt huyết dưỡng não, trà Silymarin của Công ty cổ phần dược liệu Hải Hậu, xã Hải Phương; trứng gà của HTX chăn nuôi và cung cấp thực phẩm sạch xã Hải Sơn; đinh lăng sấy khô của HTX trồng cây dược liệu xã Hải Ninh; bánh nướng, bánh dẻo của hộ kinh doanh Vũ Thị Nhiễu, thị trấn Yên Định; ổi lê của HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Tân, xã Hải Tân; bột sắn dây, bột nghệ của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bền, xã Hải Anh; bột hoàng thanh của HTX nông nghiệp xã Hải Trung… Thông qua các hoạt động trên đã khuyến khích hội viên nông dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương, tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến đạt tiêu chí OCOP.
Đáng chú ý, tại huyện Giao Thủy, để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, huyện chủ trương đầu tư, hỗ trợ phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP, đồng thời tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với phát triển thị trường. Huyện đã xây dựng đề án khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, năm 2021, mỗi sản phẩm OCOP đạt 3 sao huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, sản phẩm OCOP đạt 4 sao hỗ trợ 30 triệu đồng, sản phẩm OCOP đạt 5 sao hỗ trợ 50 triệu đồng. Hàng năm, HND huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tuyên truyền hướng dẫn hội viên, nông dân và doanh nghiệp làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Cùng với đó, HND huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trưng bày, giới thiệu, bán trên 70 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: ngao, chả cá, tôm nõn hấp, sấy; tép moi sấy, nước mắm Sa Châu, mật ong sú vẹt... nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng. Nhờ đó, năm 2021, trong tổng số 109 sản phẩm OCOP của toàn tỉnh, huyện Giao Thủy có số lượng cơ sở sản xuất và số lượng sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP vượt trội so với các huyện khác. Huyện Hải Hậu cũng là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP. Từ khi chương trình OCOP được triển khai, đến nay toàn huyện có 78 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh với xếp hạng từ 3 sao trở lên. Hết năm 2021, toàn tỉnh đã xếp hạng 251 sản phẩm OCOP, trong đó chủ thể tham gia chương trình chiếm số lượng đông đảo là hội viên nông dân. Nổi bật là có 5 sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu gồm: Muối NADISALT đạt chuẩn 4 sao của Công ty cổ phần Muối và Thương mại Nam Định xuất khẩu sang Nhật Bản; kẹo sìu châu xếp hạng 3 sao của Công ty TNHH Kim Thành Hoa (thành phố Nam Định); ngao Lenger đạt chuẩn 4 sao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam; tép moi đạt chuẩn 4 sao của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương và gạo sạch Toản Xuân đạt chuẩn 4 sao của Công ty TNHH Toản Xuân.
Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia thực hiện chương trình OCOP; đẩy mạnh hỗ trợ hội viên về giống, vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng... để ngày càng có nhiều sản phẩm tiếp cận và đạt tiêu chí OCOP cấp tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, chương trình OCOP trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn./.
Bài và ảnh: Lam Hồng