Thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 25-9-2018 của UBND tỉnh về các giải pháp góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tỉnh, những tháng đầu năm 2021 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Thi công tuyến đường cứu hộ xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). |
Hàng năm căn cứ kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, Sở GTVT đã ban hành Kế hoạch về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của ngành; chỉ đạo trưởng các phòng, ban, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ tham mưu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ: triển khai các giải pháp cải thiện điểm số về đường giao thông trong Chỉ số cơ sở hạ tầng thuộc Bộ chỉ số PCI; tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, huyết mạch trên địa bàn tỉnh, hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ đảm bảo hiệu quả; đề xuất, thực hiện các giải pháp thiết thực trong công tác quản lý vận tải nhằm giảm bớt thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sở GTVT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện, đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn. Nhờ đó, đến nay mạng lưới giao thông đường bộ toàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 12 nghìn km (16,2km đường cao tốc; 5 tuyến quốc lộ dài 265km; 12 tuyến tỉnh lộ dài 263km; 177km đường đô thị; 569km đường huyện; 1.491km đường xã, liên xã; 2.822km đường thôn xóm; gần 4.000km đường dong ngõ, xóm và gần 3.000km đường trục chính nội đồng); 2.050 cầu các loại đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Sở GTVT đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tăng cường công tác lãnh đạo điều hành thực hiện tốt đồng thời các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về GTVT kết hợp phòng, chống dịch COVID-19. Sở đã thực hiện 97 kết quả thẩm định các dự án, công trình giao thông đảm bảo về chất lượng, hiệu quả kinh tế kỹ thuật; tham mưu xây dựng đề án trình các cấp tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Thịnh Long và Lạc Quần - Ngô Đồng. Tăng cường công tác duy tu, bảo trì và nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện thường xuyên: sơn sửa cọc tiêu, biển báo hiệu vạch kẻ đường... Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống cầu, đường bộ; kiểm tra, rà soát đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông (ATGT) tại các nút giao thông, các đoạn tuyến, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, các “điểm đen tai nạn giao thông”, việc xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo giao thông, trật tự ATGT tại các địa phương, đơn vị. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang ATGT đường bộ, sử dụng trái phép lòng, lề đường làm nơi tập kết hàng hóa, buôn bán. Phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, khổ giới hạn đường bộ và hành lang ATGT. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong quản lý phương tiện tới các địa phương có diễn biến dịch phức tạp, đảm bảo công tác phòng dịch trên địa bàn. Sở thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh, có những văn bản chỉ đạo kịp thời ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh để vừa đảm bảo phòng dịch vừa duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Thường xuyên quan tâm, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng vận tải, đổi mới phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Sở GTVT đã thực hiện niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng, chuyên dùng về giải đáp các phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến TTHC và ATGT. Việc giải quyết các TTHC đều được thực hiện trên các phần mềm chuyên dụng; tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và qua dịch vụ bưu chính công ích góp phần minh bạch trong giải quyết TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, danh mục TTHC chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT gồm 3 lĩnh vực với 106 TTHC gồm: đường bộ có 64 thủ tục; đường thủy nội địa 38 thủ tục và đăng kiểm 4 thủ tục. Tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, Sở GTVT đã bố trí 7 công chức có trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kỹ năng giao tiếp tốt thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Những tháng đầu năm 2021 Sở đã tiếp nhận 4.528 hồ sơ (161 hồ sơ trực tuyến, 4.367 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp); không có hồ sơ tồn đọng hoặc quá hạn, không có phản ánh kiến nghị của tổ chức và công dân về việc tiếp nhận và giải quyết TTHC của Sở.
Những tháng cuối năm 2021, Sở GTVT tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và cá nhân trong giải quyết TTHC; các phòng chuyên môn phối hợp tốt trong giải quyết các TTHC, đảm bảo trả kết quả về Trung tâm phục vụ hành chính công đúng thời gian quy định. Tăng cường quản lý hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, các bến thủy nội địa. Tiếp tục cập nhật diễn biến tình hình dịch COVID-19 để chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống lây lan, đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải khách phải hạn chế, giảm tải sâu./.
Bài và ảnh: Thành Trung