Xác định tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách, vì vậy Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ TK và VV bảo đảm luôn ổn định, nề nếp, tạo điều kiện cho việc chuyển tải các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, thuận tiện và quản lý bảo toàn tốt nguồn vốn của Nhà nước.
Qua kiểm tra đánh giá chất lượng tín dụng ủy thác của các tổ TK và VV thời gian qua cho thấy kết quả chưa đồng đều, một số nơi chưa thật sự ổn định, bền vững; công tác đôn đốc nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn đọng chưa được một số tổ trưởng tổ TK và VV chú trọng, chưa thông báo nợ kịp thời cho hộ vay; chưa tích cực đôn đốc khi có nợ quá hạn phát sinh dẫn đến nợ quá hạn thường xuyên phát sinh tăng, tỷ lệ nợ quá hạn cao. Kết quả kiểm tra đến 31-12-2015 có 111 tổ TK và VV có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%, chiếm 3,1% số tổ TK và VV. Ở một số địa phương năng lực hoạt động của tổ TK và VV yếu, quy mô nhỏ lẻ. Hết năm 2015 có 270 tổ có dưới 20 thành viên (tỷ lệ 7,4%). Công tác huy động tiết kiệm ở một số tổ vẫn chưa thực sự được quan tâm, chưa tích cực tuyên truyền hộ vay tham gia tiết kiệm đều hằng tháng nên việc huy động tiền tiết kiệm hằng tháng thấp, chưa mang tính bền vững. Hiện vẫn còn 401 tổ mà tỷ lệ thành viên có số dư tiền gửi dưới 70% (chiếm 11%), 44 tổ không có phát sinh tiền gửi từ đầu năm đến nay (chiếm 1,3%). Một số tổ trưởng tổ TK và VV trách nhiệm chưa cao, sau khi nộp lãi không ở lại chứng kiến việc giải ngân, không tham gia giao ban với ngân hàng; vẫn còn nhiều tổ trưởng tổ TK và VV chưa mở sổ ghi chép nội dung giao ban để nắm bắt, phổ biến những chế độ, chính sách mới đến tổ viên. Trình độ năng lực quản lý vốn vay của một số tổ trưởng tổ TK và VV còn hạn chế, hồ sơ sổ sách lưu giữ chưa đầy đủ, chưa khoa học, chưa tổ chức sinh hoạt tổ định kỳ theo quy ước hoạt động; một số tổ trưởng tổ TK và VV còn nể nang, chưa thực hiện tốt hợp đồng ủy nhiệm đã ký với ngân hàng: làm hộ hồ sơ cho hộ vay, thu nợ gốc, giữ sổ vay vốn của hộ vay, thu lãi, tiết kiệm không trả biên lai cho hộ vay, còn kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau ở địa phương nên chưa thật sự quan tâm đến trách nhiệm quản lý tổ. Công tác tuyên truyền chính sách, chế độ, giải thích, giáo dục ý thức trả nợ, trả lãi, sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích cho hộ vay còn hạn chế...
