Để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, UBND tỉnh đã định hướng, khuyến khích phương thức chăn nuôi an toàn sinh học bền vững theo quy mô trang trại, gia trại tập trung, xa khu dân cư, đối tượng con nuôi chủ lực là lợn và gia cầm. Chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, gia trại tập trung ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy; chăn nuôi gia cầm là thế mạnh của các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy… Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi ở các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản còn tận dụng các khu hoang hóa ven sông, các tuyến đê lớn để nuôi trâu, bò. Theo thống kê của Sở NN và PTNT thì 70-80% nông dân không chăn nuôi lợn tại gia đình. Các gia trại, trang trại thường nuôi số lượng lớn từ vài chục con đến hàng nghìn con lợn. Các trang trại, gia trại nuôi gà cũng duy trì số lượng từ 2 nghìn đến hàng chục nghìn con.
Khử trùng tiêu độc khu trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Xuân Thượng (Xuân Trường). |
Tiêu biểu như trang trại của ông Vũ Trọng Nghĩa, xã Hải Lộc (Hải Hậu) nuôi 700-800 giống lợn ông bà và hàng nghìn con lợn thịt; ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) nuôi 100 con lợn nái và 1.400 con lợn thịt… Trang trại của anh Trần Hồng Kỳ, xã Minh Tân (Vụ Bản) nuôi 24 nghìn con gà; anh Trần Văn Lương, xã Kim Thái (Vụ Bản) nuôi 20 nghìn con gà; anh Phùng Văn Điều, xã Đại An (Vụ Bản) nuôi 17 nghìn con gà; anh Triệu Văn Tấn, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) nuôi 16 nghìn con gà; anh Đỗ Văn Việm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) nuôi 8 nghìn con gà; anh Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu) nuôi 10 nghìn con gà… Đến tháng 9-2012, toàn tỉnh có 168 trang trại chăn nuôi cơ bản đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT và hàng chục trang trại tổng hợp, trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn. Trong đó có 34 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận do còn vướng mắc về thủ tục đất đai như: chưa được thuê lâu dài, đất không thuộc vùng quy hoạch trang trại, trang trại nằm gần hoặc ngay trong khu dân cư… Các trang trại chăn nuôi của tỉnh đã góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các địa phương. Các trang trại đã tiên phong trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi tiên tiến tạo sự phát triển bền vững và là mô hình để các hộ chăn nuôi học tập kinh nghiệm. Tiêu biểu là trang trại của anh Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) và trang trại của anh Trần Hồng Kỳ ở thôn Ngăm Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản) mới được Trung tâm Chất lượng nông lâm thuỷ sản vùng 1 cấp giấy chứng nhận VietGap.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của các trang trại, vùng trang trại tập trung của các địa phương hạn chế; chuồng trại xây dựng tạm bợ; các công trình xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức, các công trình cấp, thoát nước, điện, giao thông còn khó khăn. Một số trang trại đã xây dựng hệ thống bể biogas nhưng đến nay xuống cấp, ít được sử dụng. Anh Phùng Văn Điều ở thôn An Duyên, xã Đại An (Vụ Bản), chủ trang trại nuôi 17 nghìn gà thịt, gà siêu trứng cho biết, do ở giữa đồng, xa đường chính, nên gia đình anh phải mua thêm các thửa ruộng từ đường cái vào trang trại để làm đường đủ rộng cho xe cung cấp thức ăn và tiêu thụ sản phẩm thuận tiện. Còn trang trại của anh Nguyễn Văn Toán mặc dù được xây dựng cách đây trên dưới 10 năm, biệt lập giữa cánh đồng nhưng bây giờ đường lớn chạy qua, các hộ bám mặt đường xây dựng nhà cao tầng khiến trang trại của anh trở thành gần khu dân cư của xã Xuân Thủy! Được biết vị trí trang trại của gia đình anh Toán xây dựng là khu vực được xã Xuân Thượng quy hoạch thành vùng phát triển trang trại chăn nuôi tập trung của xã (!).
Theo kế hoạch trong năm 2013, tất cả các địa phương trong tỉnh hoàn thành dồn điền đổi thửa. Song quy hoạch các xã, thị trấn khu trang trại chăn nuôi tập trung của xã này lại là khu vực liền kề với vùng dân cư của xã khác hoặc ngược lại. Thực trạng này cần được các huyện quan tâm rà soát, điều chỉnh kịp thời theo hướng: Nên xem xét quy hoạch vùng trang trại chăn nuôi tập trung của các xã liền kề nhau, tạo thuận lợi cho các xã, các hộ chăn nuôi có thể sản xuất lâu dài, tránh lãng phí trong đầu tư cũng như quản lý nhà nước về kinh tế trang trại, về môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Mặt khác cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng tối thiểu cho khu trang trại chăn nuôi tập trung, tránh tình trạng tự phát, manh mún, xây dựng tạm bợ của từng hộ sản xuất.
Trong điều kiện ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn hiện nay thì việc tổ chức chăn nuôi trang trại tập trung là cách làm hiệu quả. Nhưng để trang trại chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả, tránh ô nhiễm môi trường thì rất cần có sự “vào cuộc” tích cực của các cấp chính quyền./.
Bài và ảnh: Tất Thắc