Thôn Đại An, xã Nam Thắng (Nam Trực) hiện có khoảng 80-90% hộ gia đình trồng dâu, nuôi tằm. Theo người dân trong thôn, đồng đất Đại An rất phù hợp cho cây dâu phát triển, vì vậy từ đời cha ông họ, cây dâu, con tằm đã gắn bó và được coi là nguồn thu nhập cơ bản.
Nam Thắng có 10 xóm được chia thành hai thôn là Đại An và Dương A. Nếu người dân thôn Dương A trồng lúa là chủ yếu thì thôn Đại An, lợi thế ven sông Hồng có bãi phù sa màu mỡ, là điều kiện thuận lợi cho cây dâu sinh trưởng. Theo các cụ cao niên trong xã, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đại An đã có cách đây khoảng 100 năm và thời thịnh vượng nhất là vào cuối những năm 1980. Khi đó, hầu như trong các thôn, xóm nhà nào cũng làm nghề. Tại các hộ gia đình, tằm được nuôi từ nhà xuống bếp, muốn vào nhà phải len qua những giàn nong tằm. Hằng tháng, người dân lại chở kén, tơ lên Nhà máy Dệt lụa Nam Định, hoặc chở sang huyện Vũ Thư (Thái Bình) bán. Tuy nhiên đến khoảng cuối những năm 1990, do biến động của nền kinh tế, nghề nuôi tằm ở đây cũng dần mai một. Những năm gần đây, khi thị trường tơ tằm sôi động trở lại, giá tơ, giá kén ổn định hơn, nhiều hộ dân đã quay lại với nghề. Chỉ cần 3-4 sào đất, đầu tư khoảng 500.000-700.000 đồng mua hom giống dâu và khoảng từ 100-120.000 đồng mua trứng tằm, cho khoảng 20 nong tằm là bất cứ gia đình nào cũng có thể phát triển được nghề nuôi tằm. Ông Bùi Văn Minh, chủ nhiệm HTXNN Đại An cho biết: “Trồng dâu, nuôi tằm là nghề có chi phí sản xuất thấp, vốn đầu tư không cao, cây dâu có thể sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất. Chỉ sau 4-6 tháng trồng dâu là cho thu hoạch lá. Một lần trồng có thể cho thu hoạch 15-20 năm. Tằm là con vật dễ nuôi, nhanh sinh lợi, tuy lợi nhuận thu vào 1 lần không cao nhưng thường xuyên trong năm. Khi tằm bị bệnh, năng suất kén không cao cũng không tốn kém nhiều về vốn. Hơn nữa, nghề trồng dâu, nuôi tằm dễ học, lại tận dụng được nhân lực dồi dào, người dân từ trẻ đến già đều có thể tham gia các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm được”.
Nuôi tằm tại gia đình bà Phùng Thị Hoa, xóm 6, thôn Đại An. |
Hiểu rõ được đặc điểm nghề “1 vốn 4 lời” như vậy nên nhiều năm nay, gia đình bà Phùng Thị Hoa, xóm 6, thôn Đại An đã đầu tư vốn để trồng dâu, nuôi tằm. Bà Hoa chia sẻ: "Gia đình tôi làm nghề này đã ngót trăm năm, từ thời ông bà, bố mẹ. Hiện chúng tôi có 1,5 mẫu dâu, cũng thuộc loại nhiều nhất thôn. 1 năm chúng tôi nuôi tằm 8 tháng, từ tháng 3 đến tháng 11 thì thu lứa vét lá dâu để đốn dâu. Theo bà Hoa, một vòng đời của tằm kéo dài khoảng trên dưới 30 ngày, tùy theo thời tiết. Từ trứng tằm sau 10 ngày sẽ thành ngài, 20 ngày nhộng cộng thêm vài ngày trở thành con tằm trưởng thành và nhả tơ. Thời điểm hiện tại, gia đình bà đang nuôi 10 vòng trứng tằm. Từ 1 vòng trứng tằm sẽ thu về 15 cân kén thành phẩm. Giá kén trong thời điểm hiện tại là 85.000 đồng/kg. Như lứa tằm này, với giá kén như vậy, trừ chi phí, dự tính cũng thu được trên dưới 10 triệu đồng. Cũng theo bà Hoa, muốn thành công trong nghề trồng dâu, nuôi tằm thì phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Trước hết là phải chăm đọc sách, sau đó nên thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, dạy nghề của xã mở. Trước đây do chưa biết cách chăm sóc để tăng năng suất lá dâu, 1 sào dâu nhà bà chỉ thu khoảng 5-6 triệu đồng/năm. Năm 2010 xã mở lớp dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm. Tại khóa học, các kỹ sư nông nghiệp đã dạy cách trồng, chăm sóc, bón thúc để dâu cho nhiều lá; cách ấp trứng tằm sao cho tỷ lệ nở cao, đặc biệt là cách làm giàn, chăm sóc để tằm không bị bệnh, nhất là giai đoạn làm tổ vào kén, thời điểm này tằm rất dễ mắc bệnh nên phải giữ môi trường sạch, mát, kiêng kỵ nhất là thuốc xịt muỗi, kiến. Nhờ “hiểu” tằm nên năng suất kén liên tục tăng. Có nhiều nhà trong thôn chỉ nuôi được khoảng 8 lứa tằm/năm, riêng gia đình bà lúc nào cũng nuôi được 9 lứa/năm. Ngoài gia đình bà Hoa, trong thôn còn nhiều gia đình có diện tích trồng dâu và số lượng nong tằm tương đối lớn cho thu nhập hằng năm 60-70 triệu đồng, như các gia đình anh Chu Văn Thuấn, Đinh Văn Cải (xóm 9), chị Hà Thị Tuyết, Chu Thị Liệu (xóm 6)… Anh Lâm Văn Trường, xóm 3, nuôi mỗi lứa 15-20 nong tằm cho biết: "Tằm dễ nuôi, nhanh có lợi. Cũng từ nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp chúng tôi có thêm một khoản thu nhập vài chục triệu đồng trong năm. Gia đình tôi ngoài việc thu lợi nhuận từ bán kén còn nuôi tằm con tập trung để bán”.
Mặc dù nghề trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại những tín hiệu khả quan cho cuộc sống của nông dân thôn Đại An, nhưng đa số bà con nông ở đây vẫn còn những băn khoăn để duy trì nghề truyền thống. Ông chủ nhiệm HTXNN Đại An Bùi Văn Minh cho biết, trăn trở lớn nhất của những hộ gia đình trồng dâu, nuôi tằm là giá kén nhiều khi lên, xuống rất thất thường do người dân không chủ động được đầu ra sản phẩm. Do xuất kén trực tiếp cho thương lái nên bà con nông dân thường bị họ ép giá, làm giá. Hơn nữa cây dâu cũng hay phải đối mặt với những dịch bệnh như dịch sâu xanh ăn lá, ảnh hưởng đến năng suất. Rồi những ảnh hưởng thời tiết lên cả dâu và tằm. Mặt khác, giống dâu bà con trong thôn hiện trồng chủ yếu là giống dâu cũ Hà Bắc đã lâu đời dẫn đến chất lượng dâu thấp; trồng dâu, nuôi tằm đòi hỏi nhiều nhân lực mà không phải gia đình nào trong thôn cũng có thể đáp ứng được... Khi được hỏi có mong muốn gì, đa số bà con nông dân đều trả lời, mong sao có những đại lý hoặc HTX đứng ra thu mua sản phẩm kén để bà con yên tâm sản xuất, tránh tình trạng bị ép giá. Thời gian tới, việc duy trì, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở thôn Đại An tiếp tục được chính quyền xã và nhân dân quan tâm. Với kinh nghiệm và lợi thế sẵn có, xã tiếp tục khuyến khích các hộ phát triển diện tích cây dâu, hạn chế phá cây truyền thống, tăng số lượng nong tằm để nâng cao thu nhập cho người lao động./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân