Là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Nam Trực, lại có thế mạnh phát triển nghề cơ khí từ lâu đời, thực hiện chỉ đạo, kế hoạch của huyện, Đảng ủy, UBND thị trấn Nam Giang đã tập trung khai thác lợi thế nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ để xây dựng địa phương trở thành khu vực kinh tế năng động. Trong đó, lấy thương mại, dịch vụ làm nòng cốt để nâng cao hiệu quả nghề truyền thống và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Thị trấn Nam Giang đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích phát triển sản xuất gắn với thương mại hóa sản phẩm, đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ để mở rộng làng nghề truyền thống và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Gần 40 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong 2 Cụm công nghiệp Vân Chàng và Đồng Côi đã phát huy vai trò đầu mối kết nối gần 2.000 cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong làng nghề và khu thương mại dịch vụ dọc các trục đường Vàng, đường tỉnh 490C, khu vực chợ Chùa… tạo nên hệ sinh thái dịch vụ thương mại năng động, tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển. Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất, thị trấn Nam Giang đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, hỗ trợ các hộ dân tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kỹ năng phát triển thị trường, thương mại hóa sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Do đó, nghề cơ khí truyền thống trước đây vốn chỉ phát triển mạnh ở 3 thôn Vân Chàng, Đồng Côi và thôn Tư nhưng nay đã nhân rộng ra cả thị trấn. Sản phẩm ngày càng đa dạng, phát triển nhóm sản phẩm có độ chính xác cao như kết cấu thép, chi tiết máy công nghiệp từ nhiều nguyên liệu khác nhau như sắt, nhôm, inox. Phương thức tổ chức sản xuất, tiếp cận khách hàng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm cũng được đổi mới theo hình thức liên kết, tối ưu hóa lợi thế của thương mại điện tử. Hiện tại trên địa bàn thị trấn hình thành 2 hình thái sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Trong đó, các doanh nghiệp lớn trong Cụm công nghiệp Vân Chàng và Đồng Côi đầu tư máy móc thiết bị công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng và ký kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong làng nghề gia công sản phẩm. Công ty TNHH Cơ khí Nam Định (Cụm công nghiệp Đồng Côi), tập trung nghiên cứu và đi sâu vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt) và khai thác khoáng sản sản xuất linh, phụ kiện như: bu lông, tấm chèn, gông lò, tà vẹt, cọc khoan nhồi... Trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất ra hàng nghìn bộ linh kiện và các loại sản phẩm, phụ kiện phục vụ cho các ngành giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng dân dụng... Hầu hết các sản phẩm đều được các hộ làng nghề gia công thô, sau đó đưa về Công ty để chuẩn hóa chất lượng, mỹ thuật theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Do đó, sản phẩm của Công ty luôn được đối tác đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng và cả giá thành cũng như thời gian hoàn thiện. Nhóm các cơ sở sản xuất làng nghề vừa duy trì sản phẩm truyền thống nông cụ, hàng gia dụng như cuốc, thuổng, dao, kéo, vừa tiếp cận với những sản phẩm mới như chi tiết máy, thiết bị điện, điện tử để đa dạng hóa thị trường. Các cơ sở, hộ sản xuất làng nghề đã tranh thủ tối đa hình thức bán hàng trực tiếp tại làng nghề, tuyến phố thương mại và tiếp thị trực tuyến qua các trang giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu bán các sản phẩm nông cụ, đồ gia dụng truyền thống. Do đó, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành cơ khí của thị trấn vẫn duy trì sản xuất tốt. Năm 2021, doanh thu từ sản xuất cơ khí của thị trấn vẫn đạt trên 350 tỷ đồng.
Trong sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế vùng đồng màu và có truyền thống thâm canh tốt, thị trấn đã duy trì, phát triển trồng khoai tây, tích cực tiếp thu, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần để vụ đông trở thành vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại thu nhập cao. Hiện tại thị trấn duy trì gieo trồng 175ha cây vụ đông, trong đó chủ lực là cây khoai tây, cây lạc, còn lại là 25ha rau màu các loại. Đồng thời phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt (Hà Nội) cung ứng, bao tiêu giống và khoai tây thương phẩm cho các hộ nông dân. Năm 2021, tổng sản lượng lương thực đạt 4.870 tấn/năm, giá trị trên 1ha đất canh tác đạt 130 triệu đồng/năm. Riêng doanh thu từ cây khoai tây vụ đông đạt trên 17 tỷ đồng.
Lấy thương mại dịch vụ làm đòn bẩy để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã giúp kinh tế của thị trấn Nam Giang ngày càng phát triển vững chắc. Năm 2021, bình quân thu nhập của người dân thị trấn đạt gần 60 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ và trở thành địa phương có ngành dịch vụ phát triển bậc nhất của huyện Nam Trực, số lao động nông nghiệp giảm xuống còn dưới 50%. Thời gian tới, thị trấn tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, khai thác lợi thế, tiềm năng cho phát triển thương mại, dịch vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistic về đầu tư tại địa phương. Cùng với đó, thị trấn phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm./.
Nguyễn Hương