Phát triển dịch vụ bán lẻ của ngân hàng ở khu vực nông thôn

07:06, 17/06/2022

Với thị trường khách hàng ở nông thôn nhiều tiềm năng, cuộc đua đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, phát triển ngân hàng bán lẻ vốn đã khởi sắc ở khu vực này trong vài năm trở lại đây đang ngày càng trở nên sôi động.

Cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Ninh Vân (Xuân Trường) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử CF-eBank.
Cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Ninh Vân (Xuân Trường) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử CF-eBank.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc thúc đẩy số hóa thời gian qua đã giúp nhiều ngân hàng thương mại tiếp cận các tệp khách hàng mới và gia tăng trải nghiệm trên các nền tảng internet cho khách hàng hiện hữu. Các ngân hàng cả lớn, nhỏ mạnh tay đầu tư nhiều vào công nghệ như TPBank, VPBank, MBBank để giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái do mình tạo ra. Không chỉ cung cấp các dịch vụ tiện tích ưu đãi của ngân hàng, mà các dịch vụ kèm theo khác như chăm sóc khách hàng, sức khỏe, thương mại điện tử, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng… cũng được triển khai đầy đủ giúp người dân từng bước tiếp cận với hệ sinh thái tài chính - ngân hàng. Năm 2021, tín dụng ngân hàng cũng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40%-50%, đặc biệt có ngân hàng tỷ lệ này lên đến gần 90%. Trong đó, dư địa phát triển lớn nhất dịch vụ bán lẻ phát triển mạnh mẽ ở địa bàn nông thôn.

Với hướng đi này, lợi thế thuộc về những ngân hàng có hệ thống mạng lưới rộng lớn. Trong khối ngân hàng thương mại Nhà nước, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (AgriBank) có mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỉ lệ gần 80% tổng số khách hàng của AgriBank. Đây là đối tượng khách hàng truyền thống trong huy động vốn và đầu tư tín dụng, đồng thời là khách hàng tiềm năng để phát triển dịch vụ bán lẻ của ngân hàng số. Còn đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần thì Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Việt Nam (LienVietPostBank) Chi nhánh Nam Định là ngân hàng có độ bao phủ lớn nhất, khắp địa bàn nông thôn thông qua các phòng giao dịch bưu điện trực thuộc. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các phòng giao dịch bưu điện trực thuộc LienVietPostBank được phép cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên mạng lưới VnPost của LienVietPostBank. Đây là lợi thế độc quyền mà không phải tổ chức tín dụng nào cũng có thể thực hiện. Qua đó giúp cho ngân hàng bao phủ các sản phẩm dịch vụ tới các khách hàng ngày càng dày dặn hơn, khai thác tối đa tiềm năng của khách hàng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu xa. Khách hàng chưa có điều kiện tiếp cận sản phẩm công nghệ hiện đại, thì chi nhánh, phòng giao dịch vẫn là lựa chọn số 1 của người dân. Theo đại diện của LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định, Chi nhánh sẽ “tiến đều” bằng phương thức: phát triển song hành dịch vụ trực tuyến và dịch vụ truyền thống. Mạng lưới rộng khắp trên địa bàn nông thôn với 1 trụ sở chính và 9 phòng giao dịch, 216 điểm giao dịch bưu điện, công nghệ và chuyển đổi số chính là “lối đi tắt” giúp LienVietPostBank giảm thiểu chi phí, tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao năng suất lao động trên toàn hệ thống. Ngược lại, lợi thế mạng lưới trở thành dòng chảy lan tỏa trực tiếp, rộng khắp trong tư vấn và triển khai các dịch vụ ngân hàng số. Đến nay, tín dụng bán lẻ của Chi nhánh đạt dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã từng bước phát triển được hơn 1 triệu thẻ tín dụng, tương đương khoảng 50% người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là những thành công bước đầu trong chiến lược phát triển tài chính tiêu dùng toàn diện của ngành Ngân hàng. 

Dẫu vậy, các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi tiếp cận và triển khai dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên địa bàn nông thôn. Một trong số đó là thói quen sử dụng tiền mặt và ngại sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tâm lý ngại chuyển đổi của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn khi tiếp cận với các hình thức thanh toán hiện đại. Cùng với đó, cũng không thể không kể đến yếu tố hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, những lo ngại về an ninh mạng…

Nắm bắt được vấn đề trên, thời gian tới, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện ích sử dụng trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, bù trừ điện tử qua hệ thống thanh toán tập trung, hệ thống thẻ, hệ thống ngân hàng tự động. Tiếp tục phát triển sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, giảm chi phí cho khách hàng trên cơ sở tăng cường hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các công ty tài chính - công nghệ, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán của các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng. Cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch chuyển đổi theo hướng số hóa và tự động hóa. Đồng thời, tăng cường kết hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm truyền tải, phổ biến, lan tỏa và nâng cao nhận thức của khách hàng tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, về dịch vụ ngân hàng bán lẻ, tăng cường hiểu biết và hình thành thói quen thanh toán điện tử khi thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Xây dựng chiến lược mở rộng giáo dục tài chính đối với cộng đồng, nhất là ở vùng nông thôn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com