Chặng đường 70 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, song toàn ngành đã cố gắng khắc phục, đoàn kết nhất trí, phấn đấu vươn lên đưa hoạt động Ngân hàng Nam Định phát triển bền vững, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế cùng với toàn ngành Ngân hàng Việt Nam góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định Đặng Văn Kim phát biểu tại buổi làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Ảnh: Đức Toàn |
Những chặng đường phát triển
Cùng với sự ra đời của Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Nam Định, tiền thân là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nam Ninh cũng được thành lập từ tháng 7-1951 tại làng Bái, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình). Đến tháng 3-1952 Ngân hàng Nam Định được tách khỏi Ngân hàng Nam Ninh và có trụ sở đóng tại xã Hải Đường (Hải Hậu). Ngày 1-7-1954 thành phố Nam Định được giải phóng, cũng là ngày tiếp quản nhà băng Đông Dương của Pháp tại số 91 Trần Hưng Đạo, nơi đặt trụ sở của Ngân hàng tỉnh Nam Định từ đó đến nay. Chặng đường 70 năm, qua các lần chia tách, sáp nhập tỉnh, hệ thống Ngân hàng Nam Định cũng được sắp xếp tổ chức và hoạt động theo địa giới hành chính của tỉnh.
Trong kháng chiến chống Pháp, bên cạnh nhiệm vụ chủ yếu là phát hành giấy bạc ngân hàng, thu hồi giấy bạc tài chính; quản lý Kho bạc Nhà nước với vai trò là thủ quỹ và kế toán tài khoản Kho bạc, giám sát các khoản thu, chi..., Ngân hàng Nam Định còn tập trung đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn, từ năm 1952 chuyển hướng sang cho vay thương nghiệp và vận tải.
Xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Ngân hàng Nam Định luôn hướng trọng tâm hoạt động tiền tệ tín dụng phục vụ nhiệm vụ kinh tế, chính trị của Đảng và Nhà nước theo từng thời kỳ như khôi phục kinh tế sau chiến tranh 1955-1957, cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá 1958-1960, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, 2 lần chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ… Cán bộ Ngân hàng Nam Định không những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ ở hậu phương, mà còn tiên phong tình nguyện vào miền Nam, vừa chiến đấu vừa làm nhiệm vụ ngân tín (B68).
Giai đoạn tái thiết đất nước, phục hồi sau chiến tranh (1976-1985), Ngân hàng Nam Định là địa phương luôn thực hiện tốt nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư, cải tiến và mở rộng tín dụng phục vụ các thành phần kinh tế quốc doanh và HTX. Thời kỳ này, mặc dù bị ảnh hưởng của chế độ bao cấp, lạm phát phi mã, khủng hoảng kinh tế nói chung nhưng Ngân hàng Nam Định vẫn vững bước vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trong suốt 3 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, Ngân hàng Nam Định đã đồng hành sát cánh cùng nền kinh tế của tỉnh. Tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nam Định liên tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Về mạng lưới ngân hàng, hiện trên địa bàn có 23 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) cấp tỉnh, 42 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tài chính vi mô, 114 phòng giao dịch, 215 máy ATM với hơn 1 triệu thẻ được phát hành và trên 400 điểm chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt rộng khắp trên toàn tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân. Đến 31-12-2020, nguồn vốn huy động đạt trên 78 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7 lần so với năm 2010, bình quân 10 năm (2011-2020) mỗi năm tăng trưởng 21,3%. Với dư nợ cho vay đạt gần 70 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2010, bình quân 10 năm (2011-2020) mỗi năm tăng trưởng 16,5%, Ngân hàng Nam Định đã đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp…; đặc biệt năm 2020, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 giúp khách hàng vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng được mở rộng và phát triển ra nhiều lĩnh vực dịch vụ chi tiêu của xã hội. Công tác thanh tra, giám sát luôn được chú trọng và tăng cường, thông qua thanh tra, giám sát và cảnh báo sớm rủi ro cũng như xử lý nghiêm các vi phạm của TCTD đã góp phần đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn luôn được ổn định, an toàn và từng bước nâng cao vị thế, vai trò quản lý của NHNN tỉnh.
Kết quả đạt được trong 70 năm qua của Ngân hàng Nam Định luôn được các cấp, các ngành đánh giá cao và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ Ngân hàng Nam Định. Với những thành tích đã đạt được, Ngân hàng Nam Định đã được Nhà nước ghi nhận, biểu dương và tôn vinh bằng nhiều hình thức khen thưởng: 39 Huân chương Lao động các hạng, 807 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam và UBND tỉnh, nhiều cán bộ, nhân viên được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp ngân hàng và nhiều phần thưởng vinh dự khác.
Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số
Trên cơ sở Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nam Định xác định định hướng trong những năm tới là: “Ngân hàng Nam Định phát triển nhanh và bền vững góp phần tích cực cùng toàn ngành thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển hệ thống các TCTD theo hướng hoạt động minh bạch, cạnh tranh và an toàn, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030”.
Theo đó, Ngân hàng Nam Định tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ quan trọng: (1) Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và UBND tỉnh để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai, thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân trên địa bàn, góp phần hạn chế tín dụng đen. (2) Thực hiện tinh giản biên chế theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, điều hành. Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các dịch vụ ngân hàng. (3) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động ngân hàng, đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn luôn được an toàn, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra theo hướng chuyển từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô dựa trên các công cụ giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh công nghệ thông tin. (4) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tin cậy, an toàn, hiệu quả; khuyến khích chuyển đổi số ở các ngân hàng. Chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (5) Chỉ đạo các TCTD chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động của ngành, của đơn vị, nhất là tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cũng như những sản phẩm dịch vụ tiện ích mới để người dân biết, tin tưởng sử dụng, qua đó nâng cao vai trò của ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được trong 70 năm qua, thời gian tới với sự chỉ đạo giúp đỡ của NHNN Việt Nam, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng tình, ủng hộ của các sở, ban, ngành và nhân dân trong tỉnh, cùng với sự đoàn kết, phấn đấu, chung sức đồng lòng của toàn thể cán bộ ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nam Định sẽ tiếp tục lập được nhiều thành tích, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của ngành và của đất nước./.
Đặng Văn Kim
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định