Trên những cánh đồng dưa

08:05, 27/05/2016

 Tháng 5, dưới cái nắng chói chang oi bức, cánh đồng làng Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực) vẫn xanh mướt mát một màu của những ruộng dưa. Thấp thoáng trong các luống dưa, những nụ hoa màu vàng be bé hé lộ. Mùa dưa lê, dưa hồng của nông dân trong xã đang vào chính vụ với hiệu quả kinh tế gấp 4, 5 lần so với cây lúa.

Nông dân xóm 1, Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực) chăm sóc dưa lê.
Nông dân xóm 1, Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực) chăm sóc dưa lê.

Trên đường về cánh đồng dưa Bái Dương, từ đầu làng, chúng tôi đã chứng kiến sự “hiện hữu” của loại quả này khắp đường ngang, lối dọc. Hầu như tại các sạp hàng trong làng đều bày bán dưa. Xen lẫn giữa những quả dưa lê màu xanh nhạt còn là màu vàng óng ả, đẹp mắt của những quả dưa hồng. Và trên con đường dẫn ra ruộng, những sọt dưa đầy ăm ắp đang hối hả theo các bà, các chị đến các đại lý hoặc chợ lẻ khắp nơi trong huyện. Trên cánh đồng dưa làng Bái Dương, chúng tôi gặp lão nông Vũ Văn Đấu, xóm 1 khi ông đang tỷ mẩn cắt những ngọn dưa để giúp cây tập trung nuôi quả. Gió thổi lồng lộng trên những cánh đồng át cả tiếng lão nông già: “Giống dưa lê, dưa hồng cũng mới được đưa vào đồng đất xã tôi khoảng 4 năm nay thôi. So với các cây khác đây là loại cây tương đối mới nhưng với hiệu quả kinh tế cao loại cây này nhanh chóng “phủ xanh” diện tích trồng màu nhiều thôn xóm trong xã”, ông Đấu vui vẻ nói. Cũng theo ước tính của lão nông già, riêng cánh đồng Bái Dương, diện tích trồng dưa hiện đã vào khoảng gần 2ha. Ăn Tết xong, lựa lúc trời mưa xuân ấm áp, đất ẩm, ông Đấu cũng như những nông dân Nam Dương liền bắt tay vào vụ dưa mới. Họ chọn mua giống dưa Nông Hữu đưa từ miền Nam ra rồi ươm lên bầu. Khi bỏ bầu, ông Đấu trộn đều đất bột với phân chuồng mục đã ủ thêm phân lân được xử lý với tỷ lệ 2 đất + 1 phân. Cho hỗn hợp đã trộn vào 4/5 chiều cao của bầu. Sau khi đặt hạt vào bầu, ông rắc tiếp một lớp đất bột trộn với trấu mục rồi tưới đủ ẩm. Trong thời gian chờ cây ở trong bầu lớn, ông Đấu tranh thủ dọn cỏ sạch sẽ, làm luống cẩn thận trên đồng đất rồi mới đưa cây ra trồng. Cách 40 phân trồng một cây. Trung bình mật độ từ 500-550 cây/sào. Khi cây dưa lên khoảng 3 lá, ông Đấu bắt đầu bấm ngọn để kích thích cây đẻ chánh. Sau đó, ông rải một lớp ni lông xuống dưới gốc cây mục đích là để giữ ẩm cho đất, tránh cho quả phải tiếp xúc với đất gây thối, ủng, sâu quả. Khi cây cao khoảng 40 phân, ông Đấu tiếp tục bón thúc cho cây. Các loại phân ông sử dụng là phân chuồng, kali và đạm. Hiện, trên đồng đất Nam Dương, các hộ nông dân áp dụng 2 cách trồng dưa là trồng dưa bò trên mặt luống và trồng giàn. Mật độ trồng dưa giàn vào khoảng 750-800 cây/sào. “Đối với trồng dưa thì mất nhiều công nhất vẫn là việc chăm sóc. Vì vậy, hầu như ngày nào chúng tôi cũng ra đồng. Trồng dưa lê không khó, điều quan trọng là phải chú ý phòng trừ sâu bệnh. Mặc dù dưa lê là giống cây tương đối dễ trồng nhưng lại hay mắc một số bệnh như vàng lá, nhiều bọ trắng. Vì vậy, khi trồng và chăm sóc dưa cần liên tục kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của cây để có hướng xử lý bệnh kịp thời. Ngoài ra, thời kỳ đầu vụ, việc điều tiết nước phù hợp rất quan trọng cho cây phát triển và làm quả cuối vụ. Vì cây dưa rất “háo nước”, lúc nào đất dưới chân cũng đòi hỏi phải ẩm. Ngoài ra, đối với dưa giàn còn cần làm giàn cẩn thận cho cây để quả có mẫu mã đẹp, đặc biệt cần bón nhiều kali để tăng độ ngọt cho dưa”, ông Đấu chia sẻ thêm.

 Với những ưu thế vốn đầu tư ít, sinh trưởng nhanh, dễ đậu quả, thời gian thu hoạch ngắn từ 50-60 ngày nên những cánh đồng dưa ở Nam Dương đang cho hiệu quả kinh tế khá cao. Theo ước tính của ông Đấu, mỗi sào dưa lê nhà ông thường đạt năng suất từ 7-8 tạ. Riêng với dưa hồng, năng suất bình quân trên sào của cả xã ước đạt 3 tấn/sào. Cá biệt, vụ dưa năm 2015, thời tiết phù hợp cho cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, cánh đồng dưa của ông còn đạt khoảng 8,5 tạ/sào. “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn, mùa lạnh kéo dài, mùa nóng nắng sớm nên các ruộng dưa trong xã nói chung năng suất có kém hơn chút ít. Tuy nhiên, nhìn chung năng suất không giảm đi đáng kể”, ông Đấu hào hứng nói. Với giá bán cất tại ruộng cho các đại lý dao động từ 8-10 nghìn đồng/kg đối với dưa lê, 3.000 đồng/kg đối với dưa hồng, ông Đấu chia sẻ: “Bình quân mỗi sào dưa lê, trừ chi phí chúng tôi thu về khoảng trên dưới 7 triệu đồng tiền lãi”. So sánh với trồng lúa ông khẳng định, “lãi hơn nhiều, khoảng gấp 4, 5 lần”. Trong đó, nếu các hộ gia đình chịu khó đầu tư tiền làm giàn, ước tính thu nhập của dưa giàn cao hơn trồng cây bò mặt ruộng khoảng 1 triệu đồng/sào. Mặc dù thu hoạch rộ vào tháng 5 nhưng trong tháng 6, nông dân Nam Dương vẫn có thể thu hoạch “vớt” trên những ruộng dưa lê thêm 1 tháng nữa. Lý do là khi đó dưới những chánh của cây dưa vẫn còn sót lại hoa có thể ra lứa quả cuối. Do nghề trồng dưa ở Nam Dương phát triển nên hiện trong xã cũng hình thành khá nhiều các đại lý thu mưa dưa. Cả xã có khoảng 8 đại lý thu mua dưa lớn. Các loại dưa ở đây sau khi được thu gom sẽ được phân loại và đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong xã nhiều nhà có diện tích trồng dưa khá lớn như các hộ gia đình ông Vũ Văn Dương, Vũ Văn Giống, Vũ Văn Năm, xóm 1, Bái Dương. Ngoài cánh đồng dưa lê Bái Dương, Nam Dương còn có các cánh đồng dưa rộng lớn ở các xóm khác như: Làng Vọc, làng Giữa, làng Đầm… Tuy nhiên, trên tổng diện tích trồng dưa của cả xã thì diện tích dành cho giống dưa hồng chỉ chiếm khoảng 1/10. Lý do là bởi mặc dù có năng suất vượt trội nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên người nông dân không mặn mà với giống dưa này. Có thể nói, với việc đưa giống dưa lê vào trồng trên đồng đất là một thành công lớn của những nông dân Nam Dương khi chuyển từ mô hình đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây màu hiệu quả cao. Ngoài ra, với thời gian sinh trưởng, phát triển của cây dưa chỉ mất khoảng 50-60 ngày nên vẫn đảm bảo thời vụ sản xuất vụ đông. Trồng dưa lê ở vụ xuân hè, thậm chí bà con nông dân còn có thể tận dụng được luống để trồng rau hoặc cà chua cho vụ đông mà không cần cuốc, xới lại.

Những người trồng dưa ở Nam Dương tự hào nói với chúng tôi, giống dưa lê này đặc biệt hợp với đồng đất, thổ nhưỡng của xã luôn cho chất lượng, “độ” ngọt cao. Vì thế, tương lai cho đầu ra sản phẩm dưa lê của xã tương đối rộng mở. Từ hiệu quả của mô hình, trong những năm tới, chắc chắn bà con nông dân Nam Dương sẽ duy trì và tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa lê. Rời Nam Dương giữa trưa nắng, trên những cánh đồng dưa bạt ngàn xanh tốt, những bóng lưng lom khom vẫn còn cần mẫn, miết mải trên cánh đồng để tỉa ngọn, thu hoạch dưa. “Làm nghề nông, chúng tôi đâu sợ vất vả. Với cả, vất vả mà được mùa, được giá thì vẫn vui, vẫn ham”, ông Đấu cười hiền lành. Chúng tôi cũng như họ, luôn hy vọng vào những vụ mùa được mùa, được giá cho bà con đỡ khó nhọc, bù đắp công “một nắng hai sương”./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com