Cùng với hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cả nước, năm 2002 NHCSXH chi nhánh tỉnh Nam Định được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo do hệ thống Ngân hàng NN và PTNT làm đại lý giải ngân sau 6 năm hoạt động. Đi vào hoạt động với khởi đầu hết sức khó khăn, trụ sở chi nhánh từ tỉnh đến huyện đều chưa có, phương tiện thiếu thốn, cán bộ nhân viên hầu hết đều mới vào ngành, trong khi đó phải tiếp nhận, giải quyết ngay hai chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm (GQVL), tổ chức giao dịch với trên 70 nghìn khách hàng. Đối tượng vay của NHCSXH là hộ nghèo, hộ chính sách, món vay nhỏ lẻ, giải ngân nhiều kỳ, một hộ có thể vay nhiều chương trình, mức vay thay đổi mỗi thời kỳ, địa bàn hoạt động rộng khắp, chủ yếu ở vùng nông thôn, cán bộ định biên ít. Trong khi hoạt động của NHCSXH lại chưa có tiền lệ, nghiệp vụ ủy thác một số khâu trong quy trình cho vay đối với các tổ chức chính trị xã hội (CT-XH) mới áp dụng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Để khắc phục khó khăn, một mặt, ngân hàng đã quan tâm khẩn trương xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy quản trị và điều hành, thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị của NHCSXH từ tỉnh đến huyện, thành phố bảo đảm đủ số lượng và đúng cơ cấu; các cơ quan Nhà nước và tổ chức CT-XH đã cử trên 100 cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm thành viên Ban đại diện. Do đều có đại diện chính quyền tham gia quản trị và điều hành hoạt động của hệ thống NHCSXH nên cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nắm được tình hình hoạt động để có biện pháp chỉ đạo sát sao, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Ban đại diện định kỳ họp hằng quý, căn cứ tình hình thực tế để phân giao vốn cho các địa phương, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn được cấp. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ điều hành tác nghiệp cũng được củng cố, bổ sung nhanh chóng bảo đảm chất lượng, với phương châm mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng “giỏi một việc, biết nhiều việc”.
Cán bộ NHCSXH thẩm định hồ sơ vay vốn của hộ nghèo. Ảnh: Thanh Thuý |
Đến nay, toàn Chi nhánh có 106 cán bộ, trong đó số có trình độ đại học và trên đại học chiếm 93%, số cán bộ là đảng viên chiếm 70%. Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, tiết giảm chi phí quản lý, tạo thuận lợi cho hộ nghèo và đối tượng chính sách dễ tiếp cận nguồn vốn, NHCSXH đã thực hiện nguyên tắc giải ngân vốn vay và thu nợ trực tiếp, không qua cầu cấp trung gian, tổ chức mạng lưới hoạt động chặt chẽ, rộng khắp với 9 phòng giao dịch ở tất cả các huyện, phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ chức CT-XH xây dựng gần 4 nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) ở các thôn, xóm, đội sản xuất, tổ dân phố, 212 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và duy trì lịch giao dịch cố định, đều đặn mỗi tháng một lần. Thực hiện Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã nhận lại toàn bộ nguồn vốn ủy thác toàn phần qua Ngân hàng NN và PTNT để thực hiện ủy thác từng phần cho các tổ chức CT-XH. Đến nay, Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội CCB, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thực hiện ủy thác cho NHCSXH 6/7 chương trình tín dụng, gồm cho vay hộ nghèo, vay GQVL, vay nước sạch và VSMT nông thôn, cho vay HS-SV có hoàn cảnh khó khăn và cho vay XKLĐ, cho vay hộ nghèo về nhà ở. Dư nợ cho vay các chương trình qua ủy thác hiện chiếm tới 97,3% tổng dư nợ của ngân hàng. Nguồn vốn được NHCSXH Việt Nam chuyển về đủ yêu cầu kết hợp với các kênh huy động khác nên đáp ứng được nhu cầu. Mô hình tổ TK và VV thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng, đặc biệt phát huy vai trò trong việc bình xét tuyển chọn đối tượng vay vốn bảo đảm đúng, trúng, loại bỏ ngay từ cơ sở những hộ không đủ điều kiện nên hạn chế nhiều rủi ro cho ngân hàng trong quá trình hoạt động. Với mô hình tổ chức phù hợp đã huy động và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống CT-XH cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Trong quá trình hoạt động, công tác kiểm tra, giám sát, kế toán ngân quỹ được chú trọng. 