Nâng bậc quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp

07:02, 16/02/2013

Năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tưởng như bị ngừng trệ thì sự chuyển biến quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp đã tạo động lực quan trọng để doanh nghiệp khởi sắc, bứt phá vươn lên.

Tỉnh ta có gần 4.000 doanh nghiệp đều thuộc diện doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nguồn vốn hạn chế, thường xuyên phải sử dụng vốn tín dụng để trợ lực nên một trong những khó khăn của doanh nghiệp là vấn đề nguồn vốn. Trong năm 2011, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vô cùng khó khăn vì hầu hết hệ thống ngân hàng thương mại đều lâm vào tình trạng khan vốn do nguồn cung từ Hội sở chính không đảm bảo, nguồn vốn huy động tại chỗ yếu. Trong tình cảnh khan vốn cộng với tác động từ thị trường thế giới đã đẩy lãi suất ngân hàng lên cao với thời điểm đạt đỉnh lên tới 21-23%/năm. Với mức lãi suất này, dù có tiếp cận được nguồn vốn thì doanh nghiệp cũng chỉ dùng vốn để hoạt động cầm chừng, thậm chí chấp nhận lỗ để có cơ hội tồn tại. Bước sang năm 2012, từ các chính sách điều chỉnh vĩ mô của NHNN Việt Nam về điều chỉnh hạ lãi suất đã tạo cơ hội khởi sắc cho các doanh nghiệp. Trong năm 2012, Thống đốc NHNN đã 10 lần ban hành các chính sách mới về lãi suất ngân hàng. Trong đó có 5 lần quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN và 5 lần điều chỉnh hạ lãi suất trần tiền gửi từ 14%/năm xuống 8%/năm. NHNN cũng thực hiện các quy định về ưu đãi lãi suất đối với một số lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN còn ban hành hàng loạt các quy định về trần lãi suất cho vay tối đa đối với một số lĩnh vực cho vay, quy định về niêm yết công khai các mức lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay… Mỗi quyết định nêu trên đều có tác động trực tiếp cơ hội tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từ thực tế hoạt động đã cho thấy các ngân hàng thương mại tỉnh ta đã có những chuyển biến mang tính đột phá trong việc tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.

Giao dịch tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Nam Định.
Giao dịch tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam,
Chi nhánh tỉnh Nam Định.

Vấn đề nêu trên được chứng minh bằng những con số cụ thể. Đến hết năm 2012, trên địa bàn tỉnh ta có tổng số 15 tổ chức tín dụng đang hoạt động, trong đó có 11 chi nhánh ngân hàng thương mại. Về hoạt động, cơ bản các hệ thống mạng lưới của 15 ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng các yêu cầu đề ra về quy định tín dụng. Đến hết tháng 12-2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 6,5%. Trong điều kiện lãi suất huy động hạ nhưng đây là năm đạt mức đột biến về huy động vốn với tổng vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 26,6% (3.575 tỷ đồng) so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 19.298 tỷ đồng, tăng 6,5% (1.175 tỷ đồng) so với đầu năm. Vấn đề quan tâm là các doanh nghiệp được tiếp cận vốn như thế nào? Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Trưởng phòng Nghiên cứu - Tổng hợp, NHNN tỉnh cho biết: “Đến hết năm 2012, trong tổng doanh số cho vay toàn tỉnh đạt 31.000 tỷ đồng thì dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp là 8.105 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42%. Hiện có 1.385 doanh nghiệp đang có dư nợ vay tại các ngân hàng, chiếm 44,5% tổng số các doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên địa bàn”. Không chỉ là số lượng vốn, điều quan trọng là thái độ của các ngân hàng đã “cởi mở”, thông thoáng hơn khi tiếp vốn cho doanh nghiệp. Cũng theo báo cáo của NHNN tỉnh, trong số 2.653 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng trong năm 2012, đã có 2.537 hồ sơ được chấp nhận giải ngân, đạt tỷ lệ giải quyết cho vay là 95%. Các trường hợp không được cho vay đều được NHNN tỉnh kiểm tra, kết luận nguyên nhân không cho vay do lỗi điều kiện từ phía khách hàng vay.

