Nghị lực làm giàu của người thanh niên bị nhiễm chất độc da cam

08:04, 02/04/2013

Tốt nghiệp ngành Khoa học công nghệ môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), anh Nguyễn Trí Dũng, khu 2, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) vào Nam lập nghiệp. Hai năm sau tai họa ập đến khi anh bị bệnh nặng. Thương tật khiến xương cột sống bị biến dạng, anh không thể đứng thẳng được. Sau nhiều lần điều trị, anh được biết bệnh không thể chữa khỏi do bị ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin từ người cha. Tĩnh trí lại sau thời gian khủng hoảng tinh thần, anh trở về quê và gắn bó với nghề trồng hoa lan. Năm 2003, anh bắt đầu “sự nghiệp” với vài chục giỏ phong lan. Anh kể: Khi mới bắt đầu trồng lan do chưa có nhiều kinh nghiệm nên lan chết nhiều. Bên cạnh đó, do mới vào nghề, không có nhiều mối quan hệ nên việc tiêu thụ lan bị hạn chế vì hoa lan kén người chơi… Theo anh, người trồng địa lan là phải nắm chắc đặc tính của từng giống cây, kiểm soát được sự phát triển của hoa, việc tưới nước, tạo độ ẩm cho đất và nhất là phải phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trừ. Địa lan có 3 dòng, cách chăm sóc cũng khác nhau. Dòng truyền thống gồm có các loại lan như: Hoàng Vũ, Thanh Ngọc, Hoàng Cẩm Tú, Hoàng Thanh, Mạc Biên...; dòng đột biến xuất phát từ lan rừng (xuất hiện một vài năm nay) chủ yếu ở miền Bắc như: Đại Thanh, Đại Hoàng, Thiên Ngọc... Một số vùng như Yên Tử (Quảng Ninh), Bắc Cạn, Hoà Bình có thêm giống Mạc Xuân. Dòng nhập ngoại chủ yếu nhập từ Trung Quốc...

Vườn lan của anh Nguyễn Trí Dũng ở Khu 2, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Vườn lan của anh Nguyễn Trí Dũng ở Khu 2, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Sau 10 năm vừa trồng, vừa tìm tòi, học hỏi, anh đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng hoa lan. Hiện nay, vườn địa lan rộng hơn 300m2 của gia đình anh Dũng đã có hàng trăm chậu địa lan, phong lan các loại, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Dũng chia sẻ: Để thành công với nghề trồng hoa lan, ngoài việc nắm bắt thị trường, việc chọn giống là khâu quan trọng. Anh thường nhập giống lan truyền thống ở các địa phương trong tỉnh, vì điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu có sự tương đồng, thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc. Ngoài ra, anh còn tìm mua các giống lan ở Hà Nội và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng về trồng. Giá của từng loại khác nhau như lan truyền thống: Hoàng Vũ, Thanh Ngọc khoảng 1 triệu đồng/thân; Hoàng Cẩm Tú khoảng 300.000 đồng; lan Đại Thanh, Thiên Ngọc có giá 20-25 triệu đồng/thân... Hiện tại, trong vườn nhà anh Dũng có khoảng 40% là lan Mạc Xuân, 40% là loại lan truyền thống và 20% là lan đột biến và nhập ngoại. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm anh thu được từ vườn lan 150-200 triệu đồng, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán.

Hiện tại, anh Dũng là thành viên Hội Hoa lan Hải Hậu, đồng thời là một trong 9 người thành lập Hội Địa lan Thăng Long (Hà Nội) với số lượng thành viên đông đảo, quy tụ nhiều người chơi lan ở các tỉnh miền Bắc, điều đó giúp anh có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ. Nhìn cơ ngơi khang trang bên vườn lan ngày càng phát triển, người dân Thị trấn Yên Định đều cảm phục ý chí vượt qua bệnh tật, vươn lên làm giàu của anh Nguyễn Trí Dũng./.

Bài và ảnh: Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com