10 năm qua, các thành viên Ban đại diện HĐQT, các tổ chức CT-XH đã phối hợp với ngân hàng thực hiện kiểm tra 631 lượt huyện, 11.661 lượt điểm giao dịch, 10.690 lượt xã và 66.468 lượt tổ TK và VV. Đội ngũ cán bộ kế toán liên tục được tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ, bổ sung trang thiết bị, nhất là hệ thống máy vi tính nên công tác hạch toán kế toán đã được cập nhật chính xác, kịp thời, công tác thông tin báo cáo luôn thông suốt, phục vụ tốt cho điều hành và triển khai các mặt hoạt động. Bằng các biện pháp đồng bộ và quyết tâm cao, 10 năm qua, hoạt động của hệ thống NHCSXH tỉnh ta đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, quy mô và chất lượng năm sau cao hơn năm trước. So với thời điểm mới thành lập, dư nợ tăng từ 207 tỷ đồng lên 2.018 tỷ đồng, tăng 9,8 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 87,6%/năm; nợ quá hạn giảm từ 1% xuống còn 0,2%. Đến ngày 31-12-2012 có 118.899 khách hàng đang vay vốn, tăng 29.653 khách hàng. Từ cho vay 2 chương trình đến nay đã thực hiện cho vay 7 chương trình gồm: cho vay hộ nghèo, vay GQVL, cho vay chương trình nước sạch và VSMT nông thôn, cho vay HS-SV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay XKLĐ, cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng đã giải ngân cho 452.944 lượt khách hàng với số tiền 4.078 tỷ đồng, trong đó bằng nguồn vốn thu nợ quay vòng là 2.267 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm NHCSXH giải ngân cho 45 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã trở thành “chiếc phao cứu sinh” hữu hiệu giúp nhiều hộ gia đình vượt qua trở ngại, khắc phục khó khăn, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều HS-SV đã hoàn thành ước mơ về con đường học hành, tạo bước khởi đầu vững chắc trên con đường lập thân, lập nghiệp. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh, 10 năm qua đã có 235.673 lượt hộ nghèo được vay vốn, 61.382 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh mỗi năm 2%; GQVL cho 40.583 lao động, giúp 2.345 lao động đi XKLĐ có thời hạn; 98.105 HS-SV được vay vốn để tiếp tục học tập; 88.267 hộ nghèo được vay vốn xây mới và cải tạo 84.783 công trình nước sạch, 73.561 công trình vệ sinh, xây dựng 3.761 căn nhà cho hộ nghèo, giải quyết vấn đề nhà ở cho gần 70% số hộ có nhà ở dột nát. Các kết quả hoạt động của NHCSXH đã góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, bù đắp những khiếm khuyết của cơ chế thị trường, từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; cải thiện môi trường nông thôn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Phát huy những kết quả đã đạt được qua một thập kỷ đồng hành cùng người nghèo, trong những năm tới, NHCSXH tỉnh phấn đấu nâng cao năng lực hoạt động, khẳng định vai trò vị thế là công cụ thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là đảm bảo 100% hộ nghèo trong danh sách và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm đều được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5% tổng dư nợ, 85% số tổ TT và VV đạt loại tốt, khá, không có tổ yếu kém; 100% tổ và 90% thành viên tổ TK và VV tham gia gửi tiết kiệm hằng tháng. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đó, NHCSXH Nam Định tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành tại địa phương; tuân thủ tuyệt đối các quy định trong các khâu hoạt động, nâng cao chất lượng họp giao ban định kỳ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất tại cơ sở, tập trung chủ yếu vào đối tượng hộ vay và các tổ TK và VV nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai sót. Đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng bám sát địa bàn cùng với tổ TK và VV, hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương để có biện pháp phù hợp, hiệu quả trong giải quyết nợ xấu. Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ viên chức NHCSXH, cán bộ quản lý tổ chức nhận ủy thác, cán bộ chuyên trách công tác xóa đói giảm nghèo, ban quản lý các tổ TK và VV; tuyên truyền kịp thời các chính sách, quy định mới về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách để mọi người biết và giám sát việc thực hiện./.
Vân Anh