Doanh nghiệp vận tải "chật vật" ứng phó với giá xăng, dầu tăng phi mã

07:06, 21/06/2022

Sau hơn 2 năm vật lộn để duy trì do dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải kiệt quệ, có đơn vị không thể tồn tại. Từ tháng 4-2022 hoạt động vận tải mới từng bước khôi phục thì lại vấp phải tình trạng giá xăng, dầu tăng liên tiếp với mức tăng khủng. Vì thế, với sự thiết lập đỉnh mới của giá xăng, dầu các doanh nghiệp vận tải lại đang phải “chật vật” từng ngày để ứng phó và duy trì hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp vận tải trong tỉnh lao đao vì giá xăng, dầu tăng mạnh.
Nhiều doanh nghiệp vận tải trong tỉnh lao đao vì giá xăng, dầu tăng mạnh.

Cú đánh bồi sau 2 năm đại dịch

GTVT là một trong những lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh COVID-19, nhất là vận tải hành khách và hàng hoá. Sau gần 2 năm “kiệt quệ” vì ứng phó với dịch bệnh, từ quý II năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước hiện đang được kiểm soát tốt, hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh Nam Định được khôi phục, dần ổn định trở lại. Đặc biệt đối với các tuyến cố định có nhu cầu đi lại cao (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh), lượng hành khách vận chuyển từng bước ổn định tương đương thời điểm trước khi diễn ra dịch COVID-19, góp phần tạo điều kiện để khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và đưa đời sống sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải chưa “hoàn hồn” được bao lâu thì lại nhận tiếp “cú đánh bồi” từ giá xăng, dầu liên tiếp tăng và thiết lập mức cao nhất trong lịch sử. Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cho biết: Đối với dịch vụ vận tải nói chung, chi phí nhiên liệu (xăng, dầu) thường chiếm từ 40-50% tổng chi phí. Hiện nay, giá xăng, dầu liên tục tăng đã nâng tỷ trọng chi phí nhiên liệu lên mức từ 60-65%. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp vận tải đều vay ngân hàng để đầu tư phương tiện nên đang chịu áp lực rất lớn về trả lãi và lộ trình trả nợ ngân hàng. Không những thế các khoản phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo dưỡng… dù phương tiện không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng doanh nghiệp nhà xe vẫn phải thực hiện “đều như vắt chanh”. Chưa kể việc phải cạnh tranh với các xe “hợp đồng trá hình” cho nên không hiếm doanh nghiệp, nhà xe bị đẩy đến bờ vực phá sản. Ông Trần Quốc Ngữ, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Tấn Phát (Giao Thuỷ) cho biết: Để ứng phó với khó khăn do dịch bệnh, Công ty đã phải thanh lý 4 phương tiện (giá thành từ 3,7-4 tỷ đồng/xe) với giá chỉ trên 1 tỷ đồng; chấp nhận lỗ để giảm bớt áp lực tài chính nuôi xe. Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Liên hiệp vận tải ô tô Hà Nam Ninh cho biết: Doanh nghiệp hiện có 11 xe chạy tuyến cố định; trong đó có 10 xe 29 chỗ chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và 1 xe 45 ghế chạy tuyến Nam Định - Hải Phòng nhưng từ tháng 5-2022, khi giá xăng, dầu liên tục tăng, doanh nghiệp chỉ còn 5 xe hoạt động thường xuyên, nhưng lượng hành khách chỉ đạt khoảng 30-40% công suất; 6 xe đang tạm dừng hoạt động. Như vậy, mỗi chuyến xe đang chịu lỗ từ 30-40% nhưng công ty vẫn phải duy trì để giữ tuyến, giữ khách và đảm bảo việc làm cho người lao động. Công ty Cổ phần Vận tải Nam Trực hiện có 48 phương tiện chạy tuyến cố định đến 11 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó có 8 phương tiện tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trước áp lực từ chi phí nhiên liệu tăng cao, đầu tháng 5 vừa qua, Công ty chỉ duy trì 30 xe hoạt động thường xuyên, 10 xe phải tạm dừng. Không chỉ các doanh nghiệp xe khách tuyến cố định, giá xăng dầu tăng cao cũng khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hoá “điêu đứng”. Đại diện một doanh nghiệp vận tải hàng hoá cho biết: đến đầu tháng 6-2022, giá dầu đã tăng gần 100% so với đầu năm làm doanh nghiệp “trở tay không kịp”. Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá có hợp đồng vận tải đã ký kết từ thời gian trước, không thể tăng cước giữa chừng nên vẫn đang hoạt động cầm chừng để “trả nợ” hợp đồng đã ký nhằm giữ chân khách hàng và chờ cơ hội đàm phán hợp đồng mới với giá cước mới có tính đến yếu tố biến động giá nhiên liệu vào.

Cơ hội nào cho vận tải?

Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội được định vị ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội. Theo báo cáo của Sở GTVT, từ tháng 4-2022 hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định của tỉnh đã khôi phục khai thác khoảng 200 tuyến với khoảng 450 xe đi đến 37 tỉnh, thành phố trên tổng số 290 tuyến với 655 xe đi đến 40 tỉnh, thành phố (đạt khoảng 70% số tuyến và số lượng phương tiện so với trước). Các đơn vị vận tải căn cứ nhu cầu đi lại của nhân dân trên các tuyến chủ động điều tiết tần suất các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh duy trì hoạt động liên tục, hiệu quả đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Một số tuyến đi đến các khu vực miền núi lượng hành khách ít thì các đơn vị chưa tổ chức khai thác lại do nếu hoạt động không đủ bù đắp chi phí. Đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng lượng hành khách vận chuyển từ tháng 4-2022 trở lại đây tăng dần so với thời điểm trước. Số lượng phương tiện hoạt động ổn định trở lại khoảng 235 xe/tổng số 494 xe, đạt khoảng 45% (trong đó số lượng xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử hoạt động nội tỉnh khoảng 50 xe) chủ yếu phục vụ hiếu hỉ, tham quan du lịch. Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nam Định cho biết: Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định đã bất đắc dĩ phải ghép 1 lốt liền kề vào 1 chuyến để vừa tiết kiệm chi phí, vừa đủ lượng hành khách cho mỗi chuyến để bớt lỗ. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải trong Hiệp hội cũng tiết giảm tối đa chi phí phát sinh để khắc phục khó khăn, vượt qua thời điểm ngặt nghèo do giá xăng, dầu tăng quá cao. Trong thời gian ngắn tới đây, nếu giá nhiên liệu vẫn không có dấu hiệu giảm, Hiệp hội sẽ kiến nghị Sở GTVT trình UBND tỉnh đề xuất Bộ Tài chính cho phép tăng giá vé niêm yết để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi. Các doanh nghiệp vận tải hàng hoá thì ứng dụng công nghệ mới trong quản lý để cắt giảm chi phí đầu ra. Đồng thời, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để đồng hành với khách hàng qua giai đoạn khó khăn.

Trước thực trạng khó khăn của doanh nghiệp vận tải khi giá nhiên liệu tăng cao đột biến, Sở GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính như: đẩy nhanh thủ tục cấp phù hiệu xe hoạt động kinh doanh vận tải; cử cán bộ hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường mạng internet để giảm thời gian, chi phí đi lại của doanh nghiệp; chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động vận tải để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng… Ngoài ra, Sở GTVT cũng tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải về lãi suất vay ngân hàng, điều chỉnh giá cước… để các doanh nghiệp kinh doanh ổn định, góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com