Đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm vụ xuân 2016

08:04, 04/04/2016
Những diễn biến phức tạp của thời tiết vụ xuân năm nay như rét đậm, mưa ẩm kéo dài là nguyên nhân phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, dịch tả lợn, bệnh chó dại… Do vậy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
 
UBND tỉnh đã cấp kinh phí mua vắc-xin dịch tả cho đàn lợn và vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê. Chi cục Thú y tỉnh đã chuẩn bị 327.785 liều vắc-xin dịch tả lợn; 30.040 liều vắc-xin lở mồm long móng tuýp O gia súc; 35.200 liều vắc-xin dại; 35.200 liều tụ huyết trùng lợn; 600 xi-lanh loại 20cc; 7.560 kim tiêm và cung ứng kịp thời đảm bảo số lượng, chất lượng cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng về quy trình sử dụng vắc-xin, bao gồm các khâu bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm… UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể và chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai tiêm phòng nhanh gọn, đúng thời gian, đồng loạt, phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Các xã, thị trấn giao trưởng thôn, xóm thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi... Tính đến ngày 28-3-2016, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho 270.173 con lợn, đạt 73% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho 19.940 con trâu, bò, dê, đạt 60,8%; tiêm vắc-xin dại cho 17.886 con chó, đạt 13,8%. Huyện Hải Hậu đã tiêm phòng xong cho đàn gia súc; các huyện Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Ý Yên đã cơ bản tiêm xong vắc-xin cho đàn lợn, trâu, bò. Riêng huyện Nghĩa Hưng vẫn chưa tiêm vắc-xin dại cho đàn chó. Ngoài ra, nhiều trang trại, gia trại đã chủ động mua vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn và bệnh suyễn lợn; các bệnh Niu-cát-sơn, tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt, Gumboro, đậu gà... về tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Tiêm phòng vắc-xin dịch tả cho đàn lợn tại xã Hải Đông (Hải Hậu).
Tiêm phòng vắc-xin dịch tả cho đàn lợn tại xã Hải Đông (Hải Hậu).
Công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân năm nay được một số xã, thị trấn thực hiện nhanh, gọn và đạt kết quả cao hơn so với các năm trước là do tỉnh hỗ trợ vắc-xin dịch tả lợn, vắc-xin lở mồm long móng trâu, bò. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp từ tỉnh xuống huyện và một số xã, thị trấn đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng. Tuy nhiên hiện nay, công tác tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cũng gặp khó khăn: Do thời tiết tháng 3 không thuận lợi, việc gieo cấy, chăm bón lúa xuân năm nay diễn ra muộn nên từ ngày 9 và 10-3 các địa phương mới bắt đầu tiêm (trong khi kế hoạch của tỉnh bắt đầu tiêm từ ngày 1-3 và kết thúc ngày 1-4). Đồng chí Trần Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (Nam Trực) cho biết: Xã bắt đầu triển khai tiêm đồng loạt từ ngày 10-3 đến 10-4. Do địa hình rộng nên xã áp dụng phương thức cán bộ thú y đi đến xóm nào là tiêm cả đàn lợn, trâu, bò, chó. Đợt tiêm phòng này trùng hợp với thời điểm chăm bón lúa nên chúng tôi phải bố trí cán bộ thú y tiêm vào buổi trưa, là thời điểm người dân ở nhà. Khó khăn trong đợt tiêm phòng ở Nghĩa An hiện nay là chỉ tổ chức được một “mũi” đi tiêm. Ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng Thú y xã Nghĩa An cho biết: Mỗi vụ tiêm phòng một mình ông lại phải gồng mình đi tiêm cho đàn lợn, trâu, bò, chó ở cả 24 xóm; ngày mưa cũng như ngày nắng, không bỏ buổi nào may ra mới kịp tiến độ. Không chỉ ở Nghĩa An, hiện nay ở nhiều xã, thị trấn trong tỉnh, lực lượng cán bộ thú y cơ sở còn quá mỏng. Mặc dù theo quy định mỗi xã phải có 3-4 cán bộ thú y nhưng khi huy động, nhiều xã không có người đi tiêm do không có phụ cấp hằng tháng nên giữa thú y viên và chính quyền không có sự ràng buộc. Xã Hải Đông là một trong những địa phương phát triển chăn nuôi lớn nhất của huyện Hải Hậu. Bên cạnh nhiều hộ chăn nuôi lớn có nhận thức tiêm phòng là biện pháp quan trọng trong phát triển chăn nuôi thì nhận thức của một số hộ dân vẫn còn hạn chế. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền xã thành lập 3 “mũi” đi tiêm; trong đó thành phần mỗi “mũi” gồm xóm trưởng, cán bộ thú y và đại diện các đoàn thể tăng cường. Về kế hoạch, từ ngày 5 đến 14-3 tiêm cho đàn lợn; từ ngày 15 đến 18-3 tiêm cho đàn chó và ngày 19-3 tiêm cho đàn trâu, bò. Đến nay, xã hoàn thành tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho 2.100 con lợn, 325 con chó và 50 con trâu, bò. Tuy nhiên khi được hỏi về tiền trợ cấp tiêm, ông Nguyễn Tiến Cử, Trưởng Thú y xã cho biết: Xã không có hỗ trợ gì cho thú y viên mà chỉ huy động thú y viên tiêm con nào được trả công con ấy. Trừ chi phí về dụng cụ như: bông, cồn, kim tiêm, xi-lanh…, người tiêm chỉ được hưởng khoảng 800 đồng/con. Nếu mỗi ngày một người tiêm được 100-120 con, trừ chi phí xăng xe thì công cũng chả được bao nhiêu (!). Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn và chính quyền cơ sở một số xã, thị trấn còn lơ là, chưa thật sự quan tâm phòng, chống dịch bệnh nên công tác tiêm phòng vắc-xin không được chỉ đạo quyết liệt. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một bộ phận những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên thường chỉ tiêm vắc-xin cho vật nuôi khi dịch đã xảy ra. Vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng không tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và thời điểm cần tiêm, dịch bệnh khi đã xuất hiện rất dễ lây lan ra diện rộng. Hiện nay, bệnh dại trên đàn chó đang có nguy cơ quay trở lại nhưng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại rất thấp, mới chỉ đạt 13,8% kế hoạch.
 
Hiện Chi cục Thú y tỉnh đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương đã hoàn thành công tác tiêm phòng rà soát tỷ lệ, tiếp tục tiêm bổ sung cho số gia súc, gia cầm mới phát sinh và những con chưa được tiêm phòng trong đợt chính vụ. Các địa phương còn lại đẩy nhanh tiến độ tiêm để hoàn thành kế hoạch UBND tỉnh giao nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi bền vững./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com