Lãi suất thấp nhất trong khả năng có thể và các điều kiện tốt nhất để phát huy hiệu quả vốn vay là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng. Về vấn đề này, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các ngân hàng thương mại lớn, có thị phần chiếm tỷ trọng lớn tại tỉnh ta như Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Thương mại CP Công thương, Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển… đều có chuyển biến rất rõ nét. Nguyên nhân do nguồn vốn huy động được của các ngân hàng tương đối phong phú. Bên cạnh đó, bản thân các ngân hàng đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh nên đã đề nghị Hội sở chính cấp thêm vốn, đảm bảo đủ yêu cầu vốn đối với thị trường trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố cần là nguồn vốn thì yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả của doanh nghiệp là chất lượng nguồn vốn được vay. Nói cách khác thì lãi suất là yếu tố quyết định đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Theo đánh giá của NHNN, nhìn chung, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ta tuân thủ khá tốt các quy định về trần lãi suất huy động cũng như cho vay. Diễn biến lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn ở trạng thái bằng và thấp hơn so với mức lãi suất bình quân của toàn quốc. Không dừng lại ở đó, bản thân các ngân hàng đều có hành động cụ thể về hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả vốn vay. Đồng chí Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Nam Định cho biết: “Trong hệ thống các ngân hàng toàn quốc, BIDV tiên phong điều chỉnh hạ lãi suất cho vay ưu đãi với 4 thành phần kinh tế (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay công nghiệp phụ trợ) thấp hơn 1%/năm mức quy định của NHNN. Đồng thời, BIDV cũng là đơn vị ngân hàng đầu tiên trong tỉnh thực hiện giảm lãi suất về mức 15% đồng loạt với các món vay cũ của doanh nghiệp, khách hàng đã vay với lãi suất cao trước đây”. Từ cuối tháng 7-2012, cơ bản các khoản vay cũ trong tổng dư nợ trên 2.000 tỷ đồng của BIDV đều đã được chuyển sang lãi suất mới thấp hơn. Bên cạnh đó, Giám đốc BIDV Chi nhánh Nam Định khẳng định sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho vay với bất kỳ doanh nghiệp nào trong tỉnh vì ngoài vốn huy động năm 2012 lên tới 2.465 tỷ đồng, BIDV đã cam kết tiếp ứng đầy đủ vốn cho BIDV Chi nhánh Nam Định thực hiện cho vay, nhất là cho vay hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Mới đây nhất, cuối năm 2012, BIDV Chi nhánh Nam Định đã cấp trên 700 tỷ đồng phục vụ công trình trọng điểm của tỉnh làm đường 21 đoạn Phủ Lý - Nam Định… Đồng hành với BIDV là Ngân hàng NN và PTNT Chi nhánh Nam Định. Đồng chí Phạm Huy Cận, Giám đốc Chi nhánh Nam Định cho biết: “Năm 2012, Ngân hàng NN và PTNT Nam Định tăng trưởng cao nhất khối ngân hàng trên địa bàn với mức 12%. Để mở rộng nguồn vốn cho vay, chúng tôi xác định lấy huy động vốn trực tiếp làm nguồn. Vì vậy, tổng vốn huy động cả năm đạt 4.983 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm”. Về lãi suất, Ngân hàng NN và PTNT đã thực hiện 6 lần điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, đưa lãi suất của đơn vị xuống dưới mức bình quân của toàn tỉnh. Dù là đơn vị cho vay tập trung khối nông nghiệp, nông thôn nhưng Ngân hàng NN và PTNT Nam Định cũng đã cho vay 680 doanh nghiệp với dư nợ 1.082 tỷ đồng. Đơn vị đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay lãi suất ưu đãi đối với 350 doanh nghiệp. Đến hết tháng 9-2012, Ngân hàng NN và PTNT Nam Định đã triển khai hạ lãi suất với tất cả các khoản vay cũ của khách hàng. Ngân hàng Thương mại CP Công thương cũng phản ứng rất nhanh đối với vấn đề này. Cùng với hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, ngân hàng này đưa ra bộ 12 nhóm giải pháp hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt đã triển khai cơ chế ưu đãi về hạn mức, số lượng vốn cho vay và lãi suất đối với các khách hàng truyền thống, các khách hàng có tiềm năng phát triển…

