Huyện Hải Hậu có 2.280ha nuôi thủy sản trong đó có 1.824ha nuôi thủy sản nước ngọt và 456ha nuôi nước lợ với tổng sản lượng hơn 6.000 tấn/năm. Năm 2012, các hộ nuôi thủy sản đã chuyển mạnh từ nuôi tôm sú, cua biển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của toàn huyện là 130ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hải Nam, Hải Phúc, Hải Đông, Hải Chính, Hải Hòa... Các hộ nuôi đã làm tốt khâu cải tạo ao đầm, lựa chọn con nuôi phù hợp, thả đúng thời vụ, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật thâm canh nên các vùng nuôi không bị dịch bệnh, sản lượng thu hoạch đều đạt từ 10-12 tấn/ha, thu lãi từ 300-500 triệu đồng/ha/năm. Đối với vùng nuôi thủy sản nước ngọt, huyện tập trung nuôi các loại cá truyền thống và một số giống cá đặc sản như cá diêu hồng, lóc bông, trắm đen cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Năm 2012, ngoài 70ha ở xã Hải Châu diện tích nuôi cá diêu hồng đã được mở rộng thêm 12ha ở các xã Hải Đông, Hải Xuân, Hải Hòa, năng suất bình quân đạt từ 7-9 tấn/ha. Ở các vùng nuôi, các hộ dân đã xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp, tận dụng diện tích đất để trồng cây cảnh, các loại rau màu nhằm tăng thêm thu nhập.
Cải tạo ao đầm chuẩn bị nuôi tôm thẻ chân trắng tại xóm 17, xã Hải Nam. |
Năm 2013, huyện Hải Hậu phấn đấu diện tích nuôi thủy sản đạt 2.300ha. Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương trong huyện tăng cường quản lý thị trường, nguồn cung cấp thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông, thú y các xã, thị trấn bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình để đảm bảo phát triển thuỷ sản phù hợp với quy hoạch chung của huyện. Tăng cường tuyên truyền, in ấn tài liệu, mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, cải tạo ao đầm, cách lựa chọn, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nguồn giống, sử dụng hợp lý hóa chất, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thức ăn, phòng chống dịch bệnh, phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho hơn 160 lượt người về nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các trại giống tập trung chuẩn bị tốt về giống thủy sản. Trên địa bàn huyện hiện có 4 trại giống thủy sản gồm 3 trại giống nước lợ ở xã Hải Hòa, Hải Triều và 1 trại giống nước ngọt ở xã Hải Quang. Ông Lương Đức Thọ, chủ trại giống xã Hải Quang cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của huyện, trại đã bố trí 6 người trực liên tục để chuẩn bị cá bố mẹ, ương cá bột đảm bảo đủ nguồn giống phục vụ nhu cầu của người nuôi trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi ngày trại xuất hơn 2 triệu con cá giống truyền thống các loại". Tại xã Hải Nam, hơn 29ha chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng của 25 hộ tập trung ở xóm 17, xóm 20 đã hoàn tất việc cải tạo ao đầm, sẵn sàng xuống giống. Anh Hoàng Văn Hùng ở xóm 17 cho biết: "Năm nay, gia đình tôi nuôi 9ha tôm thẻ chân trắng. Để bảo đảm thành công, tôi đã đầu tư lắp đặt mạng lưới điện 3 pha, rắc vôi bột, chuẩn bị hệ thống quạt nước… Theo kế hoạch, đầu tháng 3 âm lịch sẽ xuống giống". Toàn bộ khu vực chuyển đổi của xã Hải Nam được đầu tư 300 triệu đồng để cải tạo ao đầm, xây dựng thêm trạm biến áp mới phục vụ sản xuất. Tại các xã Hải Triều, Hải Chính, Hải Lý các hộ dân đang tích cực chuẩn bị ao đầm bơm nước và xử lý bằng chế phẩm sinh học, sẵn sàng xuống giống. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát lịch thời vụ để xuống giống, đồng thời từng bước quy hoạch thêm vùng nuôi tôm sú theo hướng VietGap ở các xã Hải Chính và Hải Đông; hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho người dân tại các vùng nuôi cá diêu hồng ở các xã Hải Đông, Hải Xuân theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường. Tăng cường công tác khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề nuôi thủy sản. Trong năm 2013, huyện sẽ tổ chức từ 10-12 lớp tập huấn cho khoảng 1.000 lượt người nuôi thuỷ sản, đảm bảo 100% các hộ dân tại các vùng nuôi thuỷ sản nắm được kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, bố trí đủ nhân viên khuyến ngư cấp xã; hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, phòng trừ dịch bệnh. Nghiêm cấm sử dụng các hóa chất có nguồn gốc không rõ ràng, tập trung sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, tránh để lại dư lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm thuỷ sản./.
Bài và ảnh: Đức Toàn