Nam Trực nỗ lực phát triển sản xuất trong điều kiện dịch bệnh

07:11, 30/11/2021

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng huyện Nam Trực đã thực hiện quyết liệt bài bản, kịp thời các nhiệm vụ và các giải pháp về phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, kiểm soát chặt chẽ không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; đồng thời nỗ lực thực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nam Tiến, xã Nam Tiến.
Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nam Tiến, xã Nam Tiến.

Huyện đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ giúp các cơ sở, doanh nghiệp vừa sản xuất, kinh doanh vừa chống dịch với tinh thần “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quy mô lớn nằm ngoài CCN như: Công ty TNHH Yamami Dynasty tại xã Nam Hồng, Công ty TNHH LongYu Việt Nam tại xã Tân Thịnh, Công ty TNHH Việt Pan Pacific tại xã Đồng Sơn, Công ty Cổ phần May Nam Định tại xã Nam Tiến. Đây là nhóm các doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn và người lao động sinh sống tại nhiều địa bàn khác nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan khi có người lao động bị mắc dịch bệnh. Vì vậy, huyện đặc biệt chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị này thực hiện đầy đủ, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Huyện tổ chức phân bổ hợp lý nguồn vắc-xin phòng COVID-19 theo các quy định của Chính phủ ưu tiên tiêm cho người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động; người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao. Trong chỉ đạo huyện chú trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp trên cơ sở vừa phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, vừa khôi phục tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và nhân cấy phát triển nghề mới. Đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đổi mới trang thiết bị, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa, gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là cánh đồng liên kết chuỗi giá trị; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các xã Nam Hoa, Nam Hùng và thị trấn Nam Giang. Tại các xã, thị trấn tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp và bà con nông dân phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện gồm lúa chất lượng cao, lúa đặc sản; rau, củ (theo hướng an toàn, hữu cơ, VietGAP); hoa, cây cảnh (hoa hồng, hoa trà, cây bonsai, cây thế, cỏ Nhật...); lợn, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi liên kết bền vững, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng, bản thân 80 doanh nghiệp, hơn 3.500 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở 3 CCN tập trung, trên 5.000 hộ sản xuất, kinh doanh tại 10 làng nghề mới và 3 làng nghề truyền thống của huyện Nam Trực đều nỗ lực khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng để ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn. Công ty Cổ phần Kết cấu thép Việt Thắng, Cụm công nghiệp Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, là đơn vị có nguồn vốn tích lũy lớn, đã xử lý linh hoạt kế hoạch sản xuất kinh doanh trước mọi diễn biến của thị trường. Công ty đã đầu tư trang bị hệ thống robot tự động trong dây chuyền của nhà máy; luôn chủ động đảm bảo tất cả các sản phẩm trước khi xuất ra khỏi nhà máy phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của thị trường. Vì vậy dù thị trường tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp cùng ngành hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Công ty vẫn ổn định, giữ chân các bạn hàng lâu năm và thu hút các bạn hàng mới. Tại làng nghề cơ khí Vân Chàng, trong 9 tháng đầu năm, khi nhiều địa phương trên toàn quốc phải thực hiện lệnh phong tỏa, nhiều cơ sở, doanh nghiệp bị giảm mạnh sức tiêu thụ sản phẩm, thậm chí lên đến 50% sản lượng do đặc thù hàng hóa của làng nghề bán sang Lào, Campuchia, Mianma phải xuất qua điểm trung chuyển là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngay khi toàn quốc thực hiện quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các cơ sở, doanh nghiệp của làng nghề đều tăng tốc, phục hồi sản xuất nhanh để gấp rút hoàn tất các đơn hàng.

Sự tích cực đồng hành, tạo mọi điều kiện khắc phục khó khăn của các cấp chính quyền, ngành chức năng; cộng với tinh thần tự lực, tự cường, chung sức của các doanh nghiệp đã giúp huyện Nam Trực vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Đánh giá sơ bộ kết quả năm 2021 của huyện Nam Trực cho thấy, cả 10/10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức theo kế hoạch đã đề ra. Sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì và phát triển ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,64% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục chủ động, linh hoạt, bản lĩnh, hiệu quả trong xử lý mọi tình huống của dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ” theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Huyện cũng đề nghị các cơ sở, doanh nghiệp tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng các cấp chính quyền và người dân nỗ lực “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” và ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com