Tuổi trẻ thị trấn Nam Giang phát triển kinh tế từ nghề cơ khí

09:03, 07/03/2016
Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) là địa phương có thế mạnh phát triển nghề cơ khí từ lâu đời. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Nam Giang vẫn tiếp tục theo nghề truyền thống, trong đó thanh niên chiếm số lượng khá đông. Với trên 2.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đang sinh hoạt tại 23 chi đoàn, trên 50% thanh niên của xã vẫn đang gắn bó với nghề, trong đó nhiều người đã trở thành các chủ xưởng, giám đốc Cty TNHH cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm; qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương, giữ lửa cho làng nghề. 
 
Từ năm 2003, khi mới 20 tuổi, anh Dương Văn Bình, tổ dân phố số 13, làng Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang đã mở được xưởng sản xuất cơ khí riêng với diện tích 70m 2, tạo việc làm cho 4 lao động trẻ khác. Nối nghiệp nhà 3 đời làm cơ khí, ngay khi còn nhỏ, anh Bình đã được làm quen với bếp lò, các công đoạn sản xuất cơ khí, biết phân biệt đâu là các loại ốc dùng cho xe đạp, xe máy… Xác định sẽ theo nghề ông cha để lại, học xong THPT, anh Bình bắt tay ngay vào làm cơ khí. Khởi đầu, anh “làm công” cho bố mẹ, thỉnh thoảng nhận thêm các đơn hàng của anh em, người quen về làm thêm. Một thời gian sau khi đã học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, tích lũy vốn liếng, anh tự đứng ra mở xưởng. “Như mọi thanh niên làng nghề khác, ước mơ của chúng tôi là mở được những cơ sở sản xuất riêng, trước hết để nâng cao khả năng kinh tế cho bản thân, sau đó là để khẳng định mình. Thời gian đầu mới mở xưởng, tôi gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm sản xuất chưa nhiều, khách hàng chủ yếu dựa vào các mối quen của gia đình trước đây. Hơn nữa, khi biết tôi trực tiếp nhận hàng sản xuất không phải ai cũng tin tôi ngay, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là thiếu vốn. Để giải quyết khâu cơ bản này, tôi phải tìm mọi nguồn có thể huy động được như gia đình, anh em, bạn bè, ngân hàng”… anh Bình chia sẻ. Từng bước giải quyết, khắc phục những khó khăn của bản thân, anh Bình giờ đã thành ông chủ của 1 xưởng sản xuất cơ khí với diện tích 500m 2, tạo việc làm cho 10 lao động, chủ yếu trong độ tuổi thanh niên với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Trung bình hằng tháng, cơ sở sản xuất của anh Bình nhập khoảng 10 tấn sắt, xuất ra thị trường cả nước từ 30-40 nghìn các loại phụ tùng xe đạp, xe máy. Hằng năm, trừ phí anh Bình thu về từ 200-300 triệu đồng/năm.
Sản xuất cơ khí tại Cty TNHH Cơ khí Đại Linh của anh Nguyễn Đại Linh, CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang.
Sản xuất cơ khí tại Cty TNHH Cơ khí Đại Linh của anh Nguyễn Đại Linh, CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang.
Sinh ra từ làng nghề, cũng như anh Bình, Nguyễn Đại Linh, CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang có ông, bà, bố mẹ đều làm nghề cơ khí. Năm 2008, tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, nhưng Linh sớm xác định, muốn làm giàu, phát triển kinh tế gia đình chỉ có thể bắt đầu từ nghề cơ khí. Nghĩ là làm, học xong đại học Linh lao vào làm “công nhân học nghề” từ xưởng của gia đình. Thời gian học nghề 3 năm đủ để Linh tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm, vốn liếng cần thiết chuẩn bị cho “đường dài” sau này của mình. Đến năm 2011, Linh quyết định lập Cty TNHH Cơ khí Đại Linh chuyên sản xuất bu lông, ốc vít dùng cho ngành giao thông, điện… với sự hỗ trợ giúp đỡ từ gia đình. “Nói là Cty chứ lúc này quy mô còn khá nhỏ, nhà xưởng của tôi chỉ rộng 200m2 với 5-7 lao động. Tuy nhiên tôi không nản lòng vì đã xác định, ai ban đầu lập nghiệp chẳng gặp khó khăn. Quan trọng mình có hướng đi đúng đắn, có tay nghề và tìm được thị trường” - Linh cho biết. Từ năm 2011 đến nay, nhờ nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, sản phẩm đạt chất lượng, Cty của Linh làm ăn ngày càng hiệu quả. Từ 200m2 diện tích ban đầu, đến nay Cty của Linh đã được mở rộng lên trên 1.500m2 với 2 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho 15 lao động, mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Hằng tháng anh nhập về 30-40 tấn sắt, sản xuất ra khoảng 25 tấn sản phẩm, doanh thu hằng năm đạt 3-5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi từ 300-500 triệu đồng/năm. Hiện nay, Thị trấn Nam Giang có khoảng trên 1.000 thanh niên đang tập trung phát triển kinh tế từ nghề sản xuất cơ khí truyền thống, tập trung tại các làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng, tổ dân phố số 4, trong đó có trên 100 thanh niên mở được xưởng sản xuất riêng, mỗi xưởng tạo việc làm cho ít nhất 3 lao động trở lên, 20 người trong độ tuổi thanh niên là giám đốc các Cty cơ khí, trung bình mỗi Cty tạo việc làm cho trên 15 lao động. Nghề cơ khí vì thế mang lại nguồn thu nhập ổn định cho lao động thanh niên địa phương, khắc phục được tình trạng thanh niên đi làm ăn xa. Theo ước tính, thu nhập của thợ cơ khí hằng tháng đạt từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Những người là chủ các xưởng hoặc Cty sản xuất cơ khí có thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm... 
 
Anh Cao Văn Dũng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Thị trấn Nam Giang cho biết: “Nhằm tập hợp thanh niên ở lại duy trì và phát triển nghề truyền thống, giúp thanh niên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương luôn là bài toán khó và là vấn đề mà các cấp bộ Đoàn trăn trở, đi tìm lời giải”. Từ việc khảo sát tình hình thực tế của ĐVTN tại địa phương, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của thanh niên, tổ chức Đoàn thị trấn đã mạnh dạn đề xuất với cấp ủy Đảng, phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, đồng thời phối hợp với các kênh Ngân hàng CSXH, Quỹ TYM, Ngân hàng NN và PTNT… chủ động giải ngân nguồn vốn vay cho các hộ gia đình thanh niên đang sản xuất, kinh doanh nghề cơ khí; từ đó thu hút, tập hợp thanh niên duy trì và phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên thị trấn còn thành lập CLB “Thanh niên làng Đồng Côi” để tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tham quan, học tập các mô hình sản xuất cơ khí hay, hiệu quả trong và ngoài tỉnh; giới thiệu, mở rộng thị trường… Từ đó đã giúp nhiều thanh niên quyết tâm gắn bó với nghề, đưa cơ khí Nam Giang trở thành địa chỉ tin cậy trong và ngoài tỉnh.
 
Bằng sức trẻ, tinh thần dám nghĩ dám làm, thanh niên Nam Giang đã và đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình; góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, ổn định xã hội của địa phương./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com