Trực Ninh tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp

11:04, 13/04/2013

Để tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp phát triển, từ nhiều năm nay, huyện Trực Ninh đã tập trung các nguồn lực, từng bước hiện đại hóa các quy trình sản xuất, tạo ra nông sản hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Nhân dân đến làm thủ tục vay vốn đầu tư phát triển sản xuất tại phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh.
Nhân dân đến làm thủ tục vay vốn đầu tư phát triển sản xuất tại phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh.

Cùng với huy động tối đa các nguồn kinh phí hỗ trợ, huyện Trực Ninh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật sản xuất gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2012, huyện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với tổng giá trị đầu tư 820 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ 153 tỷ đồng, ngân sách của huyện 40,84 tỷ đồng, ngân sách các xã 36,36 tỷ đồng và gần 590 tỷ đồng huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Các công trình kiên cố hóa đê, kè, cống và việc chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống giao thông thủy lợi, giao thông nội đồng, giao thông nông thôn phục vụ sản xuất đều đã cơ bản hoàn thiện. Đến hết năm 2012, cả 21 xã, thị trấn trong huyện hoàn thành dồn điền đổi thửa kết hợp chỉnh trang đồng ruộng và hệ thống thủy lợi nội đồng. Các địa phương trong huyện đã áp trúc được 51,5km đường giao thông nội đồng với tổng trị giá gần 12 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến trên 300ha đất phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng và phúc lợi công cộng. Sau dồn điền đổi thửa, các xã, thị trấn đã thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung. HTXNN Trực Nội quy hoạch 2 vùng cánh đồng mẫu lớn sản xuất 3 vụ trong năm với diện tích 100ha. HTX đã kết hợp với Cty TNHH MTV KTCTTL Nam Ninh đầu tư 610 triệu đồng nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng phục vụ sản xuất. Xã Trực Khang triển khai dự án chuyển đổi 35ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi thuỷ sản với tổng kinh phí đầu tư 5 tỷ đồng. Hiện tại, xã đã đầu tư xây dựng đường giao thông, cống tưới tiêu, nạo vét kênh mương; các hộ trong vùng dự án đã chuyển đổi được 6,5ha sang nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Trực Chính cũng đang triển khai dự án chuyển đổi 32ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản với kinh phí đầu tư 5,4 tỷ đồng để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như đường giao thông, hệ thống cống tưới, kênh mương tiêu thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh cho cả vùng nuôi. Hàng chục trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tiêu biểu như gia đình các ông: Mai Văn Nghiêm, Đỗ Văn An, Mai Văn Chiến, Nguyễn Tuấn Long… với doanh thu từ 1,1-1,5 tỷ đồng/trang trại/năm… Cty TNHH Cường Tân đã phối hợp với các xã: Trực Hùng, Trực Đại, Trực Thái đầu tư 6,9 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nội đồng, đường điện, trạm bơm, cống điều tiết nước, nạo vét kênh mương cho 4 vùng chuyên canh với tổng diện tích 163ha để tổ chức sản xuất giống lúa và trồng cây vụ đông phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhiều hộ dân trong vùng đã có thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/năm từ sản xuất giống lúa và cây màu.

Ngoài việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, huyện Trực Ninh quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2012, huyện đã xây dựng được 36 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có 9 mô hình khảo nghiệm và trình diễn giống lúa, 2 mô hình khảo nghiệm phân bón, 2 mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, 1 mô hình trồng khoai tây trên đất 2 vụ lúa theo phương pháp làm đất tối thiểu, 19 mô hình cơ giới hóa sản xuất; tổ chức 88 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho gần 6.000 lượt người tham gia. Huyện còn huy động từ các dự án khuyến nông và từ các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư trên 3 tỷ đồng hỗ trợ nông dân cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, đã có gần 10 nghìn hộ dân trong huyện được vay vốn của các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, chiếm 70% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng. Nhiều xã, thị trấn có dư nợ cao trên 20 tỷ đồng như: Trực Hùng, Phương Định, Trực Thái, Thị trấn Cổ Lễ, Thị trấn Cát Thành...

Với việc đầu tư đồng bộ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2012, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện Trực Ninh đạt 456 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 1ha canh tác của huyện đạt 92,5 triệu đồng, tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2010. Sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng 4,55% năm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com