Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa với sức cạnh tranh cao

07:01, 17/01/2015

70 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định đã tiến hành tổng khởi nghĩa thành công, giành được chính quyền vào ngày 21-8-1945. Ngày 25-8 chính quyền Cách mạng đã quyết định thành lập Ban Canh nông và ngày 28-8 thành lập Ty Công chính, hai cơ quan của ngành Nông nghiệp và ngành Thủy lợi, tiền thân của ngành NN và PTNT ngày nay. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm (1945-1975), cùng quân và dân trong tỉnh, ngành NN và PTNT đã vượt qua biết bao khó khăn của một nền nông nghiệp lạc hậu; bị chiến tranh tàn phá nặng nề, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa xây dựng với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tay cày, tay súng”, “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”… đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử của “hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những năm khó khăn của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (1976-1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Nông nghiệp đã phấn đấu vượt qua khó khăn, trì trệ sản xuất kéo dài, tập trung xây dựng, tu bổ, củng cố đê điều, các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu đáp ứng yêu cầu bảo vệ  và phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản và đời sống nhân dân. Thường xuyên quan tâm củng cố và phát triển quan hệ sản xuất trong nông nghiệp. Năng động đi đầu trong thực hiện cuộc vận động “Tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý HTXNN”; thực hiện tốt việc thí điểm “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”. Ngành đã tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh; tích cực đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, thời tiết… đạt được bước tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt trong sản xuất lương thực, là tỉnh thứ hai của miền Bắc đạt mục tiêu 5 tấn thóc, 2 con lợn, 1 lao động trên 1ha gieo trồng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển mạnh. Nhiều loại sản phẩm sản xuất tăng hơn 2-3 lần so với các thời kỳ trước đó, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân, tạo tiền đề chuyển sang thời kỳ mới - CNH-HĐH. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà tiếp tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện. Trong quá trình phát triển, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ngành cũng như chỉ đạo sản xuất, các ngành thủy lợi, thủy sản được hợp nhất với ngành Nông nghiệp thực hiện bao trùm các nhiệm vụ NN và PTNT. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, ngành nghề nông thôn và tổ chức quản lý… đều có bước phát triển mạnh mẽ. Thực hiện tốt các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là cách mạng về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, làm chủ công nghệ, sản xuất thành công nhiều giống lúa lai, lúa thuần, giống khoai tây sạch bệnh, giống lợn ngoại, các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá song, cá bớp… Cơ giới hóa các khâu sản xuất được mở rộng kết hợp với các biện pháp thâm canh cao đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Trang trại lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP của Cty TNHH MTV Phú Lộc, xã Xuân Thượng (Xuân Trường).
Trang trại lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP của Cty TNHH MTV Phú Lộc, xã Xuân Thượng (Xuân Trường).

Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các Nghị quyết của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn, được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, nông nghiệp tỉnh nhà đã phát huy mạnh mẽ những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, tạo dựng một nền tảng vững chắc để thực hiện tái cơ cấu ngành. Hệ thống tổ chức của ngành được củng cố, kiện toàn đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực. Công tác quản lý nông nghiệp, nông thôn được chú trọng, đã xây dựng, quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch ngành. Ngành giúp cho tỉnh hoàn thành sớm 3 quy hoạch cấp xã, gắn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng NTM; triển khai tốt công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, tạo thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới vào sản xuất; chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nam Định là tỉnh đầu tiên thực hiện thành lập Ban Nông nghiệp xã để tăng cường chức năng, hiệu lực quản lý Nhà nước của UBND cấp xã đối với nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề cho việc chuyển HTXNN sang đúng chức năng của tổ chức kinh tế kinh doanh dịch vụ theo Luật HTX. Nhiều bài học kinh nghiệm trong sản xuất NN và PTNT của Nam Định đã đóng góp quan trọng với Trung ương để tổng kết, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn cho toàn quốc. Tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, đầu tư của Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương, cùng với huy động cao các nguồn lực, tỉnh đã đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với cải thiện phát triển đời sống nông dân, nông thôn. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thúc đẩy cơ giới hóa được tỉnh ban thành kịp thời, kết hợp đưa các biện pháp, kỹ thuật thâm canh cao vào sản xuất đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển dịch tích cực, chất lượng, hiệu quả và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích được nâng cao, gắn sản xuất với thị trường. Ngành thường xuyên phối hợp với các cơ quan khoa học, nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Sản xuất vụ đông được khôi phục và phát triển. Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 118-120 tạ/ha/năm, cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước là điểm sáng của đồng bằng sông Hồng và cả nước về sản xuất lúa. Sản lượng lương thực hằng năm giữ ổn định gần 950 nghìn tấn, trong đó có từ 350-450 nghìn tấn lúa hàng hóa, lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ để tránh ô nhiễm môi trường, tăng chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, thức ăn, chuồng trại tiếp tục được người chăn nuôi áp dụng trong sản xuất và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trọng lượng thịt hơi các loại xuất chuồng tăng qua các năm, từ 117 nghìn tấn (năm 2009) lên tới 155,5 nghìn tấn (năm 2014). Nuôi trồng thủy sản phát triển sôi động trên cả 2 vùng mặn lợ và nước ngọt, trong đó phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển mạnh, nhiều diện tích nuôi đạt thu nhập tiền tỷ/ha/năm. Hằng năm, tỉnh đã sản xuất được từ 15-20 tỷ con giống thủy sản các loại, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho các cơ sở nuôi thủy sản trong tỉnh. Đánh bắt xa bờ ngày một tăng, chuyển từ tàu công suất nhỏ sang tàu công suất lớn, chuyển dần trọng tâm từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ, dài ngày trên biển, có bảo quản tốt, đảm bảo chất lượng; kết hợp đánh bắt thủy sản với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển. Lâm nghiệp làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý, phát triển bền vững diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ; bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên đất ngập nước, góp phần phòng, chống bão lụt và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 là một nhiệm vụ mới, song được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương, cùng với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, ngành NN và PTNT đã phát huy vai trò nòng cốt, góp phần thực hiện đạt những kết quả to lớn, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn… Đến cuối năm 2014, đã có thêm 62 xã, thị trấn đề nghị thẩm định, công nhận đạt và cơ bản đạt xã NTM; bình quân đạt 17,8 tiêu chí/đơn vị, tăng 10-11 tiêu chí so với năm 2010, không còn xã nào dưới 15 tiêu chí. Ở các xã, thị trấn chưa tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 qua rà soát, đánh giá cũng đạt 11 tiêu chí, tăng 7-8 tiêu chí, được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng NTM. Kinh tế nông nghiệp có bước phát triển mới, quy mô, trình độ, hiệu quả, cơ cấu ngành nghề nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch tốt hơn. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Ý thức, nhận thức chính trị - xã hội, pháp luật, địa vị, trình độ sản xuất và tổ chức đời sống của người dân nông thôn được nâng cao hơn. Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm đột phá của tỉnh, kết quả phát triển và xây dựng NTM là yếu tố quan trọng góp phần vào sự ổn định, phát triển mọi mặt và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh các năm qua.

Qua 7 thập kỷ xây dựng và phát triển, nông nghiệp tỉnh nhà từ một nền sản xuất nhỏ, manh mún, phụ thuộc tuyệt đối vào thiên tai; nông dân, nông thôn đói nghèo, lạc hậu trở thành nền nông nghiệp cơ giới hóa, từng bước hiện đại hóa, dần thích ứng và tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; là điểm sáng của đồng bằng sông Hồng và cả nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt những tháng cuối năm 2014, các hoạt động xúc tiến hợp tác với Nhật Bản để xây dựng phát triển nông nghiệp công nghệ cao được triển khai tích cực, mở ra cơ hội vững chắc cho bước tiến mới của nông nghiệp tỉnh nhà với sức cạnh tranh cao hơn.

Đó là tiền đề và động lực để những năm tới, ngành NN và PTNT tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành NN và PTNT; phấn đấu đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng NTM, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com