Thị trấn Cát Thành có lợi thế về cả giao thông đường bộ (tỉnh lộ 488B kết nối với Quốc lộ 21) và đường thuỷ (sông Ninh Cơ) giúp dễ dàng liên kết, giao lưu kinh tế với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, thị trấn có dân số đông (gần 17 nghìn khẩu), nguồn lao động dồi dào (chiếm khoảng 63% dân số) là điều kiện thuận lợi để đào tạo nghề, phát triển kinh tế địa phương.
Nghề đóng tàu ở thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) tạo việc làm cho nhiều lao động. |
Để công tác đào tạo nghề đảm bảo chất lượng, hàng năm, thị trấn tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, thị trấn xây dựng kế hoạch và chỉ đạo phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản; các ngành nghề: may công nghiệp, cơ khí… Năm 2020, thực hiện Đề án 1956, thị trấn Cát Thành phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định mở 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 70 lao động. Bên cạnh đó, thị trấn chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ban Nông nghiệp, 2 HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (Trực Cát, Trực Thành) tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân. Đồng chí Nguyễn Đức Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Trong quá trình đào tạo nghề, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khóa học, người lao động nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và sử dụng được kỹ năng nghề để tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Người lao động học nghề nông nghiệp tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, làm tăng năng suất, hiệu quả sản phẩm, tăng thu nhập. Với diện tích cánh đồng mẫu lớn 30ha, Ban Nông nghiệp thị trấn đã hướng dẫn các thành viên áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch, thực hiện kỹ thuật gieo cấy “3 cùng”: cùng giống - cùng trà - cùng cánh đồng nên hiệu quả kinh tế từ cánh đồng lớn tăng thêm từ 4-5 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Sau khi được học nghề, đến nay, nhiều hộ dân ở thị trấn đã tích cực tận dụng, cải tạo vườn, ruộng, mở rộng chuồng trại chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: ông Phạm Văn Long, tổ dân phố Bắc, đội 2 với mô hình nuôi lợn giống, lợn thịt, tổng đàn lợn trên 300 con; ông Nguyễn Văn Thành, tổ dân phố Bắc Giang với mô hình trồng hoa hồng… Ngoài ra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở thị trấn Cát Thành cũng phối hợp tổ chức lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Hiện nay, thị trấn có 2 doanh nghiệp may mặc quy mô lớn có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty KIARA (Ấn Độ) và Công ty Sungwon Vina (Hàn Quốc). Cả 2 Công ty thường xuyên đào tạo, bổ túc tay nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu công việc. Các doanh nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền quy mô lớn gồm: Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Hoa Tiên; Công ty cổ phần Phú An; Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Minh Tuấn; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Trường An… cũng kết hợp đào tạo và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Cùng với đào tạo nghề, thị trấn tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, thu nhập. Đến nay, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ thị trấn đã đứng ra tín chấp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ 9 tỷ 155 triệu đồng. Từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển kinh tế. Tiêu biểu như anh Trần Văn Tương ở tổ dân phố Phú Thọ, thị trấn Cát Thành được vay 96 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư xưởng cơ khí dân dụng của gia đình. Với số vốn được vay, gia đình anh đã đầu tư máy hàn, cắt, ép tự động, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm cửa cuốn, cửa, cầu thang, mái tôn kẽm, nhôm, kính. Nhờ vậy, đơn đặt hàng của xưởng ngày càng nhiều, đem lại doanh thu gần 100 triệu đồng/tháng cho gia đình.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề đã tạo bước chuyển biến cho công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt 55,1 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 0,46%. Thời gian tới thị trấn Cát Thành tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và sản phẩm chủ lực theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để nâng cao chất lượng sống của nhân dân./.
Bài và ảnh: Viết Dư