Trực Ninh phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững

02:04, 30/04/2013

Thời gian qua, huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ thực hiện đề án phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề huyện giai đoạn 2011-2015. Theo đó, các cấp, ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tập trung nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành: sản xuất VLXD, cơ khí, dệt may và sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải thủy; duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất các điểm, CCN, phát triển các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động nông thôn… Qua 2 năm thực hiện đề án, tốc độ tăng trưởng sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh đạt trên 22%/năm. Năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.090 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 22,8%, sản xuất CN-TTCN chiếm 37% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của huyện.

Dây chuyền gia công sản phẩm may tại Cty TNHH May T&C, CCN Thị trấn Cổ Lễ.
Dây chuyền gia công sản phẩm may tại Cty TNHH May T&C, CCN Thị trấn Cổ Lễ.

Hiện nay, toàn huyện có 292 doanh nghiệp, HTX… Trong 2 năm 2011-2012 toàn huyện đã đào tạo trung cấp nghề cho 2.030 lao động, tăng lượng lao động được đào tạo nghề trong tổng số trên 19,1 nghìn lao động trực tiếp tham gia sản xuất CN-TTCN. Trên địa bàn huyện có 3 CCN tập trung gồm: CCN Thị trấn Cổ Lễ rộng trên 6,3ha, đã lấp đầy 100% diện tích với 18 Cty, doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất; CCN Trực Hùng có 18 doanh nghiệp với tổng diện tích trên 8ha; CCN Thị trấn Cát Thành thu hút 10 doanh nghiệp với tổng diện tích trên 2,2ha. Các ngành dệt - may, sản xuất VLXD, cơ khí vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2012, giá trị sản xuất ngành dệt - may của huyện đạt trên 244 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực may công nghiệp đạt trên 8,1 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển hàng chục doanh nghiệp, cơ sở may công nghiệp ở các xã, thị trấn Trực Hưng, Trực Phú, Thị trấn Cát Thành, Thị trấn Cổ Lễ… tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Năm 2012, Cty TNHH May T&C đã đầu tư trên 6 tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất tại CCN Thị trấn Cổ Lễ. Đầu năm 2013, Cty đã cơ bản hoàn thành nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền thiết bị và đi vào sản xuất với quy mô 7 chuyền may, chuyên gia công các sản phẩm thời trang cho các thương hiệu nổi tiếng như: GAP, O’NEILL, CK, R&D… xuất sang các thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Mỗi tháng, Cty gia công được trên 80 nghìn sản phẩm các loại, tạo việc làm cho trên 200 lao động, thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 9 làng nghề truyền thống là: nghề dệt xã Trực Chính, nghề ươm tơ thôn Cổ Chất, xã Phương Định; nghề thêu ren, chế biến gỗ ở thôn Trung Lao và nghề mây tre đan ở thôn An Mỹ, xã Trung Đông; nghề đan vó ở thôn Hạ Đồng, xã Trực Đạo; nghề đan cót ở thôn Ngọc Đông, xã Trực Thanh; nghề kéo sợi PE ở xã Trực Hùng. Năm 2012, doanh thu từ sản xuất CN-TTCN, dịch vụ thương mại của xã Phương Định đạt 125 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch. Toàn xã hiện có 1.500 máy dệt, tạo việc làm cho 3.500 lao động; sản phẩm không chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Căm-pu-chia. Xã Trực Hùng có 5 cơ sở sản xuất sợi PE, trong đó cơ sở sản xuất của các anh Trần Văn Hài, Lưu Văn Viễn tạo việc làm tại chỗ cho 20-25 lao động và hàng chục hộ, mỗi hộ từ 2-3 lao động nhận gia công sản phẩm. Năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt trên 142 tỷ đồng, chiếm 69,2% tổng thu nhập toàn xã.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế những năm qua, việc duy trì tốc độ tăng trưởng và giá trị sản xuất CN-TTCN là quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự cố gắng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Để sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện phát triển bền vững, huyện Trực Ninh đã đề ra các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm ở từng địa phương. Tiến hành rà soát thực trạng, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải thủy; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, tăng cường thu hút các nhà đầu tư liên doanh, liên kết hoặc đầu tư trực tiếp vào các điểm, CCN.

Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Tiếp tục hoàn thành hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất tại các điểm, CCN tập trung, các làng nghề truyền thống…

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com