Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

08:04, 19/04/2021

Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chủ động thực hiện, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ở một số địa phương gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê, kè, cống, nhất là trong mùa mưa bão; việc xử lý các vi phạm chưa triệt để. 

Xã Xuân Châu (Xuân Trường) xây dựng tuyến đê kiểu mẫu góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tránh giảm vi phạm hành lang đê.
Xã Xuân Châu (Xuân Trường) xây dựng tuyến đê kiểu mẫu góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tránh giảm vi phạm hành lang đê.

Toàn tỉnh có 663km đê, gồm 365km đê cấp I đến cấp III (91km đê biển, 274km đê sông) và 298km đê dưới cấp III. Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều phổ biến là xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều và trong bãi sông; tập kết cát sỏi trái phép trên bãi sông; rào chắn, đào bới mái đê trồng rau màu. Trong đó, các địa phương đã để tồn tại, chưa kịp thời xử lý dứt điểm ở một số vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ như: Công trình xây dựng trên bãi sông tương ứng K8+825 - K9+100 đê hữu Ninh; tình trạng xây dựng công trình, nhà xưởng với quy mô lớn trên bãi sông Đáy thuộc xã Yên Bằng (Ý Yên); vi phạm xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều tại các vị trí: K6 đê hữu Đào và trên địa bàn xã Thành Lợi (Vụ Bản), K13, K14+350 đê hữu Ninh, huyện Trực Ninh; K12+970 đê tả Ninh (Trực Ninh), K5+700 đê tả Ninh (Xuân Trường)... Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi đang có xu hướng gia tăng, nhất là việc đổ chất thải rắn, chất thải sinh hoạt trên mặt đê và mái đê; các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng thường xuyên chất tải cao, sát chân đê tại bãi sông song chưa được các xã quan tâm kiểm tra, xử lý gây mất an toàn đê điều và ảnh hưởng đến môi trường. Có thể kể đến như ở huyện Xuân Trường, người vi phạm đổ chất thải trên mặt đê, mái đê tồn tại ở một số xã như Xuân Ninh, Xuân Hồng, Xuân Châu…; tại các xã Xuân Tân, Xuân Ninh, Xuân Hồng, Xuân Châu... tồn tại các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng thường xuyên chất tải cao, sát chân đê phía bãi sông... Nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm đê điều, công trình thủy lợi được xác định là do ý thức tự giác, chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ đê điều của người dân chưa cao; nguồn lực của tỉnh cho công tác PCTT không nhiều. Các vi phạm cũ chậm được xử lý lý dứt điểm và các vi phạm mới tiếp tục phát sinh do chính quyền cơ sở lơ là quản lý, kiểm tra, chậm phát hiện vi phạm để xử lý ngay từ đầu khi mới xảy ra dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, giải tỏa. Có nhiều trường hợp lực lượng quản lý đê chuyên trách phát hiện vi phạm, lập biên bản, báo cáo kịp thời nhưng UBND xã, phường, thị trấn cũng không ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền và không báo với cấp cao hơn để xử lý sớm. Thậm chí, nhiều vi phạm dù chính quyền cấp trên, kể cả UBND tỉnh đã chỉ đạo nhưng chính quyền cơ sở vẫn không xử lý hoặc xử lý một cách hình thức, không triệt để, không kịp thời.

Để khắc phục bất cập trên, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý đê điều của các cấp chính quyền; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Tại hội nghị triển khai công tác PCTT và TKCN năm 2021, đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT (cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh), UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, có phương án đảm bảo an toàn; xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, các trường hợp đổ rác thải, phế liệu trên mặt đê; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mới, nhất là cán bộ, đảng viên và báo cáo cấp trên xử lý đối với những trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh tại huyện Trực Ninh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN từ huyện đến các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng phương án PCTT, phân công trách nhiệm, phụ trách địa bàn cụ thể cho từng thành viên; đã phân chia và giao cho các xã, thị trấn quản lý 15 án phận đê điều. Huyện yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và chỉ đạo lực lượng tuần tra, canh gác đê trong mùa mưa lũ theo quy định; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm luật về bảo vệ công trình PCTT, thủy lợi, đê điều… Tại Hải Hậu, UBND huyện đã tổ chức tổng kiểm tra hệ thống đê, kè, cống và các công trình PCTT trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, huyện yêu cầu trước ngày 31-5-2021 các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai công tác giải tỏa vi phạm, phân loại, xử lý triệt để các vi phạm, không để phát sinh các vi phạm mới. Bên cạnh đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn ven đê giao cho các tổ chức, cá nhân trồng, chăm sóc và bảo vệ hoa, cỏ chống xói lở mái đê, tập trung chỉnh trang cảnh quan các tuyến đê, nhất là tuyến đê qua khu dân cư. Huyện cũng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng tuyến đê kiểu mẫu tại các xã Hải An, Hải Giang; sau khi hoàn thành việc trồng hoa trên tuyến đê kiểu mẫu, giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý và thường xuyên chăm sóc, tưới nước, vệ sinh cỏ dại… nhằm đảm bảo tuyến đê luôn xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao năng lực kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm đê điều. Giao Phòng NN và PTNT huyện, Hạt quản lý đê Xuân Trường, Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Xuân Thủy tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn có đê chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh theo quy định. Trong đó, tập trung triển khai ký kết chấp hành Luật Đê điều với các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên bãi sông theo quy định; giải tỏa, phát quang, vệ sinh mái đê bị lấn chiếm; hạ tải các bãi tập kết vật liệu xây dựng đảm bảo theo quy định và các vi phạm khác; thiết lập hồ sơ vi phạm, tham mưu UBND huyện chỉ đạo xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com