Thời gian qua, Hội CCB huyện Mỹ Lộc đã có nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
|
Mô hình trang trại của gia đình CCB Đặng Hữu Tuyến ở xã Mỹ Thắng. |
Hội CCB huyện Mỹ Lộc có 4.107 hội viên sinh hoạt ở 136 chi hội. Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội CCB huyện đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên về chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất. Các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện nhận ủy thác cho hội viên vay vốn với số dư hơn 8 tỷ đồng cho 485 hộ vay. Bên cạnh đó, nguồn quỹ Hội do hội viên đóng góp và huy động được với số tiền gần 12 tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay đã giải quyết được việc làm cho các lao động địa phương có thu nhập ổn định. Từ sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện do CCB làm chủ đã xuất hiện và đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, các cán bộ, hội viên đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tiêu biểu như CCB Đặng Hữu Tuyến, xã Mỹ Thắng là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Nhập ngũ tháng 7-1980 ở đặc khu Quảng Ninh, tháng 6-1985, ông xuất ngũ về địa phương tham gia phát triển kinh tế. Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông đã quyết tâm xây dựng kinh tế gia đình ngay trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2004, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, ông đã dồn mảnh đất của gia đình, họ hàng lại thành một khu tập trung với diện tích hơn 2 mẫu để phát triển kinh tế trang trại. Những ngày đầu thành lập trang trại, ông đã gặp rất nhiều khó khăn về vốn, được sự giúp đỡ của Hội CCB xã, ông đã được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng NN và PTNT huyện để đầu tư vào đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc gia cầm. Hiện, gia đình ông có 3 sào ao chuyên thả các loại cá truyền thống và chăn nuôi lợn, nuôi gà đẻ trứng… mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Kinh tế phát triển, ông có thêm nguồn vốn tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả xen lẫn hoa màu. Bên cạnh đó, ông còn tiếp tục học cách trồng hoa địa lan để mở rộng thêm hình thức phát triển kinh tế. Hay CCB Trần Văn Túy, xóm Thịnh, xã Mỹ Thắng nhập ngũ năm 1981 làm nhiệm vụ thông tin liên lạc ở khu vực phía Bắc, đến năm 1990 ông xuất ngũ về địa phương. Vốn sinh ra ở làng nghề, ông đã mạnh dạn học hỏi những người đi trước về may mặc và tái chế bông vải sợi. Với diện tích 1.500m
2, ông đã vay vốn từ các nguồn ngân hàng thông qua kênh Hội CCB với số tiền hàng tỷ đồng để đầu tư mua máy móc, trang thiết bị phục vụ nghề sản xuất tái chế bông vải sợi. Hiện tại, ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương trong đó có cả CCB và con của các CCB, cựu quân nhân với mức thu nhập từ 2,1-7 triệu đồng/người/tháng… Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Trần Văn Túy còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các hộ gia đình sản xuất trong xã, tận tình chỉ bảo và cung cấp những thông tin cần thiết về tái chế bông vải sợi… Từ nguồn vốn của Hội, các hội viên đã sử dụng đồng vốn có hiệu quả đúng mục đích như: đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thành lập trang trại, gia trại. Đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 32 trang trại, 55 gia trại, 1 Cty, 4 doanh nghiệp do CCB, cựu quân nhân làm chủ. Nhiều CCB đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh khá, giỏi đem lại hiệu quả kinh tế cao như CCB các xã: Mỹ Thắng, Mỹ Phúc, Mỹ Tiến… Ngoài ra, các cấp Hội CCB trong huyện đã vận động hội viên tích cực hưởng ứng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Quỹ vòng tay đồng đội”… giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, Hội CCB huyện đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức mừng thọ, thăm hỏi hội viên ốm đau, tổ chức tang lễ, viếng tiễn đưa hội viên từ trần với tổng số tiền hơn 48 triệu đồng, tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách với số tiền 200 triệu đồng, ủng hộ quỹ nhân đạo 50,6 triệu đồng, tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ 70 triệu đồng… Đồng chí Trần Ngọc Phách, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Từ phong trào giúp nhau làm kinh tế, CCB huyện Mỹ Lộc đã có nhiều cách làm khác nhau, thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của hội viên đưa cuộc sống hộ gia đình ngày một nâng lên. Qua phong trào, các chi hội, hội viên CCB đã nhận thức rõ hơn vai trò, hiệu quả của việc giúp nhau phát triển kinh tế, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của Hội CCB, là tiêu chí trong phong trào thi đua CCB gương mẫu. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu biết vượt qua mọi hoàn cảnh vươn lên làm giàu chính đáng, cải thiện cuộc sống trở thành tấm gương cho nhiều hội viên noi theo. Qua đó, đời sống của hội viên được nâng lên, góp phần đưa tỷ lệ hộ CCB nghèo của huyện giảm xuống 0,65%, số hộ CCB khá, giàu đạt 1.554 hộ, chiếm 39,36%.
Thời gian tới, các cấp Hội CCB tiếp tục triển khai nhiệm vụ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho các hộ cận nghèo có điều kiện tham gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, đẩy mạnh các phương án sản xuất, kinh doanh ngày càng có hiệu quả trên địa bàn huyện, giúp hội viên làm giàu cho bản thân, cho quê hương và cùng với các tầng lớp nhân dân trong huyện chung tay góp sức xây dựng NTM./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh