Càng gần sát Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân ngày càng tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, các loại hàng giả, hàng nhái được tung ra thị trường trà trộn với hàng thật đánh lừa người tiêu dùng. Liên tiếp những ngày gần đây, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với số lượng lớn khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang.
Mới đây nhất, ngày 29-1-2015, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế (Công an TP Thanh Hóa) đã phá chuyên án sản xuất mì chính giả với quy mô lớn tại số 6/85 phố Đinh Lễ, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa). Đó là cơ sở sản xuất mì chính giả do Nguyễn Thị Cẩm Hường (SN 1979) làm chủ, trong đó cơ quan chức năng đã thu giữ 80 bao tải đựng mì chính giả, trọng lượng mỗi bao nặng 25kg. Ngoài ra, còn có 18 thùng mì chính với khoảng gần 1.000 gói mì đã đóng gói hoàn thiện, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Mì chính giả được Nguyễn Thị Cẩm Hường mua về, sau đó đóng vào các bao ni lông nhỏ được in nhãn mác của các thương hiệu mì chính Miwon, Ajinomoto, A-one… Nếu nhìn bằng mắt thường thì người tiêu dùng không thể nhận biết được những gói mì chính giả, bởi hình ảnh, chữ, tên thương hiệu trên vỏ bao đều được in ấn rất sắc nét. Ngoài ra còn nhiều loại hàng hóa khác như bột nêm, bột chiên mực, dung dịch đặc dùng để nấu lẩu… không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng bị lực lượng chức năng thu giữ. Bên cạnh đó còn hàng chục bao tải lớn với trọng lượng lên tới hơn 10kg/bao ghi dòng chữ Kooker trên bao bì cũng được đối tượng mua về rồi đóng vào các túi nhỏ từ 0,5kg đến 1kg mang thương hiệu K-norr.
Trước đó nửa tháng, vào ngày 15-1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh Nam Định) phối hợp với Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã phát hiện một cơ sở sản xuất bột ngọt, mì chính giả có quy mô lớn tại ngõ 38 Yết Kiêu, xã Lộc Hoà (TP Nam Định) của đối tượng Trần Thu Hà (SN 1970). Tại cơ sở, cơ quan chức năng đã thu giữ gần 7 tấn nguyên liệu và thành phẩm với trên 200 bao mì chính loại 25kg và hạt nêm loại 10kg do Trung Quốc sản xuất. Cũng tại đây, Tổ công tác còn thu giữ nhiều cân, máy dập mép túi cùng hàng nghìn vỏ túi ni lông nhãn hiệu Miwon, Ajinomoto, A-on, K-norr loại 1kg, 454g, 100g chuẩn bị được đóng gói và đưa đi tiêu thụ. Các đối tượng khai nhận sau khi đóng gói, sản phẩm sẽ được đổ buôn tại chợ Mỹ Tho và các đại lý bánh kẹo trong tỉnh. Cũng trong ngày 15-1, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và môi trường (Bộ Công an) cùng lực lượng quản lý thị trường đã bất ngờ kiểm tra 3 căn nhà không số thuộc khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, quận 12 (TP Hồ Chí Minh), bắt giữ 43 tấn măng tươi được sản xuất, chế biến theo công thức rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Măng, hóa chất và nước, ngâm trong vòng 12 giờ, sau đó có thể lưu giữ măng tươi được suốt 2 năm theo lời chủ cơ sở khai nhận. Điều đáng chú ý là loại hóa chất dùng để ngâm măng này được đựng trong bao bì có in hình đầu lâu xương chéo bên ngoài, phần “nhãn phụ sản phẩm” tại mục biện pháp phòng ngừa có ghi: yêu cầu hỗ trợ y tế khi nuốt phải. Các chủ cơ sở khai nhận mua hóa chất trên tại chợ Kim Biên, Thành phố Hồ Chí Minh với giá 26 nghìn đồng/kg với tác dụng để giữ măng được tươi lâu, trắng, giòn và không bị mất mùi, màu sắc tự nhiên. Khi lực lượng kiểm tra thử lấy ngón tay miết vào hóa chất trắng trên đã có cảm giác ngay tức thì là nóng và rát cho thấy đây là chất tẩy cực độc!
Cùng với các loại thực phẩm phục vụ cho bữa ăn vào dịp Tết, bánh kẹo cũng là mặt hàng dễ bị làm giả, làm nhái. Theo một cán bộ quản lý thị trường thì với công nghệ làm giả hiện đại như ngày nay thì bánh kẹo Tết, nhãn hiệu nào cũng có thể bị làm giả, làm nhái và bằng mắt thường rất khó phát hiện. Ở làng bánh kẹo La phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội), hộp bánh Damisa của Cty Tân Hoàng Gia được bài trí y nguyên so với hộp bánh nhập khẩu từ Đan Mạch, trên bề mặt vỏ hộp là vương miện hoàng gia, hình ảnh bánh được in ấn vàng ươm. Ngoài ra, cách bài trí bên trong hộp bánh cũng hoàn toàn bê nguyên bản từ hộp bánh nhập khẩu. Hay sản phẩm bánh Cosy của Cty Kinh Đô, được nhái thành bánh Gosy cũng trang trí màu đỏ đặc trưng của nhãn hiệu uy tín này. Để cạnh nhau, hộp bánh nhái và hộp bánh thật rất khó phân biệt. Ngoài ra còn hàng chục nhãn hàng có tên na ná với các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường như bánh Choco. Pia nhái với nhãn hàng ChocoPie, kẹo Cheng Gum nhái với kẹo Chewing Gum nổi tiếng… Khi bánh kẹo “nhái” đưa về các tỉnh, chợ huyện, các chủ cửa hàng bán lẻ có thể đẩy lên bao nhiêu tùy thích, có nhiều nơi giá đội lên gấp 6-7 lần. Cụ thể, một thùng bánh được ghi là cao cấp, sản xuất tại La Phù chỉ có giá từ 200 nghìn đồng đến gần 300 nghìn đồng/thùng (mỗi thùng có từ 10-12 hộp bánh) có thể bán lên tới cả triệu đồng. Còn các loại kẹo dẻo đủ các thương hiệu không ai biết như Cheng, Galaxy, Many, Love Rosy, Asean, Bisou, Beemilk thì “mua theo cân, về bán theo gói”. “Thủ phủ” bánh, kẹo “nhái” ở La Phù đã đánh đúng tâm lý người tiêu dùng, nhất là bà con ở các vùng nông thôn thường ưa chuộng mẫu mã đẹp, giá thành rẻ mà ít khi để ý đến chất lượng thương hiệu hàng hoá.
Hàng giả, hàng nhái tung hoành trên thị trường đang làm người tiêu dùng hết sức lo ngại vì với công nghệ hiện đại như ngày nay thì bất cứ sản phẩm nào cũng có thể bị làm nhái một cách hết sức tinh vi, khó có thể phát hiện, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm khi bị làm giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, lời khuyên đối với người tiêu dùng là cần hết sức cảnh giác khi đi mua bán thực phẩm phục vụ cho gia đình trong dịp Tết. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi mà lực lượng quản lý thị trường chưa với tới được, các bà nội trợ nên chọn mua hàng ở những cửa hàng có uy tín, không nên mua những mặt hàng có giá rẻ “giật mình” so với mặt hàng tương tự mà “tiền mất, tật mang”./.
Hoài Phương