Ðảm bảo phát triển hài hòa trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn

06:02, 22/02/2022

Trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh tiếp tục duy trì quan điểm gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm  bảo kết nối nông thôn - đô thị theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng các địa phương trong tỉnh tiếp tục đạt kết quả mới trong thực hiện nhiệm vụ đô thị hóa nông thôn.

Xã Hải Lộc (Hải Hậu) từng bước cải tạo, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xã Hải Lộc (Hải Hậu) từng bước cải tạo, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021-2030 theo quy định đảm bảo kết nối và phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng huyện, thành phố, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực  để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong đó tích cực kêu gọi, tiếp cận hiệu quả nguồn vốn Trung ương đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh ở các vùng nông thôn và phát triển kinh tế biển, tăng năng lực đô thị hóa nông thôn. Đáng kể đã thu hút vốn đầu tư nhiều công trình giao thông quy mô lớn mang tính kết nối nông thôn - đô thị, kết nối vùng như: tuyến đường trục phát triển kinh tế giai đoạn I, đường ven biển... Tỉnh đã ban hành cơ chế quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn tiền đấu giá quyền sử dụng đất các khu đô thị, khu dân cư (KĐT, KDC) tập trung nhằm huy động hiệu quả hơn nguồn lực từ quỹ đất tạo nguồn thu, tăng cường cho đầu tư hạ tầng KĐT, KDC và các công trình hạ tầng khác theo nhu cầu địa phương được phân bổ vốn. Hết năm 2021, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 9/13 dự án KĐT tại thị trấn trung tâm các huyện (trong đó 09 dự án đã tổ chức đấu giá đất cho nhân dân làm nhà ở); đang tổ chức giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng 2 dự án KĐT thương mại Cồn - Văn Lý (Hải Hậu), KĐT thị trấn Nam Giang (Nam Trực); đang triển khai thủ tục đầu tư dự án KĐT thị trấn Cát Thành (Trực Ninh). Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 18/44 dự án KDC tập trung đã có quyết định đầu tư (trong đó 14 dự án đã tổ chức đấu giá đất cho nhân dân làm nhà ở; 4 dự án đang giải phóng mặt bằng), còn lại 26/44 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Trước khó khăn của nguồn ngân sách đầu tư công để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ đô thị hóa nông thôn những năm gần đây, các địa phương gia tăng hướng huy động vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng hạ tầng NTM, nhất là các lĩnh vực xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng cung ứng nước sạch cho người dân; nhà máy xử lý rác thải; hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch... Các địa phương cũng chú trọng đảm bảo chủ trương phát triển tại chỗ giúp nông dân “ly nông bất ly hương” khi thực hiện đô thị hóa nông thôn. Các địa phương còn tăng cường khuyến khích người dân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa cơ sở. Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, tỉnh đã khắc phục được khó khăn về vốn đầu tư công, huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển nông thôn, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã có 93 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 106/204 (52%) xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn một số lĩnh vực chưa theo kịp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số địa phương chủ yếu ưu tiên đầu tư hạ tầng KĐT trung tâm nên sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, các đô thị trung tâm chưa phát huy đầy đủ vai trò đầu tầu, dẫn dắt và hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông thôn… Ở một số địa phương chưa phát huy tốt vai trò của nhà văn hóa thôn, xóm để phục vụ người dân. Mặc dù hầu hết các xã đều có khu xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng về lâu dài phải xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung liên xã hoặc liên huyện với công nghệ hiện đại.

Thời gian tới, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương xác định đẩy nhanh đô thị hóa và xây dựng NTM phải dựa trên nguyên tắc: Cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro; đô thị hóa phải hỗ trợ quá trình xây NTM bền vững; đảm bảo kết nối và đồng bộ về hạ tầng giữa đô thị và nông thôn, không chỉ hạ tầng cứng mà cả hạ tầng về thông tin, chuyển đổi số… Từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương tiếp tục bám sát định hướng của Trung ương, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng gắn với đô thị hóa. Chú trọng rà soát, điều chỉnh lập quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM, làm cơ sở lập quy hoạch chung các xã, các đô thị, các khu chức năng thuộc huyện. Quy hoạch cảnh quan, kiến trúc nông thôn chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng, xã mang đặc trưng của vùng miền, bảo đảm phù hợp. Đẩy mạnh gắn kết các thị trấn, điểm dân cư tập trung trên địa bàn huyện hoặc liên huyện với các điểm sản xuất, dịch vụ từ nông nghiệp; tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa tại chỗ, phát triển dân cư phi nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện, xã. Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, chú trọng bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện. Bên cạnh đầu tư các KĐT, KDC tập trung, ưu tiên vốn đầu tư cho các hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô liên vùng nông thôn - đô thị... để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có; quan tâm đầu tư hạ tầng về xử lý môi trường, nhất là hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý rác thải sinh hoạt liên vùng, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng đến NTM thông minh nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, khả năng tiếp cận dịch vụ chất lượng đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là các chất lượng về giáo dục, y tế, thương mại./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com