Trực Ninh phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn

09:05, 24/05/2016
Huyện Trực Ninh nằm ở vị trí “cửa ngõ” tiếp giáp với 3 huyện phía nam, có hệ thống giao thông thuận lợi (Quốc lộ 21 và Tỉnh lộ 490C chạy qua địa bàn). Toàn huyện có 3 CCN tập trung là Cổ Lễ, Cát Thành, Trực Hùng và có các làng nghề dệt, mộc mỹ nghệ, thêu ren… hoạt động ổn định, thu hút hàng nghìn lao động nông thôn như: các làng dệt, tằm tơ Dịch Diệp, xã Trực Chính, Nhị Nương, Cự Trữ, Phú Ninh, Trung Khê của xã Phương Định, các làng nghề mộc mỹ nghệ: Mộc Kênh, Thị trấn Cổ Lễ, Trung Đông… Đó là những điều kiện thuận lợi để huyện Trực Ninh định hướng và tập trung phát triển dệt may, cơ khí, chế biến gỗ… trở thành các ngành công nghiệp mũi nhọn. 
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Thực hiện chủ trương phát triển đa dạng các ngành công nghiệp mũi nhọn, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND huyện tập trung chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh các dự án phát triển hạ tầng giao thông của Trung ương, của tỉnh nằm trên địa bàn, đồng thời tranh thủ huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Phối hợp với ngành Điện hoàn thành xây dựng Trạm biến áp 110kV và cải tạo lưới điện nông thôn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khi gia tăng sản xuất CN-TTCN. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, tạo môi trường thân thiện và thực hiện cải cách hành chính để nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức các hội nghị gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để tìm hiểu, lắng nghe và trao đổi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo mối quan hệ gắn bó giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương. Chủ động quy hoạch và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN. Trên địa bàn huyện có 3 CCN tập trung là: Cổ Lễ, Cát Thành và Trực Hùng, trong đó CCN Thị trấn Cổ Lễ có tổng diện tích gần 10ha, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là gần 14 tỷ đồng; CCN Trực Hùng có tổng diện tích trên 12,8ha, tổng vốn đầu tư xây dựng là 13,3 tỷ đồng; CCN Thị trấn Cát Thành có tổng diện tích 26ha, tổng vốn đầu tư xây dựng là 20,8 tỷ đồng. CCN Cổ Lễ hiện có 19 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: tái chế phôi thép, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), dệt, may công nghiệp… với tổng mức đầu tư trên 55,2 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào CCN Cổ Lễ hiện đang sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động. CCN Trực Hùng hiện đã có 16 dự án đầu tư sản xuất các ngành nghề: cơ khí, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, kéo sợi PE, sản xuất VLXD, sản xuất lúa giống… với tổng mức đầu tư gần 91 tỷ đồng, thu hút trên 300 lao động tham gia. CCN Cát Thành hiện đã có 5 dự án đầu tư sản xuất các ngành nghề: đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, cơ khí… với tổng mức đầu tư trên 269,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.600 lao động. Ngoài các CCN tập trung, tất cả các xã, thị trấn đều chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn trên địa bàn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, trong đó có 6 xã với 9 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận đủ tiêu chí của Bộ NN và PTNT quy định. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, huy động sự “vào cuộc” quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn huyện đã có 254 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh CN-TTCN đang hoạt động; một số lĩnh vực công nghiệp đã có sự bứt phá rõ rệt, khẳng định tiềm năng phát triển trở thành các ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất CN-TTCN của huyện như: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ… Nghề dệt truyền thống phát triển mạnh, ổn định ở các xã Trực Chính, Phương Định. Toàn xã Trực Chính có trên 500 khung dệt, 4 HTX dệt gồm: Vạn Diệp, Bình Định, Hoàng Anh và Đức Ân với trên 400 thành viên, hàng trăm hộ nhận gia công, giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động trực tiếp. Nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình hợp đồng gia công sản phẩm khăn bông, khăn màn, gạc cho Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Về công nghệ, các cơ sở sản xuất, hộ nghề trong xã đã đầu tư máy dệt bán tự động, thay thế khung dệt cũ khổ hẹp sang khung khổ rộng với tốc độ dệt nhanh, tăng năng suất từ 6kg lên 20kg sợi/ngày/máy, bảo đảm chất lượng sản phẩm đều, đẹp. Cùng với sự phát triển của các làng nghề dệt truyền thống, trên địa bàn huyện còn phát triển được 22 doanh nghiệp, cơ sở dệt may tập trung giải quyết việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động. Trong đó có nhiều doanh nghiệp may công nghiệp mới như: Cty CP May I (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đầu tư về xã Trực Hưng; HTX Dệt Thịnh Hưng, Cty TNHH T&C, Doanh nghiệp tư nhân Lương Anh, Cty CP Dệt may Vĩnh Giang đầu tư tại Thị trấn Cổ Lễ; Cty CP May 9 (Tổng Cty May Nhà Bè) đầu tư trên 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Trực Phú… Cty TNHH T&C đầu tư trên 6 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại CCN Cổ Lễ với 5 chuyền may, năng lực sản xuất trên 80 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho trên 230 lao động. HTX CP Dệt may Thịnh Hưng hiện có trên 150 máy dệt công nghiệp với năng lực sản xuất trên 50 nghìn mét vải, khoảng 150 nghìn chiếc khăn các loại. Các doanh nghiệp may công nghiệp và các làng nghề dệt truyền thống hoạt động ổn định đã góp phần quan trọng nâng tổng doanh thu dệt may toàn huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh các dự án đầu tư trong nước, huyện Trực Ninh cũng đã bước đầu thành công trong thu hút được những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp như: Cty TNHH Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Đông; Cty TNHH AMARA Việt Nam đầu tư trên 540 tỷ đồng tại Thị trấn Cổ Lễ… Sản xuất VLXD cũng là ngành có thế mạnh của huyện với 4 dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò tuy-nen; 1 dây chuyền sản xuất gạch không nung… với tổng sản lượng gần 180 triệu viên/năm. Dây chuyền sản xuất VLXD của các Cty: TNHH Phan Quân công suất 7 triệu viên/năm đầu tư ở CCN Thị trấn Cổ Lễ; Cty CP Sản xuất VLXD Minh Trang đầu tư trên 54 tỷ đồng xây dựng 1 dây chuyền sản xuất VLXD theo công nghệ lò tuy-nen, công suất thiết kế 12 triệu viên/năm trên tổng diện tích 3ha tại xã Trực Thanh… đã chính thức hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho gần 150 lao động. Các ngành công nghiệp khác như: chế biến gỗ phát triển mạnh ở nhiều địa phương, đã có 2 làng nghề chế biến gỗ: Mộc Kênh, Trung Đông đã được UBND tỉnh công nhận đủ các tiêu chí làng nghề theo quy định của Bộ NN và PTNT. Tại các xã Trực Hùng, Việt Hùng… nghề cơ khí với mũi nhọn là sửa chữa, đóng mới các phương tiện vận tải thủy cũng có bước phục hồi và phát triển. Nhờ sự phát triển mạnh của các ngành công nghiệp mũi nhọn, 4 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh ước đạt 1.089 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, huyện Trực Ninh chú trọng tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất CN-TTCN: khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất CN-TTCN hiện có; xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống và thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị đầu tư lớn. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; quy hoạch và phát triển hệ thống trung tâm thương mại, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn; khai thác tốt lợi thế để phát triển dịch vụ vận tải đường bộ, đường sông đảm bảo tiện lợi, thông suốt. Sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, đồng thời chú trọng phát triển các nguồn thu, phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao, tạo nguồn tái đầu tư cho phát triển. Phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2016 đạt trên 3.623 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 565 tỷ đồng./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com