Khi các ngân hàng có thị phần lớn đồng hành với doanh nghiệp đã buộc các ngân hàng còn lại phải dung nhập với điều kiện thị trường để duy trì và mở rộng thị phần. Điều này tạo thành hiệu ứng dây chuyền trong hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với doanh nghiệp. Thống kê của NHNN tỉnh đến hết năm 2012, trong tổng dư nợ 19.298 tỷ đồng đã có 4.370 tỷ đồng ở lãi suất từ 13%/năm trở xuống (chiếm tỷ trọng 29,3%), 8.352 tỷ đồng ở mức lãi suất từ trên 13%/năm đến 15%/năm (56,1%), chỉ có 1.448 tỷ đồng ở mức lãi suất từ trên 15%/năm (9,7%). Đặc biệt, tại tỉnh ta đã có hàng chục doanh nghiệp được vay tổng số 731 tỷ đồng với lãi suất thấp, tối đa đến 11%. Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã rà soát tình trạng hoạt động, khả năng trả nợ của khách hàng doanh nghiệp, từ đó gia hạn nợ vay cho 64 doanh nghiệp để số doanh nghiệp này có cơ hội vượt qua khó khăn; thực hiện miễn, giảm trả lãi đối với 34 doanh nghiệp với số tiền lãi là 2,42 tỷ đồng…

Cùng với sự đồng hành của ngân hàng, các doanh nghiệp đã nâng cao được hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của UBND tỉnh và của ngành Ngân hàng diễn ra cuối năm 2012, phản ánh của các doanh nghiệp trong tỉnh đều rất phấn khởi khi thấy sự hợp tác, cùng đồng hành từ các ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã tìm được cơ hội để vượt qua khó khăn, duy trì, từ đó tìm cơ hội phát triển từ vốn vay ngân hàng. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Cty CP Dệt may Sơn Nam phấn khởi: “Nhờ nguồn vốn trên 200 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại CP Công thương tỉnh nên Cty đủ vốn để hoàn thành xây dựng xưởng dệt sợi xuất khẩu tại KCN Hòa Xá. Vấn đề quan trọng là Cty được vay với lãi suất tham chiếu 6,1%/năm và vay ngoại tệ với mức 3%/năm nên đồng vốn trụ được trong thời bão giá, đảm bảo đầu tư hiệu quả”. Đến nay, nhà máy sợi của Cty đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho trên 600 lao động với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng tâm trạng như vậy, ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Thúy Đạt cho biết: “Đến nay dự án đầu tư trồng và sản xuất bông, cao su của Cty tại Lào trị giá khoảng 100 triệu USD được triển khai thuận lợi. Là khách hàng thường xuyên của ngân hàng, tôi nhận thấy từ đầu năm 2012, sự thân thiện, hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ”. Ở một khía cạnh khác, đại diện Cty CP TASCO cho biết: “Vốn mang tính quyết định với doanh nghiệp. Với việc đảm bảo nguồn vốn chất lượng như hiện nay từ phía BIDV, Cty sẽ đảm bảo tiến độ thi công quốc lộ 21 cũng như các công trình Cty tiếp nhận trên địa bàn tỉnh”… 

Những chuyển biến tích cực trong quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp là dấu hiệu của phát triển. Cấp vốn kịp thời, có hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng và ngược lại. Tin tưởng rằng trên con đường phát triển, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều luôn nhận thức rõ lợi ích có được từ mối quan hệ này để tiếp tục đồng hành, phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com