Ngành TN và MT có chức năng quản lý đa lĩnh vực quan trọng trong tổng thể các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gồm quản lý đo đạc và bản đồ, quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, địa chất, khí tượng thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu và quản lý biển, đảo. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với tinh thần thi đua nước rút hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, năm 2014 ngành TN và MT đã tạo được dấu ấn với nhiều đổi mới hiệu quả, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.
Lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai
Trước tình trạng lộn xộn trong quản lý, sử dụng đất (SDĐ) ở cơ sở gây khó khăn cho công tác quản lý chung, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gây mất an ninh trật tự, Sở TN và MT đã chủ động hướng dẫn và giao UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát công tác quản lý, SDĐ, trong đó tập trung làm rõ các trường hợp SDĐ không hợp pháp, phân loại rõ nguồn gốc đất đai, xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, thời điểm vi phạm để có biện pháp xử lý, khắc phục dứt điểm. Qua đó, toàn tỉnh đã xác định có 46.372 hộ SDĐ không hợp pháp ở 226 xã, phường, thị trấn. Trong năm 2014 đã lập xong phương án xử lý được 14.283 hộ; đã xét duyệt xong phương án xử lý 10.069 hộ, trong đó đã ra quyết định xử lý 5.508 hộ và thu vào ngân sách trên 17 tỷ 583 triệu đồng. Song song với việc xử lý vi phạm đối với người SDĐ, UBND các huyện, thành phố đã xử lý kỷ luật các cán bộ vi phạm về quản lý đất đai, kể cả xử lý hình sự để tăng tính răn đe, đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh, ngăn chặn các nguy cơ vi phạm trong tương lai. Công tác quản lý đất đai ngày càng được tăng cường, đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác quản lý, xử lý vi phạm về đất đai; hiệu quả phối hợp giữa UBND các cấp, các ngành với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên được nâng lên, từng bước khắc phục yếu kém và tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, khắc phục những tồn tại hạn chế trong SDĐ; giảm thiểu tình trạng giao đất trái thẩm quyền, SDĐ sai mục đích, lấn chiếm hành lang công trình giao thông, thủy lợi. Từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong khai thác, sử dụng đất đai bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính số thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để đưa vào quản lý, lưu trữ, cung cấp và khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất phục vụ các yêu cầu về cải cách hành chính cũng như công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo đạt kết quả tích cực. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ luôn được cải tiến, đã có sự gắn kết với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành và lồng ghép yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu, tạo sự hợp lý trong quản lý và SDĐ trên địa bàn. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và đấu giá QSDĐ đã được triển khai hiệu quả, phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua các hoạt động giao, cho thuê đất, thay đổi mục đích, chuyển quyền SDĐ, không chỉ tăng thu cho ngân sách mà còn chuyển đổi khai thác hiệu quả các khu vực đất ao đầm, ruộng xấu thành những khu, CCN, khu đô thị mới.
Đột phá trong bảo vệ môi trường
Những năm gần đây, tỉnh ta có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu khai thác và tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên không ngừng tăng lên, làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề môi trường gây ra những hệ lụy xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2014, Sở TN và MT đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chung tay tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) được chú trọng tăng cường với nhiều đổi mới, qua đó nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về BVMT từng bước được nâng cao. Sở đã phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đáng báo động thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy, chủ động ứng phó sự cố tràn dầu và xây dựng dữ liệu về quan trắc chất lượng nước mặt, không khí giúp cho việc nâng cao năng lực ngăn ngừa dự báo ô nhiễm. Đã hoàn thành đề cương dự án quy hoạch xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh đến năm 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện; lập kế hoạch và thực hiện quan trắc môi trường một số làng nghề trong tỉnh theo Thông tư 46/2011/TT-BTNMT ngày 26-12-2011 của Bộ TN và MT; quan trắc hiện trạng chất lượng môi trường định kỳ; độ nhiễm mặn của các tuyến sông, độ cao mực nước; lưu lượng, mặt cắt dòng sông, quan trắc nước dưới đất tại các cụm giếng để nắm bắt mức độ, nguy cơ và có biện pháp chủ động phòng tránh, giảm tối đa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT được đẩy mạnh thực hiện đối với nhiều đối tượng như doanh nghiệp trong khu dân cư, doanh nghiệp tại các khu, CCN; kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT vùng biển; kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản, tài nguyên nước… Sở đã tích cực vận động mọi nguồn kinh phí để đầu tư thực hiện các dự án khắc phục, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường trọng điểm như: làng nghề cơ khí nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực); phục hồi tài nguyên, hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh; các dự án xử lý hóa chất thuốc BVTV tồn lưu tại xã Bình Hòa (Giao Thủy) và xã Nam Phong (TP Nam Định). Tình hình ô nhiễm công nghiệp đã được kiểm soát và cải thiện thông qua việc từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào KCN tập trung, CCN. Tại các khu, CCN đã đi vào hoạt động được quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ, kinh doanh trong các khu, CCN đạt 100%. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, trong đó tỉnh ta là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề, Sở TN và MT đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tìm kiếm, khai thác các hình thức hợp tác quốc tế để tạo nguồn lực cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm rác thải y tế độc hại đã được triển khai quyết liệt. Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã góp phần từng bước thiết lập cơ chế tổ chức quản lý lực lượng thu gom rác thải sinh hoạt dân lập tại tất cả các huyện, xã; đồng thời đã khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư kinh phí nghiên cứu, chế tạo lò đốt rác thải sinh hoạt đưa vào vận hành, sử dụng tại địa bàn các xã. Nhờ đó, chất lượng và tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải được nâng cao.
Nhằm góp phần xây dựng Nam Định trở thành tỉnh văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, Sở TN và MT đề ra mục tiêu phát triển theo hướng hiện đại hóa và kinh tế hóa trong công tác quản lý, liên kết các lĩnh vực để tạo sức mạnh tổng hợp hướng đến phát triển nhanh nhưng bền vững. Năm 2015, tập trung hoàn thành cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân; cơ bản hoàn thành cấp GCNQSDĐ cho cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo; hoàn thành việc giao đất thực địa cho các thôn, đội đã hoàn thành công khai phương án dồn điền, đổi thửa; tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác GPMB các công trình trọng điểm KCN Dệt may Rạng Đông, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I, cầu Thịnh Long. Tập trung đôn đốc hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trọng điểm đang triển khai; tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các lò đốt rác, bãi chôn lấp, xử lý rác thải; đẩy mạnh các hoạt động cấp phép về môi trường. Tăng cường quản lý, kiểm tra các lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản, tài nguyên biển. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý TN và MT./.
Thanh Thuý