Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 dự báo vẫn gây nhiều tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân; hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đặt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt trong tiêu thụ sản phẩm. Trước thực tế này, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã gia tăng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm như đẩy mạnh phát triển kết nối cung cầu; thúc đẩy tiêu thụ nội địa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam (Giao Thủy) tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử. |
Để thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa, Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, gồm: quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) và sản phẩm OCOP của tỉnh tại các hội trợ triển lãm các tỉnh/thành phố Ninh Bình, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Trà Vinh; tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Nam Định 2022; tham gia giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của tỉnh tại Triển lãm Thế mạnh và sản phẩm đặc trưng của các tỉnh/thành phố tại tỉnh Thanh Hóa. Hiện Sở đang tập trung chuẩn bị tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Nam Định 2022; tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại hàng nông sản - thực phẩm sạch kết nối giữa nhà cung cấp của tỉnh với nhà phân phối tại thành phố Hà Nội; vận động và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức. Sở NN và PTNT đã thực hiện hàng loạt chương trình nghiên cứu thị trường, hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho nông sản tỉnh tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Qua đó đã tiếp cận được nhu cầu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, nhất là nhóm sản phẩm thủy sản và các nông sản tiêu biểu của tỉnh thông qua các doanh nghiệp lớn của tỉnh bạn. Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp dệt may của tỉnh tham gia Hội chợ Quốc tế ngành Dệt may năm 2022 do Cục Xúc tiến thương mại và Tổ chức Xúc tiến thương mại Canada (TFO Canada) tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom. Sở NN và PTNT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đưa nông sản của tỉnh lên 2 sàn giao dịch TMĐT là PostMart.vn, Voso.vn. Hiện tại đã có hơn 400 sản phẩm của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giới thiệu, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm trên 2 sàn giao dịch này. Về công tác phát triển kết nối cung cầu, từ đầu năm 2022 các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất gia tăng và đa dạng phương thức hoạt động của các chuỗi kết nối cung - cầu theo hai hướng: Hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành chuỗi giá trị cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ... Với sự tích cực hỗ trợ từ phía các ngành chức năng cùng nỗ lực tự thân của các cơ sở, doanh nghiệp, tình hình tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực dù những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn rất phức tạp. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 19.419 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 873,7 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh đẩy mạnh các biện pháp hữu hiệu đã thực hiện, các nhiệm vụ được tập trung thực hiện trong thời gian tới, gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những diễn biến bất lợi. Tăng cường hỗ trợ ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hoá của tỉnh, nhất là sản phẩm nông nghiệp, vừa thúc đẩy việc chuẩn hoá quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ (công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...). Phát triển đa dạng các loại hình TMĐT dựa trên nền tảng số hoá. Trong đó sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai nền tảng mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số Vpostcode, ứng dụng giao thông mới hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT và logistics. Hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng TMĐT cho các mặt hàng nông sản, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản của tỉnh. Triển khai các chương trình, đề án TMĐT hóa nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh TMĐT cho người dân nông thôn; phối hợp với các nền tảng TMĐT để tạo các gian hàng và hỗ trợ các HTX, trang trại, nhà vườn và người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đổi mới, phát triển các hình thức xúc tiến thương mại thông qua các trang TMĐT (Sendo, Lazada, Shopee, facebook...). Tăng cường hỗ trợ tư vấn, xúc tiến nhằm thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ đa dạng, hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của thị trường, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng triển khai thực hiện chương trình phát triển mạng lưới chợ toàn quốc giai đoạn 2021-2030; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ để tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ trung tâm huyện, thành phố hiện có và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư công phát triển các chợ truyền thống mang tính văn hóa cần bảo tồn. Tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua đẩy mạnh phát triển mạng lưới cơ sở thu mua nông sản, đặc sản của tỉnh và mạng lưới các cơ sở cung ứng, phân phối hàng hóa tiêu dùng quy mô vừa và nhỏ theo mô hình hiện đại tại trung tâm các huyện. Khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kho tổng hợp và chuyên dụng, kho lạnh, đặc biệt là kho dự trữ, bảo quản hàng nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu để phục vụ các đơn hàng lớn, đồng thời phục vụ bình ổn thị trường, cân đối cung cầu trong các thời điểm bất ổn về giá trong và ngoài nước. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bằng việc gia tăng các giải pháp kể trên, các ngành, các địa phương hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm, nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần khẳng định các thương hiệu hàng hóa Nam Định trên thị trường trong xu thế hội nhập ngày càng sâu hơn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy