Hiệu quả các mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp của nông dân

07:04, 20/04/2021

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam (khóa VII) đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.

Mô hình nuôi cá trắm đen của ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh (Xuân Trường).
Mô hình nuôi cá trắm đen của ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh (Xuân Trường).

HND tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã xuất hiện trên nhiều lĩnh vực sản xuất như: nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh, khai thác thủy sản, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh chế biến đồ gỗ mỹ nghệ… Các chi, tổ hội nghề nghiệp đều xây dựng được quy chế hoạt động với sự thống nhất của đa số thành viên. Nội dung sinh hoạt tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về hoạt động của mô hình chi, tổ hội mới; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn cách thức làm dự án, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay… Cùng với đó, HND các cấp còn chủ động hướng dẫn chi hội, tổ hội nghề nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thị trường; giới thiệu và tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả; xây dựng quỹ Hội và quỹ sản xuất. Các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập theo tiêu chí “5 cùng” (Cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi); tạo môi trường thuận lợi để người nông dân có chung lợi ích và trách nhiệm được trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chia sẻ thông tin giá cả thị trường… Đồng thời, thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu hình thành cho hội viên tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, năm 2020, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN, Tỉnh Đoàn, Liên minh HTX tỉnh xây dựng mô hình điểm chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn nông thôn, giai đoạn 2020-2023. Theo đó, các đơn vị cấp tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng 3 mô hình điểm đại diện cho các loại hình sản xuất nông nghiệp và theo khu vực của tỉnh tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Ý Yên. HND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chỉ đạo xây dựng ít nhất 1 mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp. Tiêu biểu như HND xã Giao An (Giao Thủy) tổ chức ra mắt tổ hội nghề nghiệp gắn với tổ hợp tác “Nuôi trồng thủy sản” với 16 thành viên tham gia. HND xã Liêm Hải (Trực Ninh) ra mắt tổ hội nghề nghiệp sản xuất lúa lai theo chuỗi liên kết giữa các hộ với Công ty Cường Tân. HND xã Yên Nghĩa (Ý Yên) triển khai xây dựng mô hình “Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” với 15 thành viên tham gia, đăng ký nuôi gần 15 nghìn con gà chủ yếu là giống gà M18 được nhập từ Viện Chăn nuôi, thức ăn cho gà là cám của hãng VINA và CP để tạo ra sản phẩm trứng đồng nhất về chất lượng. Hiện đã có 5 hộ thành viên đăng ký nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản hướng dẫn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 34 mô hình tổ hội nghề nghiệp với 676 thành viên tham gia. Bước đầu, một số mô hình tổ hội nghề nghiệp đã đi vào ổn định, sản xuất hiệu quả. Tiêu biểu như tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng của HND xã Bạch Long (Giao Thủy) với 20 hộ nuôi thủy sản trong xã tham gia. Trong đó, hộ ông Trần Đức Văn, xóm Tân Phú có diện tích nuôi tôm gần 2ha, thu nhập mỗi năm 300 triệu đồng. Các thành viên trong tổ hội đã khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, các cấp HND trong tỉnh đã ưu tiên sử dụng nguồn lực từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; tín chấp và nhận ủy thác từ các tổ chức tín dụng để xây dựng các mô hình. Tổ hội nghề nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống tại xã Giao Châu (Giao Thủy) nhờ sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã mang lại hiệu quả và có tăng trưởng hàng năm. Ông Trần Minh Sơ, tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp với kinh nghiệm 35 năm làm nghề đã cùng các thành viên đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu nước mắm của địa phương. Trung bình mỗi năm, gia đình ông sản xuất hơn 100 tấn nguyên liệu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa mô hình tổ chức HND ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, HTX, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa tại các địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com