Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản đã chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đồng thời đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn diễn ra an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu vốn khách hàng, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí Phạm Trung Thành, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản cho biết: Trước khi tổ chức phiên giao dịch tại xã, đơn vị đều thông báo đến các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về thời gian giao dịch cụ thể. Đồng thời, tổ chức giải ngân, thu hồi nợ theo ca để khách hàng sắp xếp công việc, đến giao dịch được thuận lợi, đảm bảo giãn cách phòng dịch. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản đã quán triệt đến tất cả cán bộ, người lao động và người dân đến giao dịch thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn trước và sau khi giao dịch, chuẩn bị sẵn khẩu trang để phát cho những người không có khẩu trang. Bàn giao dịch của các điểm giao dịch tại xã được trang bị kính chắn giọt bắn cho cán bộ, nhân viên. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản vẫn chủ động thực hiện chính sách gia hạn, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID19; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp tục được vay vốn mới để tái đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách tại gia đình chị Nguyễn Thị Lưu (ở giữa), xóm Hội 2, xã Quang Trung. |
Chúng tôi được cán bộ tín dụng dẫn đến gia đình chị Trần Thị Loan ở xóm 11, một hộ mới thoát nghèo của xã Quang Trung. Tiếng máy đột dập vang đều đặn, lò bễ đỏ rực lửa. Dừng tay tiếp chuyện chúng tôi, chị Loan vui vẻ cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 khiến gia đình tôi suýt bị thất nghiệp. Giá phôi thép nguyên liệu tăng gấp đôi từ 8.000 đồng/kg lên đến 16 nghìn đồng/kg mà lịch giao đơn hàng gần cận kề, vốn liếng vẫn chưa kịp thu về. May thay chúng tôi được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, tạo điều kiện tiếp cận kịp thời với vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện. 50 triệu đồng tuy không lớn nhưng đã kịp thời giúp gia đình tháo gỡ khó khăn về tiền mua nguyên liệu phôi thép để sản xuất kịp thời hạn hợp đồng”. Thời gian tới, xưởng sản xuất của chị Loan tiếp tục đầu tư thêm 1 máy đột dập với sản lượng 1 vạn sản phẩm/tháng. Chị Nguyễn Thị Lưu ở xóm Hội 2 cho biết: “Từ năm 2000, khởi nghiệp nghề rèn nông cụ, hai vợ chồng tôi đã được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ chịu khó, tích góp vốn liếng cộng với sự giúp đỡ của Ngân hàng CSXH huyện, năm 2010, gia đình tôi đã có thể đầu tư 250 triệu đồng nâng cấp hệ thống điện, lò than đồng bộ để sản xuất quả búa, rìu, dũa”. Đến nay, gia đình chị đã có xưởng sản xuất với năng suất hơn 300 sản phẩm/ngày, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động lành nghề. Hiện tại, chị Lưu tiếp tục vay 40 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện theo chương trình nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư thêm máy cắt sắt phôi, máy mài để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Chị được tín nhiệm bầu là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Đến nay, dư nợ của tổ là 1 tỷ đồng với 47 thành viên còn dư nợ.
Tính đến ngày 2-4-2021, tổng doanh số cho vay tại ngân hàng đạt 13 tỷ 497 triệu đồng, bằng 111% so với cùng kỳ năm trước, với 458 lượt khách hàng được vay vốn; tập trung chủ yếu vào 4 chương trình: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (6 tỷ 540 triệu đồng), giải quyết việc làm (3 tỷ 340 triệu đồng), hộ cận nghèo (1 tỷ 690 triệu đồng), học sinh sinh viên (1 tỷ 577 triệu đồng). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 189 tỷ 139 triệu đồng, tăng 2.634 triệu đồng so với ngày 31-12-2020, đạt 98% kế hoạch dư nợ năm, với 6.722 hộ gia đình còn dư nợ. Các chương trình có dư nợ tăng trưởng là nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 2 tỷ 45 triệu đồng; giải quyết việc làm tăng 1 tỷ 560 triệu đồng; học sinh sinh viên tăng 968 triệu đồng... Một số xã có dư nợ lớn như: Liên Minh 14 tỷ 920 triệu đồng, Minh Thuận 14 tỷ 907 triệu đồng, Tam Thanh 14 tỷ 794 triệu đồng, Cộng Hòa 12 tỷ 963 triệu đồng, Hiển Khánh 12 tỷ 892 triệu đồng... Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu chỉ 187 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm 62 triệu đồng so với đầu năm.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản tập trung phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các xã, thị trấn theo thông báo của Ban đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh và đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được sử dụng triệt để. Đề xuất Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục bổ sung vốn giải quyết việc làm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Ngân hàng CSXH tỉnh giao tăng trưởng năm 2021 là 300 triệu đồng.
Đẩy mạnh huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi của thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chú trọng việc chấp hành các thủ tục quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch xã, công tác xử lý và thu hồi nợ quá hạn, phấn đấu giảm tỷ lệ quá hạn so với đầu năm. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ xa, kiểm tra giám sát và kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại nhằm nâng cao chất lượng hoạt động./.
Bài và ảnh: Đức Toàn