Để giúp nông dân nâng cao thu nhập, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Xuân Trường đã chú trọng phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hoá, an toàn và bền vững, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Thiềm Trang, xã Xuân Thượng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại trong sản xuất, chế biến nông sản, góp phần nâng cao thu nhập. |
Theo đó, HND các cấp trong huyện tích cực vận động, hướng dẫn nông dân các xã, thị trấn tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao chất lượng, năng suất các loại cây, con chủ lực; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... từ đó hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Tiêu biểu như dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất các sản phẩm rau, quả sạch, an toàn cung cấp cho thị trường nội địa do Tập đoàn Vingroup đầu tư sản xuất tại xã Xuân Hồng trên diện tích 140ha, tạo việc làm cho gần 300 lao động với thu nhập ổn định từ 3,5-6 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc đã tích tụ và thuê mượn 42ha để sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây dược liệu, rau các loại, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty còn liên kết với Công ty TNHH Hiệp Hòa, Công ty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Xuân Trường đầu tư trồng măng tây, sản xuất hạt giống lúa lai F1. Công ty Hoàng Diệu tích tụ ruộng đất sản xuất cây dược liệu (đinh lăng, gấc) kết hợp chăn nuôi, nuôi thủy sản tại vùng bãi xã Xuân Thành, Xuân Tân với quy mô 13ha, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4 đến 6 lần so với trồng lúa. Công ty TNHH Hoàng Mai đầu tư trang trại quy mô 7.000m2 tại Xuân Ninh sản xuất, cung ứng giống nấm cho nông dân ở các xã: Xuân Ninh, Xuân Kiên, Xuân Phú, Xuân Thành... Toàn huyện cũng đã hình thành, duy trì sản xuất 80 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 3.000ha; trong đó có 10 cánh đồng lớn với diện tích 300ha liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Hình thành 2 mô hình liên kết sản xuất lúa giống quy mô 70ha tại các xã Xuân Ninh, Xuân Thượng giữa Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) với các hộ nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà từ 20-25 triệu đồng/ha/vụ; mô hình liên kết sản xuất giống lúa lai F1, quy mô 35ha tại xã Xuân Ninh giữa Công ty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Xuân Trường với nông dân địa phương và một số doanh nghiệp sản xuất lúa giống khác; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp trồng cây dược liệu, rau các loại với quy mô 42ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 30 lao động với thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng; mô hình liên kết sản xuất giữa Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) với nông dân xã Xuân Phong để sản xuất lúa chất lượng cao thương phẩm, quy mô 10ha, cho hiệu quả cao hơn 1,5 lần so với sản xuất lúa thông thường... Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 29 hộ nông dân thuê mượn, tập trung ruộng với tổng diện tích 185ha để sản xuất cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 tấn gạo mỗi năm.
Việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản được các cấp HND trong huyện quan tâm thực hiện đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo hướng hiệu quả, bền vững với nhiều mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mô hình cánh đồng lớn mang lại giá trị kinh tế cao. Xuân Trường cũng là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh xây dựng thành công mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đến nay, toàn huyện có 15 mô hình liên kết, 5 doanh nghiệp và trên 100 cá nhân tích tụ ruộng đất để sản xuất. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2021 đạt 103 triệu đồng. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HNDT của HND tỉnh về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”, HND các cấp trong huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể; thành lập 4 tổ hợp tác gồm nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Thành, liên kết sản xuất lúa lai tại xã Xuân Ninh, chăn nuôi trâu, bò xã Xuân Châu, liên kết sản xuất miến sạch với 41 thành viên tham gia. Đến nay, toàn huyện có 14 tổ hợp tác với 136 thành viên tham gia, qua đó tạo sự gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Tiêu biểu như xã Xuân Thành có diện tích bãi bồi khoảng 50ha và hệ thống sông ngòi, đầm hồ thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tháng 6-2021, HND xã đã thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với 12 thành viên tham gia trên diện tích 6,06ha, trong đó 10/12 hộ trong tổ có nhu cầu vay vốn để đầu tư nuôi cá trắm cỏ. Năm 2021, được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn 400 triệu đồng, các thành viên đã có thêm nguồn kinh phí để mở rộng mô hình sản xuất, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Xuân Trường tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu của nông dân./.
Bài và ảnh: Lam Hồng