Năm 2021, dù chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của huyện cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn của huyện Trực Ninh đạt 384,587 tỷ đồng, bằng 110,05% dự toán, tăng 29,17% so với năm 2020.
Sản xuất lưới thép tại Công ty Cổ phần Lưới thép Winmax - Nam Định, Cụm công nghiệp Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Nhận định năm 2022 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, ngay từ đầu năm huyện quyết liệt triển khai các nhiệm vụ thu ngân sách. Với mức tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2022 được giao là 345 tỷ 650 triệu đồng, Chi cục Thuế khu vực Nam Ninh đã chủ động lập, giao dự toán thu NSNN đảm bảo bao quát hết nguồn thu; rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu mới phát sinh, doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh mới ra kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có rủi ro cao như: ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, karaoke… để quản lý thuế kịp thời theo quy định; tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số giảm thu NSNN do yếu tố khách quan gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh thương mại điện tử, xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách gồm: Tích cực phối hợp rà soát đối chiếu nợ, xác định chính xác số nợ đọng thực tế của người nộp thuế để có biện pháp thu hồi nợ đọng theo đúng quy định; thực hiện nghiêm các biện pháp đôn đốc, xử lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, đảm bảo tổng nợ thuế đến ngày 31-12-2022 không vượt quá 5% tổng thu NSNN. Tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị có khoản thu từ phí chuyển sang giá dịch vụ mà Nhà nước không định giá; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế và nợ đọng thuế.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, sử dụng công nghệ cao, có giá trị sản xuất lớn và tăng thu ngân sách. Trong đó, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phù hợp với quy hoạch diện tích đất tại các xã, thị trấn và quy hoạch đường trục kinh tế theo các tuyến Quốc lộ 21, tỉnh lộ 488 và tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại các thị trấn Cổ Lễ, Cát Thành, Ninh Cường... để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Cơ quan thuế tham mưu với huyện quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng thực hiện tốt các chính sách tín dụng hiện hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là vốn vay ưu đãi góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu; mở rộng diện tích liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp sạch và theo chuỗi. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị hàng hóa, dịch vụ. Trong sản xuất công nghiệp, chú trọng khai thác tối đa cơ sở hạ tầng hiện có ở các cụm công nghiệp hiện có trên địa bàn, tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng nghề hiện có, phát triển ngành nghề mới. Thực hiện các giải pháp đảm bảo lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.
Thời gian tới, ngành Thuế huyện yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành; tiếp tục cải cách hiện đại hóa công tác quản lý thuế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế thông qua đẩy mạnh tiến độ triển khai áp dụng hoá đơn điện tử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế; tập trung mở rộng, chống xói mòn cơ sở thuế trên cơ sở thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có tỷ trọng lớn chuyển giá, tăng cường giám sát các nghiệp vụ về vốn chủ sở hữu và chi phí lãi vay. Huyện cũng tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn, nhất là các địa phương có số thu thấp đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả kế hoạch sử dụng đất năm 2022; triển khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tại các xã, thị trấn; tiếp tục lập phương án xử lý các trường hợp sử dụng đất không hợp pháp và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa; thường xuyên khảo sát các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng kinh doanh để điều chỉnh doanh thu tính thuế tương xứng với quy mô kinh doanh.
Với các giải pháp kể trên, huyện Trực Ninh phấn đấu đạt kết quả cao trong công tác thu ngân sách, góp phần hoàn thành mục tiêu thu NSNN chung của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy