Xác định cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những hướng ưu tiên nên thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) Bắc Nam Định luôn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa nguồn vốn tín dụng đến với nông dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM của các địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Bắc Nam Định khẳng định: Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 trước đây và nay là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ra đời đã mang lại nhiều thuận lợi để bà con nông dân tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Chính vì vậy, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Chi nhánh đã tập trung xây dựng phòng đại diện tại các huyện, thành phố; chú trọng kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, đội. Đồng thời tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định thành lập Ban chỉ đạo cho vay vốn Agribank Bắc Nam Định nhằm mở rộng quy mô, đối tượng cũng như đa dạng hóa các hình thức cho vay phục vụ phát triển kinh tế trang trại, gia trại, phát triển CN và TTCN, làng nghề; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, thủy sản… Cùng với đó, Chi nhánh cũng đã có nhiều giải pháp tích cực để huy động nguồn vốn, tranh thủ nguồn vốn điều hoà từ hội sở chính và nguồn vốn uỷ thác đầu tư của các tổ chức kinh tế khác, đáp ứng vốn vay cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, tính đến hết năm 2015, Chi nhánh đã huy động được 8.874 tỷ đồng, tăng 1.741 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nội tệ đạt 8.590 tỷ đồng, tăng 1.696 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 210% so với kế hoạch Agribank Việt Nam giao. Việc huy động được nguồn lực tại chỗ đã giúp Chi nhánh đáp ứng được khá đầy đủ mọi nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân; đồng thời là cơ sở để thực hiện giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là cho vay đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục mở rộng địa bàn cho vay ra toàn tỉnh. Hết năm 2015, tổng dư nợ cho vay của Agribank Bắc Nam Định đạt 8.190 tỷ đồng, tăng 1.130 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 163% kế hoạch Agribank Việt Nam giao. Trong đó dư nợ cho hộ sản xuất, cá nhân vay đạt 7.969 tỷ đồng, chiếm gần 88% tổng dư nợ; cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 6.212 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định số 67 đóng 4 tàu cá vỏ sắt ở huyện Nghĩa Hưng và đang hoàn thiện hồ sơ cho vay đóng mới tàu cá vỏ sắt tại huyện Hải Hậu, với tổng số tiền cam kết cho vay là 68 tỷ 248 triệu đồng; cho vay theo Quyết định số 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp với dư nợ là 20 tỷ 468 triệu đồng… Có thể khẳng định, từ nguồn vốn tín dụng của Chi nhánh Agribank Bắc Nam Định mà nhiều xã, thị trấn đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng xây dựng NTM, góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương. Mặt khác, việc ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng giúp Chi nhánh từng bước khẳng định vị thế, uy tín trên địa bàn tỉnh… Có được kết quả trên là do Chi nhánh luôn chấp hành tốt các quy trình, chế độ hạch toán kế toán, công tác hậu kiểm. Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giao dịch viên theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm đáp ứng tất cả các giao dịch nhanh chóng, chính xác, tạo lợi thế trong việc cạnh tranh với các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn. Việc chấp hành chế độ, quy trình nghiệp vụ về hạch toán, quản lý ấn chỉ, hồ sơ, quản lý tài sản thế chấp của khách hàng, chế độ kho quỹ, công tác kiểm kê và định mức tồn quỹ cuối ngày tại hội sở và các chi nhánh, các phòng giao dịch đã thực hiện nghiêm túc theo quy định và chỉ đạo của Agribank Việt Nam.
|
Nguồn vốn tín dụng từ Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Bắc Nam Định giúp chính quyền và nhân dân xã Yên Ninh (Ý Yên) có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông theo tiêu chí NTM. |
Tuy vậy trong quá trình triển khai phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM của Agribank Bắc Nam Định hiện cũng còn một số khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh cho biết thêm: Việc triển khai cho vay theo Quyết định số 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp là một chủ trương lớn của Chính phủ đối với nông nghiệp, nông dân. Đối với các hộ vay ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ về mức cho vay (100%) không yêu cầu phần vốn tự có, được miễn 100% lãi suất cho vay trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3, còn được chính quyền địa phương hỗ trợ sau khi mua các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Vì vậy để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay nên chăng các cấp, ngành khi tiến hành hỗ trợ cho nông dân mua máy thay vì hỗ trợ trực tiếp có thể chuyển tiền cho đơn vị bán máy hoặc chuyển thẳng ngân hàng để trả nợ cho khách hàng, tránh trường hợp số tiền hỗ trợ của địa phương và số tiền cho vay của ngân hàng vượt quá số tiền mua máy. Đối với chương trình cho vay theo Nghị định số 67, theo quy định, các ngân hàng chỉ được cho các chủ tàu vay vốn mua một máy thủy (máy chính) là máy mới, nhưng trong thực tế để có thể hoạt động dài ngày trên biển thì mỗi tàu cá cần thêm từ 2-3 máy phát điện. Do vậy, Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam cần có hướng dẫn cho phép ngư dân được vay vốn để mua thêm máy phát điện. Hiện nay, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ chương trình này vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay và lãi suất tiền vay, do vậy việc cho vay đối tượng này cũng còn hạn chế. Ngoài ra, kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã trong tỉnh tuy có bước phát triển, nhưng vẫn khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn là do không đáp ứng được tiêu chí quy định tại Thông tư số 27/2011/TT của Bộ NN và PTNT. Đến thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh chưa hoàn thành việc xây dựng quy hoạch, đề án xây dựng NTM cũng như chưa chú trọng đến việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc thẩm định mở rộng đầu tư cho vay của các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, dư nợ cho vay xây dựng NTM chưa tương xứng với nhu cầu thực tế của địa phương. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa còn chậm cũng làm hạn chế việc người dân tiếp cận để vay vốn ngân hàng…
Nếu những hạn chế, vướng mắc trên được giải quyết, chắc chắn công tác cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM của Chi nhánh Agribank Bắc Nam Định sẽ còn có những đóng góp quan trọng hơn nữa để thúc đẩy tiến trình xây dựng tỉnh ta trở thành tỉnh NTM vào năm 2020./.
Bài và ảnh:
Văn Đại