Giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch hải sản

05:04, 19/04/2013

Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT), sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trung bình hằng năm đạt 40.500 tấn, trong đó các loại cá thu, cá chim biển vây vàng... đạt 28.000 tấn, mực ghẹ đạt 8.200 tấn, tôm các loại đạt 2.300 tấn. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác thủy hải sản chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Trong đó công tác chế biến, bảo quản hải sản sau thu hoạch còn hạn chế, các cơ sở chế biến chưa đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để sản xuất, chế biến hải sản có giá trị kinh tế cao.

Bảo quản hải sản sơ sài làm giảm chất lượng sản phẩm (Trong ảnh: Cơ sở thu mua hải sản tại đội 10, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng).
Bảo quản hải sản sơ sài làm giảm chất lượng sản phẩm (Trong ảnh: Cơ sở thu mua hải sản tại đội 10, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng).

Đến ngày 31-12-2012, toàn tỉnh có 2.080 tàu, thuyền khai thác hải sản với tổng công suất là 88.520CV, tập trung ở các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, thu hút hơn 11.800 lao động. Số tàu, thuyền có công suất trên 50CV chỉ có 29 chiếc, còn lại 1.461 chiếc đều dưới 50CV nên khó tổ chức đánh bắt xa bờ với các loại cá có giá trị kinh tế cao, số lượng lớn như cá nục, cá thu, cá mú. Mô hình tổ đội tàu, thuyền hỗ trợ nhau trong khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm ở tỉnh ta đã được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. 35 tổ đội khai thác hải sản mới thành lập với mô hình truyền thống là chủ yếu. Các tổ đội dịch vụ trực tiếp thu mua hải sản trên biển còn rất ít. Anh Lại Văn Vĩ ở xóm 2, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) cho biết, tổ đội tàu anh có 6 thuyền, tổng công suất 350CV, chủ yếu đánh bắt hải sản ở ngư trường đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và các tỉnh ven biển miền Trung. Tàu của anh có thể đánh bắt ngoài khơi từ 30-35 ngày, nhưng do sử dụng công nghệ ướp thủ công bằng xay đá cây, khó bảo quản lâu, tàu phải cập bờ sớm để bán. Bên cạnh đó, đội tàu của anh Vĩ cũng khó tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng do nghề đánh bắt hải sản xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng quay vòng vốn chậm. Đầu năm 2013, anh đầu tư thêm 100 triệu đồng để lắp đặt cẩu cá chữ A để có thể đánh bắt xa bờ. Đến nay mới có doanh nghiệp tư nhân Chính Vui, Thị trấn Thịnh Long; doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Thành, Trần Văn Sỹ ở xã Hải Chính (Hải Hậu) đầu tư tàu, thuyền dịch vụ thu mua hải sản ngay trên biển, giúp các tàu, thuyền có thể bám biển dài ngày đánh bắt xa bờ, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, đồng thời đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt. Bên cạnh đó, việc bảo quản sản phẩm hải sản chưa được ngư dân quan tâm, phương pháp và thiết bị bảo quản còn thô sơ, lạc hậu, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Vì vậy tổn thất sau thu hoạch hải sản ở tỉnh ta ước tính khoảng 8.000 tấn (chiếm 20% sản lượng hằng năm) đã làm giảm đáng kể giá trị sản phẩm thủy sản sau khai thác. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư, nhiên liệu nhưng quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là đầu mối phân phối sản phẩm, khâu chế biến còn sơ sài thủ công.

Nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm hải sản, năm 2012, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy hải sản cùng phối hợp đầu tư hỗ trợ các chủ tàu đánh bắt xa bờ. Cty TNHH MTV Thủy sản Hùng Vương xã Giao Hải (Giao Thuỷ), Cty CP Chế biến hải sản Nam Định (Hải Hậu) đã đầu tư toàn bộ chi phí mua sắm lưới, xăng dầu cho các tàu, bao tiêu sản phẩm có hỗ trợ giá. Các cơ sở thu mua, chế biến hải sản (tươi sống, đông lạnh, sản phẩm khô), các xưởng đóng tàu, các cơ sở dịch vụ xăng dầu, gia công lưới, sản xuất nước đá... tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá. Tăng cường phát triển tổ đội tàu dịch vụ để thu gom, vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác vào bờ và cung cấp nhiên liệu, vật tư và các nhu yếu phẩm khác để các tàu bám biển, tăng thời gian khai thác. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch như hỗ trợ giá sản phẩm, ngư cụ, giá xăng dầu, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các chủ cơ sở chế biến, thu mua hải sản ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến và bảo quản sản phẩm. Tận dụng lợi thế về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm khai thác có ưu thế như tôm sống, cua biển, ngao, sò, cá đặc sản, sứa... để tăng giá trị kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác. Tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm hải sản sau thu hoạch, nâng cao uy tín chất lượng hải sản Nam Định./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com