Tăng cường quản lý năng lực các đơn vị tư vấn xây dựng

09:01, 27/01/2015

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có khoảng 100 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng. Hằng năm, qua công tác thẩm tra, thẩm định dự toán, thiết kế kỹ thuật nhiều công trình xây dựng đều giảm tỷ lệ không nhỏ so với mức dự toán ban đầu. Năm 2014, mức giảm là 10,34% (trên 85 tỷ đồng). Một trong những nguyên nhân là chất lượng tư vấn kém dẫn đến đội dự toán. Qua thực tế hoạt động tư vấn xây dựng ở các công trình dự án thời gian qua cho thấy một số vấn đề cần quan tâm khắc phục, đó là tình trạng buông lỏng quản lý năng lực các đơn vị tư vấn xây dựng, chất lượng đội ngũ tư vấn xây dựng chưa thực sự đảm bảo dẫn đến chất lượng tư vấn ở các dự án, công trình xây dựng còn chưa cao.

Năm 2014, Sở Xây dựng đã tiến hành cấp 249 chứng chỉ hành nghề, quản lý hoạt động xây dựng. Trong đó, có 37 chứng chỉ hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng; 188 chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình; 14 chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng. Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng), trong các quy định về hoạt động xây dựng, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề thể hiện rõ nhất sự bất cập, thiếu tính thực tế và đang bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để “lách”. Cụ thể, Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12-2-2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Thông tư 12/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng về nội dung cấp chứng chỉ hành nghề, yêu cầu phải có kinh nghiệm tham gia thiết kế (hoặc giám sát) 5 công trình hoàn thành, nhưng lại không quy định rõ về quy mô công trình. Vì thế, có tình trạng trong một số hồ sơ xin cấp chứng chỉ, ở nội dung này, thực tế người xin cấp tuy đủ số lượng 5 công trình nhưng chỉ là công trình quy mô nhỏ như hàng rào, nhà trực, nhà dân…, đối chiếu với quy định vẫn đủ điều kiện xét cấp chứng chỉ hành nghề nhưng rõ ràng chất lượng không thể đảm bảo. Trong khi đó, nhiều cá nhân đã tham gia thiết kế các công trình có quy mô lớn là trung tâm thương mại, chung cư cao tầng… lại không đủ điều kiện xét cấp chứng chỉ hành nghề do không đủ số lượng công trình và số năm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc thẩm định, xác minh tính xác thực số lượng công trình kê khai trong hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân còn hạn chế. Ngoài ra, theo quy định, để cấp chứng chỉ phải thành lập hội đồng cấp chứng chỉ, trong đó nhiều thành viên ngoài ngành Xây dựng, nhưng công tác phối hợp thực hiện chưa cao, dẫn đến tình trạng cấp chứng chỉ ở tỉnh ta thường chậm theo quy định của Bộ Xây dựng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho các tổ chức, cá nhân làm nghề tư vấn xây dựng còn nhiều bất cập như các cơ sở đào tạo chưa có quy chế đào tạo, quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá kết quả học tập; buông lỏng công tác quản lý, kiểm soát học viên, giảng dạy thiếu thời lượng theo quy định, chưa đảm bảo chương trình khung; học viên chưa đủ điều kiện vẫn cấp chứng nhận; chưa lập sổ gốc ký nhận; chưa tổ chức thực hành cuối khóa cho học viên; chưa thông báo số lượng học viên và chương trình đào tạo với Sở Xây dựng trước và sau khi đào tạo theo quy định. Chính vì thế, công tác cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn xây dựng nặng tính hình thức, chưa có cơ chế sát hạch, kiểm tra để đảm bảo người được cấp chứng chỉ có năng lực phù hợp với lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề. Hệ thống đăng tải thông tin về tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng mặc dù đã từng bước được quan tâm xây dựng nhưng chưa thu hút được các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan tham gia và hoạt động chưa hiệu quả.

Năng lực của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động tư vấn xây dựng yếu dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động xây dựng. Đặc biệt là tình trạng mượn chứng chỉ để “làm đẹp” và hoàn thiện hồ sơ dự thầu của các doanh nghiệp. Phổ biến nhất là hồ sơ đấu thầu 1 dự án của 5 đơn vị đều có chung tên một kỹ sư xây dựng để hợp thức hóa, bảo đảm đủ điều kiện dự thầu; thậm chí ngay trong cả hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Sở KH và ĐT cũng diễn ra tình trạng “mượn” chứng chỉ như thế. Đối với các doanh nghiệp tư vấn xây dựng có vốn đầu tư ít, hạ tầng cơ sở vật chất thiết bị kém, có không ít doanh nghiệp đã “mượn” các kết quả thí nghiệm của các phòng LAS-XD của Trung tâm Kiểm định uy tín để “giảm thiểu” chi phí thí nghiệm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư vấn chưa có ý thức cao trong cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới, phần mềm chuyên ngành về tư vấn xây dựng nên chất lượng dịch vụ tư vấn kém, đặc biệt là tư vấn thiết kế, khiến cho dự toán công trình sai lệch nhiều, gây thất thoát lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư và gây khó khăn cho các đơn vị quản lý Nhà nước trong công tác thẩm định thiết kế cơ sở ban đầu.

Vì thế, nâng cao năng lực của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp tư vấn xây dựng là một yêu cầu cấp bách và thiết thực, tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Để thực hiện yêu cầu này, theo đồng chí Đinh Khắc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng), các cơ quan quản lý Nhà nước cần tích cực vào cuộc hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra năng lực của các đơn vị tư vấn, từ khâu cán bộ, nhân sự, cơ sở vật chất thiết bị các phòng thí nghiệm. Đồng thời nhanh chóng xây dựng hệ thống đăng tải công khai thông tin, năng lực các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động trong ngành Xây dựng trên website của Sở. Bên cạnh đó, bản thân các cá nhân, doanh nghiệp phải tự ý thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hoạt động. Theo Luật Xây dựng, thời gian tới, công tác “hậu kiểm” cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng sẽ được siết chặt với quy định tại khoản 3, Điều 149 như sau: Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng có thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng 1; Sở Xây dựng, tổ chức xã hội nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ có thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng các hạng còn lại. Đây sẽ là khâu quan trọng giúp quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng đội ngũ tham gia hoạt động tư vấn xây dựng, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, đồng thời góp phần đảm bảo chất lượng tư vấn, chất lượng công trình xây dựng cũng như hiệu quả đầu tư./.

Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com