|
Cán bộ tổ TK và VV đội 1, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) thường xuyên đôn đốc thu hồi nợ đến hạn của các hộ vay. |
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động của các tổ TK và VV, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát, sáp nhập các tổ có số thành viên thấp để nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới tổ TK và VV. Theo đó, trong năm 2015 đã tổ chức sáp nhập được 120 tổ có số thành viên thấp, 3 tháng đầu năm 2016 đã sáp nhập được 8 tổ. Đồng thời tiến hành bổ sung nguồn vốn cho các tổ hoạt động tốt, còn hộ có nhu cầu vay vốn, do vậy đã giảm trên 500 tổ TK và VV có dưới 20 tổ viên so với cuối năm 2014. Hằng tháng thực hiện chấm điểm, đánh giá chất lượng hoạt động ủy nhiệm của tổ TK và VV trên cơ sở kết quả thực hiện các nghiệp vụ ủy nhiệm. Nhờ đó đã giúp Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố kiểm soát tốt hoạt động của tổ TK và VV, chủ động và kịp thời phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện các biện pháp củng cố, kiện toàn các tổ yếu kém, trung bình. Đồng thời, Ngân hàng và các hội, đoàn thể cử cán bộ tham gia sinh hoạt cùng tổ TK và VV tăng cường công tác tuyên truyền. Trong năm 2015 đã tham dự họp với 557 tổ TK và VV ở các xã, phường, thị trấn; qua đó phổ biến, giải đáp các thắc mắc của người dân giúp cho các hộ vay vốn nắm vững được các chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó việc triển khai các chính sách tín dụng được nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo thực hiện đúng quy định và nâng cao vai trò giám sát của người dân. Đến hết tháng 2-2016, toàn tỉnh có 3.622 tổ TK và VV, số thành viên trong tổ đạt bình quân 29 hộ/tổ, dư nợ bình quân 603 triệu đồng/tổ, so với đầu năm số dư nợ tăng 2 triệu đồng/tổ. Trong đó có 3.319 tổ tốt, đạt tỷ lệ 91,6%, 253 tổ khá (tỷ lệ 6,9%), 30 tổ trung bình (tỷ lệ 0,8%), 20 tổ yếu (tỷ lệ 0,5%). Ban quản lý tổ TK và VV thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ và phổ biến các chủ trương, chính sách, các văn bản nghiệp vụ mới cho tổ viên. Tổ chức ký nghị quyết liên tịch về huy động tiền gửi của tổ viên tổ TK và VV và chỉ đạo triển khai tích cực, bài bản, góp phần đưa việc tham gia gửi tiền tiết kiệm của tổ viên hằng tháng của các tổ TK và VV đi vào nề nếp, mức tăng trưởng huy động tiền gửi của tổ viên bình quân hằng tháng đạt trên 1 tỷ đồng. Đến hết tháng 2-2016 đã có 3.616/3.622 tổ, chiếm 99,8% tổng số tổ TK và VV với 105.937 tổ viên tham gia gửi tiền qua tổ, chiếm 98% tổng số tổ viên, số dư huy động đạt 47,8 tỷ đồng, tăng 2,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 24% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, các tổ chức hội phối hợp với Ngân hàng CSXH chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Tham mưu cho trưởng ban giảm nghèo địa phương báo cáo tình hình hoạt động của các tổ TK và VV trên địa bàn để chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, sai sót; củng cố, kiện toàn các tổ TK và VV hoạt động yếu kém, ban quản lý tổ chưa tích cực. Chỉ đạo các tổ TK và VV thực hiện tốt các nội dung hợp đồng ủy nhiệm đã ký với ngân hàng, khắc phục dứt điểm những tồn tại sau kiểm tra; tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng... Hằng tháng, cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn thực hiện nghiêm túc việc chấm điểm, xếp loại chất lượng tổ TK và VV, phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác xã thực hiện củng cố, kiện toàn những tổ có kết quả xếp loại yếu kém, trung bình. Làm tốt công tác huy động vốn, giao chỉ tiêu tiền gửi của tổ viên cho từng tổ TK và VV, từng hội, đoàn thể để giúp người nghèo có thói quen thực hành tiết kiệm, nhất là những hộ nghèo vay vốn chương trình nhà ở. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, ngay từ đầu năm hội cấp tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể đến từng xã, tổ TK và VV. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, phối hợp với hội, đoàn thể tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, tổ trưởng tổ TK và VV, trưởng ban xóa đói giảm nghèo các cấp và trưởng thôn làm tốt các công đoạn ủy thác và thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động tín dụng chính sách. Tiếp tục thực hiện đối chiếu nợ, số dư tiền gửi và phân tích nợ trực tiếp đến khách hàng. Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tín dụng CSXH, đặc biệt những chủ trương, chính sách mới của Chính phủ để người dân hiểu đúng và làm đúng ngay khi bình xét cho vay, khi giải ngân và khi sinh hoạt tổ.
Bằng những biện pháp tích cực nhằm đưa hoạt động của các tổ TK và VV ngày càng đi vào nền nếp, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động của Ngân hàng CSXH, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước./.
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại