Nỗ lực kiềm chế lạm phát hỗ trợ phục hồi kinh tế

08:02, 22/02/2022

Kinh tế năm 2021 đối mặt với những khó khăn chưa từng có do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 lên đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Kiểm tra chất lượng hàu giống tại Công ty TNHH Nuôi trồng và Chế biến thuỷ sản Liên Phong ở xã Giao Phong (Giao Thuỷ).  Bài và ảnh: Đức Toàn
Kiểm tra chất lượng hàu giống tại Công ty TNHH Nuôi trồng và Chế biến thuỷ sản Liên Phong ở xã Giao Phong (Giao Thuỷ).

Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh tỉnh, năm 2022, dự báo ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng. Tính cả dư nợ của khách hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01 thì tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh khoảng 3,5%. Điều này khó đảm bảo mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD). Việc cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn từ hệ thống ngân hàng, từ đó làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản. Cùng với đó, các chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ đến hạn là giải pháp tình thế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, nhưng việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã biến các khoản vay ngắn hạn thành trung, dài hạn cũng như tạm thời không ghi nhận mức độ rủi ro của khách hàng (giữ nguyên nhóm nợ) sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng trong trung hạn. Vì thế, áp lực thực hiện “mục tiêu kép” của ngành Ngân hàng trong năm 2022 sẽ tiếp tục gia tăng và càng khó khăn hơn so với năm 2021.

Từ phân tích đánh giá nêu trên ngay trong quý I năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp của ngành nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế như trợ giúp người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn; cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen khi nhu cầu vốn trong dân tăng cao. Tăng cường, nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD, trong đó có nội dung cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, thu hồi nợ của các văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính trên địa bàn, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn. Triển khai hiệu quả công tác thanh tra, giám sát hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND), nhất là các Quỹ TQND yếu kém; đẩy mạnh công tác giám sát vi mô đối với hệ thống Quỹ TDND để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân, doanh nghiệp trước những rủi ro an ninh mạng, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh tốt. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng. Ngay từ đầu năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động, quyết liệt, chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Đồng thời, ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất cho vay và huy động của TCTD giảm cho người dân dễ dàng tiếp cận. Trong tháng 1-2022, lãi suất tiền gửi Việt Nam đồng phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,1-6,9%/năm. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng Việt Nam đồng đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,3%/năm; lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,6-9,3%/năm; lãi suất cho vay USD phổ biến từ 3-6%/năm. Lãi suất cho vay ưu đãi và thấp tạo điều kiện cho dòng vốn ngân hàng tiếp tục lan tỏa hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi tốt nền kinh tế tỉnh nhà trong những tháng đầu năm 2022. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận với dòng vốn rẻ để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh đưa nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Các giải pháp thiết thực, đồng bộ trên được kỳ vọng giúp ngành Ngân hàng tỉnh thực hiện thắng lợi chính sách tiền tệ quốc gia, hỗ trợ vốn cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ nợ xấu dưới mức 3% theo chỉ đạo của NHNN./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com