Giá rau củ quả tăng mạnh sau Tết Nguyên đán

06:02, 22/02/2022

Những ngày gần đây giá các loại rau củ lại tăng đột biến, gấp đôi, gấp ba so với trước Tết. Thị trường rau củ còn dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi giá xăng dầu lại “lập đỉnh” mới cộng với thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại kéo dài khiến nguồn cung rau củ khan hiếm. Vừa qua Tết đã chi tiêu nhiều, nay người tiêu dùng lại lo chi phí cho bữa ăn gia đình, còn người trồng rau cũng “điêu đứng” vì chi phí sản xuất đội lên, tốn thêm thời gian, công sức mà mưa rét làm rau, củ dập nát, phát triển chậm, thậm chí là không cho thu hoạch. 

Trước và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giá rau củ quả đã tăng hơn hẳn các nhóm mặt hàng tiêu dùng khác. Nguyên nhân do thời tiết mưa rét kéo dài và nhu cầu của người dân tăng đột biến. Các cơ quan chức năng dự kiến giá cả sẽ ổn định trở lại sau ngày 10 đến 15 tháng Giêng. Tuy nhiên giá các mặt hàng khác như thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản, bia, nước ngọt đã trở về mức ban đầu, riêng rau xanh thì không hạ mà liên tiếp tăng mạnh. Tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh các loại rau vụ đông như cải bắp, su hào, súp lơ, rau cần tăng gấp đôi, gấp ba lần. Trong đó bắp cải tăng từ 10 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng/kg; su hào từ 5.000 lên 10 nghìn đồng mỗi củ; rau cần có giá 35 nghìn/kg; cải xoong, cải cúc tăng gấp 3 lần, hiện giữ giá 10 nghìn đồng/mớ... Các loại rau gia vị như hành hoa, rau mùi từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg, gấp từ 5-10 lần ngày thường. Đặc biệt giá rau xanh, thì là tăng từ vài chục nghìn đồng/kg lên 300 nghìn đồng và hiện tại đang giữ giá 500 nghìn đồng/kg. Ngoài nhóm rau củ làm thực phẩm thì do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các loại rau có tinh dầu phục vụ cho nhu cầu xông hơi chống dịch như sả, chanh, tía tô, hương nhu cũng tăng đột biến và khan hiếm hàng. Trong đó sả có giá từ  20-30 nghìn đồng/kg, tăng gấp 2,5 lần so với trước đây; chanh quả có giá 30-40 nghìn đồng/kg và lá tía tô, hương nhu khan hiếm hàng do vào thời điểm này cây con mới phát triển. Một số loại rau củ khác như hành tây, khoai tây, khoai lang, cà rốt đến thời điểm này cũng theo đà các loại rau khác tăng giá gấp đôi mặc dù không mấy bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết vì đã thu hoạch từ trước tết. Hay như các loại nấm ăn là loại rau được trồng trong môi trường nhân tạo, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết cực đoan nhưng cũng theo đà tăng giá từ 7-12 nghìn đồng/gói lên 15 hoặc 20 nghìn đồng tùy từng nơi.

Khách hàng mua rau tại cửa hàng trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định).
Khách hàng mua rau tại cửa hàng trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định).

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, rau xanh tăng giá ngoài nguyên nhân từ thời tiết, chi phí vận chuyển tăng cao thì cũng có dấu hiệu các tiểu thương “té nước theo mưa” để trục lợi. Bởi các tiểu thương nắm rõ tâm lý người tiêu dùng lo dịch bệnh COVID-19 lây lan nên luôn dự trữ thực phẩm trong nhà để hạn chế ra ngoài mua sắm. Tuy nhiên rau xanh là mặt hàng không thể dự trữ. Sau Tết các địa phương nới lỏng hoạt động lễ hội, kinh doanh nhà hàng nên nguồn tiêu thụ vào các nhà hàng lớn hơn cùng kỳ năm trước. Trái ngược với các chợ dân sinh, tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, mặt hàng rau củ quả, cá đều đầy ắp trên kệ, giá cả bình ổn so với trước tết, nhưng lượng khách mua sắm không nhiều. Một số loại rau củ thậm chí còn rẻ hơn so với chợ dân sinh. Tại siêu thị Co.opmart (thành phố Nam Định) cải thảo, bắp cải giá 17 nghìn đồng/kg, rẻ hơn chợ dân sinh 3.000 đồng; một số loại rau củ như củ cải trắng, cải thảo đang có chương trình trợ giá giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg từ 25.900 đồng giảm còn 15.400 đồng/kg; bí xanh từ 31.500 đồng giảm còn 21.900 đồng… cải cúc, bí xanh, bí ngô, cà rốt.... đều rẻ hơn ở chợ từ 3-5.000 đồng/kg. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các siêu thị bởi hiện tại những đơn vị này đang áp dụng chương trình miễn giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%. Những đơn vị này đều hợp đồng mua hàng tại những vùng rau lớn trên toàn quốc với giá ổn định theo khung thời điểm hàng tuần, hàng tháng để luân chuyển trong hệ thống nên giá bán ổn định hơn so với giá ở các chợ dân sinh.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng mặc dù giá tăng cao nhưng đây chỉ là biến động cục bộ và giá rau, củ quả sẽ sớm trở lại giá ngày thường khi thời tiết ổn định và cũng không quá phụ thuộc vào giá xăng dầu tăng cao do tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp luôn chủ động được nguồn rau xanh các loại cung ứng cho người dân nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên cũng cần các lực lượng chức năng vào cuộc, xem xét để đảm bảo thị trường ổn định hợp lý, tránh tình trạng người sản xuất ham lợi sử dụng các chất kích thích tăng trưởng để chăm bón rau, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com