Bước vào sản xuất vụ xuân 2013, tình trạng chuột và ốc bươu vàng gây hại đã xuất hiện. Mặc dù được cảnh báo trước và các địa phương đã chủ động diệt chuột, nhưng diện tích bị chuột phá hại vẫn còn nhiều. Xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) tổ chức 4 đợt diệt chuột trước khi gieo cấy và sau khi sạ lúa 7 ngày nhiều hộ dùng ni-lon quây ruộng chống chuột nhưng vẫn còn diện tích lúa bị chuột phá. Ốc bươu vàng cũng sinh sôi do nguồn nước qua đồng. Nhiều địa phương lúa mới cấy vẫn bị ốc bươu vàng gây thiệt hại phải cấy lại, cấy dặm. Vào trung tuần tháng 3-2013, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên các giống như BC15, Q5. Tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến 1-3%, nơi cao 5-7% như ở các xã: Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), Hải Đông, Hải Ninh (Hải Hậu)… Hiện nay do thời tiết mưa phùn, sương mù… nên bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn đã xuất hiện và sẽ tiếp tục lây lan nếu không được khoanh vùng phòng trừ kịp thời, đúng cách; nhất là ở các huyện phía nam tỉnh nông dân thường cấy nhiều dảnh/khóm, là điều kiện thuận lợi cho bệnh khô vằn phát sinh và gây hại từ tháng 4 cho đến cuối vụ.
Nông dân xã Lộc Hòa (TP Nam Định) phun thuốc diệt trừ ốc bươu vàng phá hoại lúa vụ xuân 2013. |
Đồng chí Trần Văn Hội, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Vụ xuân năm nay do thời tiết ấm và ẩm cùng với những khó khăn trong quá trình triển khai sản xuất… nên khả năng các đối tượng gây hại trên lúa sẽ phát sinh, phát triển mạnh hơn trung bình nhiều năm. Đó là sâu cuốn lá nhỏ tập trung ở lứa thứ 3 sẽ phát sinh và gây hại vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5; rầy nâu, rầy lưng trắng cũng có thể phát sinh, phát triển với mật độ cao hơn. Riêng rầy lưng trắng ở vụ xuân này ít xuất hiện, song vẫn phải đề phòng, nhất là trong tháng 3, 4, vì theo dự báo nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Rầy nâu cuối vụ cũng sẽ phát sinh và gây hại vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Nếu các địa phương không quan tâm chỉ đạo phòng trừ đúng cách, đúng thuốc, đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, thậm chí còn gây mất mùa cục bộ do cháy rầy. Ngoài ra cũng cần đề phòng sâu đục thân 2 chấm cuối vụ, bệnh đen lép hạt… Trên cây màu xuân, nhất là các diện tích trồng lạc, cần chú ý sâu khoang trong tháng 3, đầu tháng 4; sâu xanh da láng trong tháng 4-5 và các bệnh đốm nâu, gỉ sắt từ trung tuần tháng 4 đến cuối vụ. Với cây cà chua cũng sẽ xuất hiện bệnh sương mai, giả sương mai trong thời gian từ tháng 3 đến trung tuần tháng 4… Trước tình trạng này, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn in các tập tài liệu quy trình kỹ thuật quản lý dịch hại cho cây trồng, tổ chức tập huấn cho các HTXNNDV, phát đến tận thôn đội. Phòng NN và PTNT, Trạm BVTV các huyện, thành phố, Ban nông nghiệp các xã, thị trấn vừa tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vừa tăng cường giám sát đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến của các đối tượng dịch hại để chủ động tổ chức phòng trừ khi đến ngưỡng. Theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT, các địa phương không nên tổ chức phun trừ khi chưa đến ngưỡng để tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời bảo vệ được những thiên địch có lợi. Khi các đối tượng dịch hại phát sinh ở mức độ cao trên quy mô lớn, địa phương chủ động tham mưu cho UBND, ngành NN và PTNT chỉ đạo hướng dẫn và tổ chức phòng trừ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại; thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sinh trưởng của cây trồng, diễn biến thời tiết, cũng như tình hình sâu bệnh tại địa phương để nông dân chủ động kiểm tra và tiến hành phòng trừ hiệu quả. Các đội kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện, các lực lượng bảo vệ thực vật, UBND xã, thị trấn cần tăng cường kiểm tra, quản lý chặt mọi hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn…
Hiện tại, sau các đợt bón thúc, lúa, màu vụ xuân đang phát triển tốt là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh, dịch hại phát sinh, phát triển. Quản lý tốt dịch hại, phòng trừ theo phương châm "4 đúng", đồng thời quản lý chặt các hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và có ý nghĩa quyết định giành sản xuất vụ xuân 2013 thắng lợi./.
Bài và ảnh: Tất Thắc