"Tiền vào nhà khó..."

07:02, 18/02/2015

Tục ngữ nói “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Nhưng những khoản tín dụng chính sách tuy không lớn của Ngân hàng CSXH đến với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thời gian qua đã không bay vèo như “gió vào nhà trống” mà góp phần gieo hạt, ươm mầm phát triển kinh tế, sự học, mang những mùa xuân hy vọng đến với hàng nghìn gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh.

Những ngày cuối năm, chúng tôi được giới thiệu đến tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) của tổ dân phố Đặng Xá, Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) nơi có gia đình bác Đặng Đình Liên là hộ nghèo được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ kịp thời để thực hiện ước nguyện cho các con ăn học thành đạt. Không còn rầu rĩ lo lắng như nhiều năm trước mỗi khi Tết đến, xuân về bởi gia cảnh khó khăn, bác Liên phấn khởi bộc bạch: Từ năm 2000 trở về trước, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn bởi nguồn thu nhập chính chỉ trông vào mấy sào ruộng. Vì vậy, để nuôi các con ăn học hết THPT cũng đã vô cùng chật vật với cảnh “giật gấu vá vai” suốt. Năm 2000, con gái đầu Đặng Thị Hoàng Giang thi đỗ vào Trường Đại học Hành chính Quốc gia Hà Nội. “Cầm giấy báo trúng tuyển của con trên tay vợ chồng tôi “mừng ít, lo nhiều”, bởi rồi đây lấy đâu ra tiền cho con lên Hà Nội học”. Nhưng với suy nghĩ phải cho con đi học để vào đời lập nghiệp bớt nhọc nhằn vất vả hơn cha mẹ, nên dù lo lắng là thế vợ chồng bác Liên vẫn quyết tâm cho Giang nhập trường. Trong suốt thời gian Giang theo học, vợ chồng bác phải xoay xở đủ nghề: ra Thành phố Nam Định ai thuê gì làm đó, rồi vay mượn anh em họ hàng, làng xóm… Nỗ lực “co kéo” được 3 năm đầu, đến năm thứ tư thì gia đình bác Liên dường như “kiệt sức” trong việc lo tiền cho con theo học, tưởng phải bắt Giang nghỉ học giữa chừng. Đúng thời điểm khó khăn đó, gia đình bác Liên được chi Hội Phụ nữ quan tâm, động viên tham gia tổ TK và VV để có cơ hội vay vốn ưu đãi của Chính phủ đầu tư phát triển kinh tế hộ. Nhờ đó, năm 2003 gia đình bác được tổ TK và VV tổ dân phố Đặng Xá bình xét cho vay 5 triệu đồng để nuôi lợn nái. Với sự chăm chỉ, chịu khó của vợ chồng bác Liên cùng sự giúp đỡ tận tình của chi Hội Phụ nữ, mỗi năm đàn lợn nái cho 2 lứa lợn con, trừ chi phí, số tiền lãi thu được cũng tạm đủ cho các con ăn học. Các em của Giang theo gương chị cũng siêng năng, chăm chỉ học hành và quyết tâm bước chân vào đại học. Năm 2007, cậu con trai thứ hai Đặng Quốc Trung thi đỗ vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, kéo theo bao nỗi lo toan cho gia đình. Đang trong thời điểm khó khăn đó, Chính phủ có chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên (HSSV), vợ chồng bác Liên lại một lần nữa được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vượt qua khó khăn, mở ra tương lai tươi sáng cho các con. Tiếp đó năm 2009, con trai út là Đặng Văn Kiên thi đỗ vào Học viện Tài chính. Chương trình cho vay HSSV lại kịp thời “nâng cánh” ước mơ đèn sách cho Kiên. Kết thúc 2 khóa học của Trung và Kiên, tổng số tiền mà Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc đã cho gia đình bác Liên vay là 54 triệu đồng… Rồi các con lần lượt ra trường, có việc làm ổn định, hằng tháng đều gửi tiền về nhà để trả nợ Ngân hàng đúng thời hạn. Con gái lớn Đặng Thị Hoàng Giang hiện đang công tác tại Sở Nội vụ tỉnh Nam Định; Đặng Quốc Trung đang là giảng viên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Đặng Văn Kiên đang làm việc tại Cty Dịch vụ vận tải hàng không thuộc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, anh Nguyễn Văn Dương, thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, anh Nguyễn Văn Dương, thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Theo triền đê sông Hồng, chúng tôi tìm đến gia trại của chị Phạm Thị Điệp ở xóm An Ninh, xã Trực Chính (Trực Ninh). Chị đang tất bật chăm đàn lợn thịt để chuẩn bị xuất bán dịp Tết. Cái lạnh ngấm suốt dọc đường dường như biến mất, thay vào đó là cảm giác ấm áp khi trò chuyện với chị Điệp, cảm nhận niềm vui “được mùa” hiện hữu trên khuôn mặt rạng ngời của chị bởi năm nay nông sản cây trồng, con nuôi đều “được giá”, người nông dân được tăng thêm thu nhập cho chi tiêu cuối năm. Được tận mắt chứng kiến và nghe chị Điệp kể chuyện, không thể không khâm phục trước sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó để vươn lên thoát khỏi “danh sách hộ cận nghèo” của gia đình chị. Từ số vốn vay 20 triệu đồng cộng với số tiền tiết kiệm, tích cóp được, chị Điệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 50m2 chuồng trại nuôi lợn và nuôi 500 con vịt đẻ. Để bảo đảm thành công, chị đã tìm đến các trang trại chăn nuôi trong vùng học hỏi kinh nghiệm nuôi, cách phòng, điều trị bệnh và chọn mua con giống; lên Trung tâm Giống vịt Đại Xuyên (Hà Nội) để chọn mua con giống và được tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phòng dịch, nhất là dịch cúm gia cầm. Chị Điệp duy trì đàn lợn thịt 20-30 con và thực hiện nuôi gối sóng, không để chuồng trống. Đàn vịt được chăn thả đúng cách, cho ăn đầy đủ nên đẻ đều. Cứ 3 tháng chị Điệp xuất bán từ 1,2-1,5 tấn lợn hơi và hàng chục nghìn quả trứng vịt. Kinh tế gia đình đi bằng cả “hai chân” lợn và vịt nên chị có nguồn thu đều đặn, năm 2014 gia đình chị đạt doanh thu trên 100 triệu đồng. Không chỉ có điều kiện cho các con ăn học đầy đủ mà chị đã có nguồn lực để thực hiện những ước mơ, ý tưởng làm giàu từng ấp ủ. Đến nay, gia đình chị không còn trong danh sách hộ cận nghèo của xã.

Làng nghề truyền thống La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) những ngày giáp Tết thật sôi động, nhộn nhịp bởi khách đến mua hàng khá đông. Gặp anh Nguyễn Văn Dương đang tất bật hoàn thiện những món hàng cuối cùng để trả cho khách mang về kịp đón xuân mới, chúng tôi cảm nhận được rõ ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu của những người nghèo. Sinh ra ở làng quê có nghề mộc truyền thống nổi tiếng nhà nhà, người người làm giàu, thu nhập tiền triệu, tiền tỷ, nhưng vì nhà nghèo, không có tiềm lực để phát triển nghề nên anh Dương phải chịu cảnh làm công ăn lương. Như bao chàng trai khác, đến tuổi anh xây dựng gia đình riêng. “Vợ chồng son, thêm đứa con thành 4”. Có vợ, con, nhu cầu chi tiêu cho gia đình ngày càng lớn khiến gia đình anh ngày càng nghèo. Cảnh đi làm thuê lấy công không chỉ ít tiền mà cũng không có thời gian để chăm sóc gia đình, vợ chồng anh bàn bạc, nhờ hai bên gia đình nội ngoại giúp đỡ để làm nghề tại nhà. Ban đầu khi chưa có vốn, anh nhận hàng của các doanh nghiệp về gia công. Vừa rèn luyện tay nghề, vừa để ý học hỏi tích lũy kinh nghiệm làm ăn. “Thuận vợ, thuận chồng”, anh chị cũng khéo thu vén, tiết kiệm nên kinh tế gia đình đã có tích lũy. Anh quyết định tiến thêm “một bước”, tự mua nguyên liệu sản xuất hàng của riêng mình. Khách hàng đã tìm đến để đặt mua các sản phẩm do anh thiết kế và thi công. Qua nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, anh Dương tập trung sản xuất các loại tủ, bàn, ghế, kệ và sập. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, cơ sở sản xuất đồ mộc của anh ngày càng “ăn nên làm ra”, đơn đặt hàng ngày càng nhiều, đòi hỏi phải đầu tư máy móc để tăng năng lực sản xuất. Năm 2011, anh được Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, cùng với nguồn vốn tích lũy được anh chị đầu tư xây dựng gần 200m2 nhà xưởng, mua thêm máy cưa, máy vanh, dụng cụ cầm tay… Nguồn vốn vay được anh sử dụng linh hoạt, tăng vòng quay, liên tục gia tăng hạn mức vay. Năm 2014, anh tiếp tục được vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay cơ sở sản xuất của anh đã có thể sản xuất được nhiều mặt hàng khác nhau cung cấp cho khách hàng ở các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa; doanh thu cả năm ước đạt gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình anh chị giờ đã thực sự thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giàu, cảnh chật vật lo miếng cơm manh áo đã lùi xa.

Ý chí, nghị lực và quyết tâm khắc phục khó khăn cho con em học hành thành đạt, hay nỗ lực phát triển sản xuất để thoát nghèo của những hộ nghèo, hộ cận nghèo như bác Liên, chị Điệp, anh Dương… thật đáng khâm phục. Song ý chí ấy và ước mơ thoát nghèo được “hiện thực” hóa bởi sự hỗ trợ tích cực, kịp thời từ các nguồn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua hệ thống Ngân hàng CSXH. Đó chính là giá trị nhân văn lớn lao của chương trình tín dụng quan trọng này. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn vốn này, ngày 22-11-2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Để mỗi khi Tết đến Xuân về lại có thêm thật nhiều gia đình trên khắp những miền quê của tỉnh được hưởng trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc ấm no khi đất nước bước sang mùa xuân mới./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com